Chuyện 3 ông bầu làm thay đổi bóng đá Việt

Thứ Hai, 04/05/2020, 06:30
Bầu Kiên, bầu Đức và bầu Hiển được xem là 3 ông bầu có ảnh hưởng và chi phối nhiều nhất đến bóng đá Việt Nam.

Năm 2000, khi V.League bắt đầu lên chuyên nghiệp cũng là thời kỳ đặt dấu ấn của các ông bầu làm bóng đá. Nhiều các chủ doanh nghiệp như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Kiên, bầu Long, bầu Hiển, bầu Trường, bầu Đệ... đã lần lượt dấn thân vào làm bóng đá.

Có những ông bầu tham gia cả vào tổ chức lãnh đạo của bóng đá là Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Cũng từ bóng đá mà tên tuổi của các ông bầu được biết đến nhiều hơn cả ở mặt tích cực và hạn chế.

Các ông bầu xuất hiện khiến đời sống bóng đá sôi động hơn nhưng cũng... loạn hơn, đặc biệt là việc làm phá giá thị trường chuyển nhượng, cũng như việc mua đi bán lại, sang tên đổi chủ đội bóng. Cũng từ việc "ăn xổi" thay vì bắt đầu từ việc đào tạo trẻ khiến cho bóng đá trở thành trò chơi "mua vui cũng được một vài trống canh".

Đã có không ít các ông bầu đã chia tay bóng đá theo kiểu "chán thì từ bỏ". Có một thời kỳ mà bóng đá Việt Nam trở thành sân khấu kim tiền mà V.League là một mớ bòng bong. 

1. Trong lịch sử, bầu Kiên được xem là một trong những người có tầm ảnh hưởng và chi phối bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Năm 2011, bầu Kiên từng tạo ra "cú đấm thép" với màn công kích VFF tại Hội nghị tổng kết V.League. 

Ông đưa ra hàng loạt bất cập của giải vô địch quốc gia về tiêu cực trọng tài, bán độ, bản quyền truyền hình..., lên án bộ máy quản lý để rồi khởi xướng lập ra VPF. Đây là cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, bầu Kiên đã giúp VPF giành lại bản quyền truyền hình mà VFF đã thoả thuận bán 20 năm cho một đối tác trước đó.

Ông Kiên mong muốn, công ty chỉ chịu sự giám sát chứ không phải thành viên, không phụ thuộc VFF. Đặc biệt là tham vọng VPF sẽ kiếm tiền cho bóng đá, phát triển đào tạo trẻ. Bầu Kiên từ một ông chủ đội bóng Hà Nội ACB sau này đã trở thành lãnh đạo có tầm ảnh hưởng của VPF. Đây cũng là ông bầu cá tính bậc nhất của bóng đá Việt Nam.

Tiếc rằng, ít lâu sau bầu Kiên đã rơi vào vòng lao lý, khiến VPF mất đi "thủ lĩnh" để hoạt động theo tôn chỉ ban đầu. Thế nên sau 3 nhiệm kỳ đã qua, VPF cũng không thể hoàn thành sứ mệnh lịch  sử của mình.

2. Người thứ 2 có tầm ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam là bầu Đức. Ông là người tiên phong cho việc vung tiền ra mua ngôi sao ở V.League. Có thời kỳ, Hoàng Anh Gia Lai từng là điểm đến của nhiều ngôi sao: Kiatisal, Lee Nguyễn, Dusit, Sakda, Thonglao, Chukiat Noosarun...

Bầu Đức có công đưa HLV Park Hang-seo đến Việt Nam. Ảnh: ĐT.

Sau này, bầu Đức cũng là người tiên phong cho việc đào tạo trẻ với việc trình làng lứa cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai năm 2014, sau đó được đôn lên đá V.League 2015, tạo ra cơn sốt cho bóng đá Việt Nam. Thế hệ cầu thủ này cũng đóng góp nhiều vào thành công của bóng đá Việt Nam 2 năm gần đây.

Không chỉ là ông chủ đội bóng, bầu Đức từng giam gia làm Phó Chủ tịch VPF khoá I và Phó Chủ tịch VFF khoá VII. Trong thời gian ra "làm quan" bóng đá, bầu Đức cũng đã có những ảnh hưởng, chi phối đến bóng đá Việt Nam. Trong vai trò Phó Chủ tịch VFF, ông từng công kích để VFF sa thải huấn luyện viên Miura, hậu thuẫn để Nguyễn Hữu Thắng lên thay.

