Các công trình thể thao tại Việt Nam: Cần vận hành hiệu quả, không lãng phí
Dự án nâng cấp, cải tạo sân vận động quốc gia Mỹ Đình đã không còn do Ban giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình quản lý. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã đưa dự án trên về Ban quản lý dự án miền Bắc quản lý, trực thuộc Bộ. Gói đầu tư nâng cấp, cải tạo sân vận động quốc gia Mỹ Đình có tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng và thực hiện 2 giai đoạn. Giai đoạn một có chi phí hơn 20 tỷ đồng đã thực hiện xong. Giai đoạn 2 khoảng 30 tỷ đồng hiện đang... chờ.
Vì cứ phải chờ nên thực tế thảm cao su của đường chạy điền kinh sân Mỹ Đình hiện đang lỗi nặng. Trao đổi cùng báo giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng khẳng định: “Việc nâng cấp đường chạy điền kinh không tốn nhiều thời gian và chi phí. Bởi vì, mặt đường chạy không phải sửa chữa nhiều, chỉ cần rải thảm cao su mới là xong”.
Đường piste sân Mỹ Đình hiện xuống cấp trầm trọng. |
Thực tế, Đại hội thể dục thể thao toàn quốc 2018 đã được chuẩn bị và sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trường hợp thảm cao su sân Mỹ Đình không kịp hoàn tất, môn điền kinh khó lòng diễn ra tại đây.
Một lãnh đạo bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục-Thể thao) đã chia sẻ, trong trường hợp xấu nhất, khả năng phải nhờ một địa phương khác (ngoài Hà Nội) đứng ra tổ chức hộ môn điền kinh, và đấy rõ ràng là điều bất cập.
Điền kinh là môn thu hút sự quan tâm lớn, đồng thời sân Mỹ Đình nằm tại trung tâm Hà Nội. Tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc từ xưa đến nay, điền kinh luôn được diễn ra ở địa phương đăng cai vòng chung kết. Năm ngoái, giải điền kinh vô địch quốc gia 2016 được tổ chức tại Hà Nội nhưng nhà tổ chức đã phải đưa vận động viên tranh tài ở sân Hàng Đẫy. Khuôn viên sân Hàng Đẫy quá chật hẹp, nhiều vận động viên đã phải thực hiện khởi động ngay bên ngoài, trên phố Trịnh Hoài Đức chứ không thể khởi động trong sân.
Tại cuộc làm việc hôm 28-4 với Ban giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải đã yêu cầu “Tổng cục Thể dục-Thể thao cùng phối hợp với Ban giám đốc Khu liên hợp, lên các kế hoạch cải tạo, sửa chữa cụ thể. Đặc biệt là sân điền kinh, yêu cầu các đơn vị liên quan có báo cáo chi tiết, khẩn trương hoàn thiện để tạo điều kiện cho vận động viên tập luyện và thi đấu”.
Nếu như sân vận động Quốc gia Mỹ Đình đang gặp vấn đề với...cái đường piste chờ mãi không được sửa chữa thì cung điền kinh trong nhà thậm chí chỉ được sử dụng một lần, ngốn hàng trăm tỉ đồng đầu tư của nhà nước rồi vĩnh viễn biến mất.
Để chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á trong nhà (Asian Indoor Games) lần thứ 3, năm 2019, do Việt Nam làm chủ nhà, ngành thể thao đã đầu tư xây dựng cung điền kinh trong nhà tại Hà Nội với một đường chạy điền kinh trong nhà rất hoành tráng. Cung điền kinh có tổng chi phí được chia sẻ (lúc đó) lên tới hơn 400 tỷ đồng, có đường chạy thuộc vào loại tốt nhất châu Á.
Sau khi Đại hội AIG3 kết thúc, các miếng thảm ghép để hình thành nên đường chạy môn điền kinh trong nhà đã bị xếp lại bỏ xó trong nhà kho. Đến lúc này, các miếng thảm ghép trên chưa một lần được sử dụng lại. Bởi thể thao Việt Nam không đào tạo tập luyện môn điền kinh trong nhà. Tính về công năng và chi phí đầu tư, việc dốc tiền chỉ cho 1 lần sử dụng như vậy là không hiệu quả.