Từ màn bi hài kịch trên sân Thống Nhất: Cần một V.League minh bạch hoá

Thứ Hai, 20/02/2017, 13:35
"Em xấu hổ quá anh ạ. Em xem trận đấu qua ti vi mà thấy buồn và xấu hổ cho bóng đá Việt Nam mình quá. Đến nước này liệu có phải tạm dừng V.League lại không anh?" - đấy là chia sẻ của một cầu thủ phía Bắc với chúng tôi về màn bi hài kịch trên sân Thống Nhất ở vòng 6 V.League chiều Chủ nhật, khi các cầu thủ Long An chủ động đứng im để chủ nhà Thành phố.Hồ Chí Minh thoả sức ghi bàn.


Chỉ vài giờ sau, màn bi hài kịch này đã xuất hiện tràn lan trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. "Kỳ quặc", "kỳ quái", "điên rồ", "khó tin"..., đó là những từ mà những hãng truyền thông này sử dụng để bình luận về vụ việc. Nó cho thấy, không riêng gì V.League, mà cả nền  bóng đá Việt Nam lại có thêm một phen mất mặt.

Trọng tài đúng hay sai?

Nguồn cơn của màn bi hài kịch sân Thống Nhất đến từ quyết định thổi phạt 11m của trọng tài Nguyễn Trọng Thư - một quyết định được đưa ra rất nhanh sau khi chủ nhà TP.HCM tổ chức tấn công biên phải, câu bóng vào trung lộ, và ở đó tiền đạo Dyachenko ngã ra sau pha va chạm với hậu vệ Hoàng Lâm của Long An.

Theo chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế và cựu còi vàng Việt Nam Dương Mạnh Hùng thì trong tình huống này Hoàng Lâm không phạm lỗi với Dyachenko, nên quyết định thổi phạt 11m là không chính xác. Tuy nhiên, theo cựu trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng thì pha va chạm này đã làm giảm cơ hội tham gia tấn công của Dyachenko, nên đấy lại là một quyết định chính xác của trọng tài.

Có nghĩa, khác với vụ va chạm giữa Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội) và Châu Ngọc Quang (Hoàng Anh Gia Lai) ở vòng 3 V.League - một pha va chạm mà tất cả đều khẳng định Hoàng Vũ Samson đã vào bóng bạo lực, trong tình huống va chạm giữa Hoàng Lâm và Dyachenko, giới chuyên môn lại chia đôi quan điểm.

HLV Ngô Quang Sang - Long An phản ứng trọng tài Nguyễn Trọng Thư

Nói theo ngôn ngữ bóng đá thì đây là một tình huống 5-5, và trong những tình huống kiểu này thì tuỳ theo nhận định của trọng tài mà các quyết định khác nhau (thậm chí là đối lập nhau) có thể được đưa ra. Vấn đề là những đối tượng tham gia cuộc chơi, từ HLV, cầu thủ đến khán giả đều phải chấp nhận những nhận định rất... con người này.

Nhưng CLB Long An đã không chấp nhận. Ông chủ tịch CLB Võ Thành Nhiệm từ khán đài lao xuống sân phản ứng. Rồi HLV trưởng Ngô Quang Sang và các cầu thủ cũng hùa vào phản ứng. Chỉ riêng việc phản ứng như vậy cũng đáng bị xử phạt. Vậy nên sau đó, khi họ còn chủ động đứng im, để đối thủ mặc sức ghi bàn, tạo nên một trong những hình ảnh xấu xí nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam thì việc phải phạt nặng, thậm chí phạt vượt khung là điều chắc chắn.

Có lẽ cũng ý thức rõ điều này nên một ngày sau trận đấu, bản thân lãnh đạo Long An cũng đã chủ động phạt nội bộ thủ thành Minh Nhựt - người phản ứng trọng tài bằng cách quay lưng lại để cầu thủ TP.HCM dễ dàng đá 11m, rồi gửi lời xin lỗi tới Ban tổ chức giải cùng đông đảo người hâm mộ. Tuy nhiên Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng khẳng định: "Họ nhận ra cái sai của mình thì đã quá muộn rồi".  

