Chuyện học ở một “lò” đào tạo cầu thủ trẻ
"Em ở PVF. Anh có thể giúp em dạy văn hoá, lịch sử cho các cầu thủ được không?".
Tôi hơi bất ngờ khi nhận được lời đề nghị này từ Trúc, nhân viên Phòng giáo dục PVF - Quỹ đầu tư phát triển bóng đá Việt Nam. Gắn bó với bóng đá Việt Nam 15 năm, đi nhiều, quan sát nhiều, tôi chưa thấy một Trung tâm đào tạo cầu thủ nào lại mời các nhà báo tới dạy văn hoá, lịch sử cho các cầu thủ như thế cả.
Họ thực sự muốn các cầu thủ được học hành tử tế hay chẳng qua chỉ "làm màu" với giới phóng viên? Cái đầu đa nghi của tôi lập tức đặt ra câu hỏi ấy, và vì thế đã không nhận lời.
Một buổi chia sẻ về lịch sử của tác giả với các cầu thủ nhí. |
Nhưng một ngày sau, PVF lại "Alo". Lần này thì không phải là Trúc với cái giọng miền Tây đặc quánh nữa, mà là của Giám đốc Nguyễn Thị Quý Phương: "PVF muốn làm thật sự và tử tế, vì vậy rất muốn mời Phan Đăng cộng tác". Rồi hai chị em thỏa thuận: tôi cứ xuống quan sát, tìm hiểu PVF một vòng, sau đó nhận lời hay không cũng chưa muộn.
Xe ôtô chở tôi qua cổng PVF, ấn tượng đầu tiên là sự nguy nga. Có hai toà nhà khá nguy nga, một dành cho các hoạt động hành chính, một dành cho cầu thủ và các chuyên gia ăn nghỉ.
Phía đối diện hai toà nhà là một sân bóng có sức chứa khoảng 3.000 người và 6 sân tập nhỏ với mặt cỏ khá mịn màng. Nhưng ấn tượng nhất là phòng tập 360S - một phòng tập đặc biệt với 4 bức tường cảm ứng, và 4 cái máy bắn bóng được đặt ở 4 góc phòng.
Ở đây, bóng sẽ được bắn ra từ 4 góc, các cầu thủ sẽ tiếp bóng, sút vào bức tường cảm ứng theo các kịch bản HLV yêu cầu. Mới đây, ngồi với Lê Công Vinh - quyền Chủ tịch Câu lạc bộ TP Hồ Chí Minh, tôi kể về phòng tập đặc biệt này.
Vinh bảo: "Em đã từng nhìn thấy nó khi đá ở Bồ Đào Nha. Đấy là một phòng tập rất hiện đại, nghe đâu cả châu Á bây giờ cũng chỉ có 1, 2 cái". Đến lúc đó, phải thú thật là tôi đã bị thuyết phục bởi hệ thống cơ sở vật chất khá chuyên nghiệp của PVF.
Nhưng điều quan trọng nhất, yếu tố con người thì sao? Chị Quý Phương bảo rằng: "Chị muốn những đứa trẻ không chỉ giỏi đá bóng, mà còn phải có văn hoá. Tụi nhỏ được đi học ở Vinschool mỗi ngày. Nhưng chị còn muốn tụi nó được nghe những câu chuyện về văn hoá, về lịch sử Việt Nam vào buổi tối".
Nghe lời chia sẻ ấy, tôi chợt nhớ đến những gì diễn ra sau trận đấu đầu tiên của Đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2008. Trận ấy, ta thua Thái 0-2, và các cầu không giấu được nỗi buồn ghê gớm khi trở về khách sạn Royal Phuket City.
Buổi họp đội hôm sau, HLV trưởng Calisto "lên lớp": "Các anh có biết mình sinh ra trong một dân tộc như thế nào, có một lịch sử như thế nào không? Nếu các anh yếu đuối và gục ngã, các anh không xứng đáng là công dân của một dân tộc anh hùng".
Ông Ngô Lê Bằng, phiên dịch cho Calisto hồi ấy nhận xét: "Nghe một người nước ngoài như Calisto nói về lịch sử Việt Nam, về dân tộc Việt Nam mà một người Việt Nam như tôi cũng thấy nóng lên bừng bừng".
Còn trong buổi cà phê với tôi buổi tối ngày hôm ấy, Calisto tâm sự: "Khi tấn công Ai Cập, Napoleon nói với những chiến binh của mình rằng họ đang đối diện với cả ngàn năm văn minh, còn với các tuyển thủ Việt Nam, khi đứng trước đối phương, tôi muốn họ ý thức rằng phía sau lưng họ là cả một lịch sử anh hùng".
Câu chuyện này cho thấy, nếu các tuyển thủ thực sự hiểu những giá trị to lớn của lịch sử dân tộc mình, của ông cha mình thì chắc chắn họ sẽ phi thường hơn so với chính họ.
Nghĩ thế, tôi quyết định nhận lời cộng tác với PVF. Hằng tuần tôi đến đây để chia sẻ với những đứa trẻ, từ U.12, U.13, U.15 đến U.17, U.19, U.21, những câu chuyện về cha tổ Hùng Vương dựng nước, về Bà Trưng, Bà Triệu phất cao ngọn cờ chống lại bạo quyền, về Lý Công Uẩn dời đô đến Thăng Long, về vua tôi nhà Trần 3 lần đập tan quân Nguyên Mông hùng mạnh, về một Quang Trung đánh Nam dẹp Bắc, về một Ngô Thì Nhậm, một Cao Bá Quát đã góp phần tạo nên cái phẩm khí tuyệt đẹp của những "Kẻ sĩ Bắc Hà"...
