Câu chuyện bóng đá: Vỡ luật, vỡ lệ...

Chủ Nhật, 01/11/2015, 08:58
Hậu quả từ những pha bóng bạo lực trên sân cỏ V.League trong 2 năm trở lại đây đã khiến những nhà làm bóng đá ở cả cấp độ VFF, VPF lẫn cấp độ các CLB vỡ ra rất nhiều điều quanh chuyện luật và lệ. Vấn đề là sau khi vỡ rồi, mọi thứ sẽ được hàn gắn, sửa đổi, thay thế ra sao?


Người ta chưa quên hình ảnh cầu thủ ngoại Bruno của Quảng Ninh gào thét trong đau đớn sau một pha tiếp đất trên một mặt sân gồ ghề, dẫn đến gãy xương mác, chấn thương nghiêm trọng ở mùa giải năm ngoái. Người ta cũng chưa quên pha vào bóng như triệt hạ của Trần Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) với Anh Hùng (An Giang) ở mùa bóng ấy, khiến Anh Hùng cũng bị gãy chân. 

Mùa giải năm nay, lại đến lượt Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) khiến Anh Khoa (Đà Nẵng) phải đi viện, và chấn thương của Anh Khoa nghiêm trọng tới mức cầu thủ này phải đối diện với nguy cơ chia tay sân cỏ.

Sau hàng loạt những vụ việc này, một câu hỏi đặt ra: Các cầu thủ bóng đá Việt Nam có được các CLB chủ quản mua bảo hiểm đôi chân hay không? Thực tế thì ở Việt Nam, cũng có những cầu thủ được bảo hiểm đôi chân, điển hình là chân sút đình đám Lê Công Vinh, nhưng hỏi ra mới biết, đấy là cá nhân Công Vinh tự mua bảo hiểm cho mình. 

Với tất cả các CLB, từ hạng Nhất đến V.League vấn đề bảo hiểm cầu thủ mới chỉ dừng lại ở cấp độ bảo hiểm xã hội, do vậy khi xảy ra tình trạng chấn thương nghiêm trọng, phần lớn các cầu thủ phải tự bỏ tiền túi, cộng thêm một chút ít tiền hỗ trợ của các CLB để lo liệu chấn thương.

Từ hiện trạng này mà mới đây VPF đã họp bàn với VFF để tính việc mua bảo hiểm đôi chân, bảo hiểm nghề nghiệp cho các cầu thủ ngay trong mùa giải 2016. 
Quế Ngọc Hải (15) sẽ không phải trả tiền chữa trị cho Anh Khoa, nếu... Ảnh: H.M.

Trả lời báo giới, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị VPF Phạm Ngọc Viễn cho biết điều này sẽ khiến VPF phải bỏ ra một khoản kinh phí không hề nhỏ, nhưng vì tính cấp thiết của vấn đề nên tổ chức này vẫn sẽ làm bằng được, và những thông tin ban đầu cho hay một đơn vị bảo hiểm uy tín đã được mời làm đối tác.

Trao đổi với người viết, tất cả các HLV, cầu thủ đang hành nghề tại V.League đều rỏ ra đặc biệt phấn khởi với thông tin này. Bởi ở một đời sống bóng đá chưa có hiệp hội cầu thủ, nơi bảo vệ quyền lợi cho những người làm nghề lao động bóng đá, thì đây chính là một biểu hiện cho thấy loại hình lao động này đã được nhìn nhận, quan tâm đúng mức.

Nhưng đấy không phải là vấn đề duy nhất được vỡ ra sau hàng loạt những pha chấn thương nguy hiểm. Ai cũng biết sau vụ Quế Ngọc Hải song phi vào Anh Khoa, khiến cầu thủ của SHB Đà Nẵng phải sang Singapore phẫu thuật, Ban Kỷ luật VFF đã yêu cầu Quế Ngọc Hải phải thanh toán toàn bộ kinh phí chữa trị của Anh Khoa.

Quyết định này có sai không? Xin trả lời ngay là không, vì nó phù hợp với những điều lệ đã được thông qua của bóng đá chuyên nghiệp. Những quyết định này có hợp lý hay không? Chắc chắn là cũng không hợp lý, bởi một cầu thủ trẻ như Quế Ngọc Hải thật khó kiếm đủ hàng trăm triệu đồng chữa bệnh cho Anh Khoa, và cũng bởi không có bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào trên thế giới quy định như thế cả. Vậy thì từ câu chuyện này, những nhà làm luật cũng phải tính đến chuyện sửa chữa, thay thế luật lệ sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Không phải bất cứ luật lệ nào ngay từ lúc ra đời đã lập tức phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy nhờ thực tế mà luật, lệ và cả những thói quen được vỡ ra, từ đó đứng trước nhu cầu sửa chữa, thay đổi cũng là chuyện hết sức thường tình.

Ai đi tiên phong trong việc "giữ chân" cầu thủ?

Đó chính là CLB Nam Định. Trước thềm mùa giải 2006 - 2007, ban lãnh đạo Nam Định đã mua bảo hiểm cho toàn bộ các cầu thủ của mình, và theo đánh giá cũng lãnh đạo Nam Định thời điểm ấy thì: "Đó là một việc làm giúp các cầu thủ nhận thấy mình đã được quan tâm đến đâu". Tuy nhiên, điều này cũng chỉ kéo dài trong một thời gian rất ngắn, vì sau đó bóng đá Nam Định mỗi lúc một thụt lùi, và đã vắng mặt ở cấp độ cao nhất của bóng đá Việt Nam từ nhiều năm nay.

Cũng cần nói thêm, ở những nền bóng đá chuyên nghiệp đúng nghĩa, hợp đồng giữa một cầu thủ (người lao động) với một CLB (đối tượng sử dụng lao động) luôn có những điều khoản cụ thể, cặn kẽ về các chế độ bảo hiểm của người lao động. Và chỉ khi hai bên hoàn toàn thống nhất về việc hãng bảo hiểm nào được mời tham gia cuộc chơi, giá trị bảo hiểm là bao nhiêu thì hợp đồng mới chính thức được ký kết. 

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.