Ông cũng là người đã đưa huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam và trực tiếp trả lương cho huấn luyện viên này nhiệm kỳ đầu tiên. Bầu Đức cũng là người cầm cờ trong việc công kích, gây sức ép để bầu Tú rút lui khỏi cuộc đua vào "ghế" Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII. Thậm chí, ông còn dọa sẽ để Hoàng Anh Gia Lai bỏ giải V.League nếu bầu Tú không rút.

3. Một ông bầu đặc biệt làm nhiều, nói ít và chi phối lớn đến bóng đá Việt Nam là bầu Hiển. Ông Hiển bắt tay vào làm bóng đá muộn hơn bầu Đức nhưng lại xây dựng được một tầm ảnh hưởng sâu, rộng từ bộ máy quản lý bóng đá đến trực tiếp các đội bóng.

Bầu Hiển bắt đầu hành trình bóng đá chuyên nghiệp với Hà Nội T&T (nay là Câu lạc bộ Hà Nội, thế nhưng ông lại là người có liên quan đến nhiều đội bóng khác là: Đà Nẵng, sau này là Quảng Nam, Sài Gòn. 

Sự ảnh hưởng, chi phối đó khiến cho "khối liên minh" này chịu nhiều tai tiếng của dư luận khi cho rằng tạo ra cuộc chơi không lành mạnh ở V.League. Đặc biệt là chức vô địch của Đà Nẵng 2012, Quảng Nam 2017 bị đặt dấu hỏi về chuyện có hay không việc dồn điểm?

Một điểm tích cực được ghi nhận là bầu Hiển đã đóng góp lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng cho đội tuyển quốc gia trong thành công suốt 2 năm qua. Cũng vì thế mà ông luôn được ghi công trong những chiến thắng đó. Bầu Hiển không tham gia vào bộ máy lãnh đạo của VFF hay VPF như bầu Đức, thế nhưng ông lại có những ảnh hưởng lớn ở cả hai tổ chức này.

Sau thời đại nhộn nhịp của các ông bầu, hiện tại chỉ còn bầu Đức và bầu Hiển là vẫn còn ảnh hưởng đến bóng đá Việt Nam.                

Công Phượng được định giá 15 tỉ đồng

Công Phượng đang thi đấu cho TP.HCM theo dạng cho mượn từ HAGL. Từ đầu giải, chân sút sinh năm 1995 đã ghi 3 bàn cho đội chủ sân Thống Nhất tại AFC Cup và Siêu Cúp Quốc gia, bên cạnh 1 đường kiến tạo ở V.League. Với đóng góp về chuyên môn, cộng hiệu ứng ngoài sân cỏ với vị thế một ngôi sao có sức hút, TP.HCM dự định bỏ 15 tỉ đồng để mua Công Phượng.

Trên Transfermarkt, chuyên trang định giá cầu thủ, Công Phượng có giá 200.000 Euro (hơn 5,2 tỉ đồng). Tức là số tiền TP.HCM dự định chi ra cao hơn mức định giá đến gần… 3 lần. Tuy nhiên, việc mua bán cầu thủ trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, chuyện đắt hay rẻ đôi khi nằm ở sự hài lòng của bên mua, bán và cả những mục đích ngoài chuyên môn, chứ không bó buộc theo quy luật thị trường. Xét đến nhiều yếu tố, con số 15 tỉ đồng cho một cầu thủ ngôi sao như Công Phượng không hề đắt.

Công Phượng vẫn còn ràng buộc với HAGL đến năm 28 tuổi, nghĩa là còn 3 năm hợp đồng. Vì thế, TP Hồ Chí Minh có thể phải chi đến hơn 1 nửa số tiền trong số 15 tỉ đồng để đền bù hợp đồng cho HAGL. Đây là chuyện bình thường, bởi trong 7 năm đào tạo tại học viện HAGL-JMG, Công Phượng cũng như các học viên khác ngốn của bầu Đức đến 1 tỉ đồng/người/năm.

H.H

Hưng Hà
.
.
.