Chúng tôi đã phải chuẩn bị mọi giáo án để có thể ứng phó với mọi tình huống không ngờ nhất, vì tất cả đều nghĩ lũ trẻ sẽ không mấy thiết tha với những câu chuyện như thế này.
Không ngờ, tắm trong thế giới lịch sử hào hùng, vinh quang ấy, chúng nghe chăm chú. Khi thầy trò đang chia sẻ về những chiến tích của Quang Trung, có đứa giơ tay phát biểu: "Thưa thầy, quê em Bình Định ạ!" mà không giấu được ánh mắt lấp lánh tự hào. Tôi tin rằng, kể từ hôm đó, cầu thủ quê Bình Định đó sẽ tự hào hơn về mảnh đất sinh ra mình.
Và biết đâu nhỉ, sau này lớn lên, đối diện với những hoàn cảnh khó khăn nhất của một trận đấu - một cuộc đời cầu thủ, cái chí khí: "Đánh cho chích luân bất phản/ Đánh cho phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng tri hữu chủ" mà thầy trò đang hào hứng thảo luận hôm nay sẽ chợt trở dậy trong lòng cậu, tạo ra một sức mạnh - một nguồn năng lượng đủ lớn để cậu có thể vững vàng, mạnh mẽ hơn?
Chị Quý Phương chia sẻ với tôi về "giấc mơ World Cup 2030" - một World Cup thật sự của Đội tuyển Quốc gia, chứ không phải chỉ là World Cup bóng đá trẻ mà PVF đã và đang hướng đến. Tôi chia sẻ với giấc mơ của chị cũng như PVF, nhưng thật lòng, với sự trải nghiệm của một nhà báo bóng đá Việt Nam, tôi không dám mơ cao xa như thế.
Tôi chỉ dám mơ rằng, từ mái nhà này, từ những sự đầu tư to lớn này, từ những hy vọng chứa chan này, những đứa trẻ rồi sẽ lớn lên một cách lành lặn.
Và sau này, nếu có thể trở thành những tuyển thủ quốc gia thì mỗi khi "xung trận", chúng sẽ ý thức được rằng phía sau chiếc áo Quốc gia mà mình đang mặc không phải chỉ là một lồng ngực - một trái tim, mà còn là giá trị, là sức sống của một dân tộc anh hùng.
World Cup bao xa?’ Suốt 10 năm "đóng đô" ở Trung tâm Thành Long – TP Phố Hồ Chí Minh, PVF cũng đã sản sinh ra nhiều lứa cầu thủ trẻ tài năng, và thực tế là các đội tuyển U của PVF cũng đã vô địch quốc gia rất nhiều lần. Nhưng với những đầu tư đặc biệt tới đây, mục tiêu của họ không chỉ gói gọn trong phạm vi quốc gia nữa, mà được mở rộng tới phạm vi quốc tế, thậm chí mơ ước chạm vào phạm vi World Cup - một World Cup thật, một World Cup xịn, chứ không chỉ là World Cup trẻ. Chứng kiến mục tiêu này, một câu hỏi lớn chắc chắn sẽ vang lên trong đầu những người gắn bó với bóng đá Việt Nam: rốt cuộc thì với chúng ta, khoảng cách World Cup bao xa nhỉ? Thứ nhất, nhìn ở phương diện toàn cầu, nếu chỉ "đo" World Cup bằng chất lượng của những học viện bóng đá đơn thuần thì có lẽ người Qatar, người Trung Quốc đã vô địch World Cup từ rất lâu rồi. Bởi từ rất lâu rồi, ở những quốc gia này đã có những học viện bóng đá được đầu tư cực lớn, và chất lượng của nó khiến cho ngay cả những học viện "xịn" ở châu Âu cũng phải thèm thuồng. Thứ hai, nhìn vào đặc thù Việt Nam, còn một vấn đề nan giải nữa, đó là đầu ra của những con người vốn được ươm trồng tử tế. Với một quy trình đào tạo đặc biệt, được chắp bút bởi những chuyên gia bóng đá nước ngoài, với một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, chuyên nghiệp, và với một quá trình giáo dục văn hoá bài bản, lớp lang, có quyền tin tưởng rằng những cầu thủ của PVF tới đây sẽ không chỉ giỏi nghề, mà còn trở thành những nhân cách lành lặn và tử tế. Nhưng hãy thử nhắm mắt tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra sau cái ngày những đứa trẻ tốt nghiệp, rời khỏi PVF để hoà mình vào dòng chảy V.League nói chung? Phải đặt vấn đề V.League ở đây là vì xét cho cùng thì nó vẫn sẽ là môi trường chính yếu để tất cả những cầu thủ được đào tạo ở Việt Nam sống và làm nghề. V.League có sạch thì những sản phẩm được đào tạo tử tế mới có thể giữ được những phẩm chất sạch sẽ. Ngược lại, V.League không sạch hoặc chưa sạch thì những cái sạch hiếm hoi rồi cũng rất dễ bị... hoà tan. Và như thế, xét cho cùng giấc mơ World Cup là một giấc mơ chung, cần sự chung tay góp sức của cả một xã hội bóng đá, chứ không thể chỉ là một miền bay bổng riêng của PVF. Cũng như thế, trách nhiệm tạo nên và nuôi dưỡng những cá thể bóng đá tử tế là trách nhiệm chung của tất cả những ai đã, đang và sẽ tham gia đời sống bóng đá Việt Nam, chứ không phải chỉ là trách nhiệm đơn lẻ của bất cứ một học viện bóng đá, một lò đào tạo cầu thủ cụ thể nào trên đất nước này. |