Để không còn những "mồi lửa" Trọng tài 

Hôm nay, CAND đã có bài "Mồi lửa" trọng tài" đề cập đến việc khán giả sân Lạch Tray (Hải Phòng) đã phản ứng dữ dội rồi đồng thanh chửi bới trọng tài Nguyễn Hiền Triết sau khi đội nhà phải nhận một quả 11m ở cuối trận đấu với CLB Hà Nội. Cần nhắc lại, đây cũng là một tình huống theo kiểu 5-5, một tình huống mà trong khi chuyên gia bóng đá Trịnh Minh Huế khẳng định "trọng tài sai" thì cựu còi vàng Việt Nam Dương Mạnh Hùng lại khẳng định "trọng tài đúng", thậm chí còn khen trọng tài dũng cảm, bản lĩnh khi đã ra quyết định bất lợi cho chủ nhà ở thời điểm ấy. 

Như thế, điểm chung giữa trận đấu ở sân Lạch Tray với trận đấu ở sân Thống Nhất là khi đứng trước những tình huống 5-5 mà quyết định của trọng tài gây bất lợi cho đội mình thì các cổ động viên, HLV, cầu thủ của các đội bóng này đều tìm cách phản ứng tới cùng. Tại sao?

Tại vì họ không thật hiểu luật lệ cuộc chơi? Nếu nói một bộ phận cổ động viên nào đó - những người thường xem bóng đá bằng cảm xúc và dễ bị kích động không thật hiểu luật lệ thì còn chấp nhận được, nhưng nếu bảo những HLV, những cầu thủ giàu kinh nghiệm không hiểu cái điều cơ bản này thì đại vô lý. Vậy thì vì họ cả giận mất khôn, nên muốn xả mọi bực tức của mình lên đầu trọng tài chăng? Cũng có thể!

Nhưng theo chúng tôi nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ, họ bị mất niềm tin nghiêm trọng vào công tác trọng tài nói riêng và công tác tổ chức giải nói chung. Chính vì mất niềm tin, nên trong những tình huống 5-5 mà đội nhà bất lợi, họ luôn phải lấn cấn với câu hỏi: "Ngoài chuyện chuyên môn, liệu trọng tài có vấn đề gì về tư tưởng hay không?". Với những đội bóng nghèo, ít tầm ảnh hưởng và không nằm trong bất cứ nhóm lợi ích nào thì câu hỏi này thậm chí ám ảnh họ từ lúc bóng còn chưa lăn.

Mà với những gì họ đã chứng kiến, đã kiểm nghiệm từ vài năm trở lại đây thì chuyện mất niềm tin này là có thể hiểu được. Đơn cử như vụ lùm xùm ở vòng 3 V.League, khi Hoàng Vũ Samson bạo lực rõ ràng nhưng cả một vòng tròn khép kín từ Ban trọng tài đến Ban tổ chức giải cứ khăng khăng là "chỉ liều lĩnh, chứ không bạo lực". 

Nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ từ dư luận, Tổng cục Thể dục Thể thao, thậm chí là cả cấp trên của Tổng cục Thể dục Thể thao thì cái "vòng tròn khép kín" này đã chiến thắng công lý, từ đó có thể khiến cho một hoặc một nhóm lợi ích nào đó hưởng lợi?

Thành thử, để dập đi "mồi lửa" trọng tài và để cho V.League đi chạy đúng đường thì vấn đề bây giờ không chỉ nằm ở việc xử lý BTC sân Lạch Tray, những cổ động viên Hải Phòng, những lãnh đạo, HLV, cầu thủ Long An - những người đã phản ứng thái quá với trọng tài, mà sâu xa ra là phải MINH BẠCH HOÁ cuộc chơi.

Chỉ khi nào V.League được minh bạch hoá thật sự, chỉ khi nào những nghi ngờ về sự tồn tại của những "nhóm lợi ích", những "quyền lực đen", những "bàn tay muốn che bầu trời" bị xoá sạch thì những sự cố kiểu như ở Lạch Tray, Thống Nhất mới có khả năng không lặp lại.

Ban Kỷ luật sẽ xử mạnh tay

Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết, Ban tổ chức V.League đã chuẩn bị đầy đủ những hồ sơ cần thiết xung quanh màn bi hài kịch trên sân Thống Nhất để chuyển sang Ban Kỷ luật. Ông Chóng nhấn mạnh rằng, không riêng gì sự cố này, những sự cố khác ở vòng 6 V.League liên quan đến khán giả, trọng tài cũng đã được chuẩn bị đầy đủ để chuyển cho Ban Kỷ luật xét xử. Trong khi đó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng khẳng định phải có những hình thức xử lý mạnh tay với những biểu hiện làm xấu mặt V.League, xấu mặt bóng đá Việt Nam như thế này.


Phan Đăng
.
.
.