Bóng đá Việt Nam năm 2018: Khát vọng vàng Đông Nam Á

Thứ Ba, 20/02/2018, 08:58
Trở về quê nhà Hàn Quốc, sau khi cùng U.23 Việt Nam xuất thần giật huy chương bạc Vòng chung kết (VCK) giải vô địch U.23 châu Á, HLV trưởng Park Hang Seo bảo ông vừa cảm thấy hạnh phúc với những gì đã qua, vừa cảm thấy áp lực với những gì sắp đến.

Hạnh phúc với những gì đã qua thì “rõ như ban ngày” rồi, khỏi cần nói lại. Còn "áp lực với những gì sắp đến" là sao? Từ VCK U.23 châu Á bước ra, U.23 Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung đã được bạn bè châu Á nhìn nhận bằng một con mắt hoàn toàn khác. Và chính từ cái khác ấy mà yếu tố bất ngờ của chúng ta đã mất đi. 

Tại sân chơi ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) diễn ra vào tháng 8 năm nay tại Indonesia, Đội tuyển Olympic Việt Nam với nòng cốt chủ yếu là những thành viên U.23 vừa tạo nên "giấc mơ có thật" chắc chắn sẽ được các đối thủ đánh giá một cách kỹ lưỡng và thận trọng. 

Chưa biết chúng ta rồi sẽ rơi vào một bảng đấu nào, có khó khăn thuận lợi nào, nhưng ở bất cứ bảng nào thì chắc chắn các đối thủ cũng sẽ tiếp cận chúng ta một cách khác và rất khác so với VCK U.23 châu Á vừa rồi.

Trong quá khứ, ông Park Hang Seo từng cầm Olympic Hàn Quốc tham dự ASIAD ngay tại quê nhà, ngay sau thành công vang dội của bóng đá xứ Hàn tại VCK World Cup 2002. Hồi ấy, người Hàn cũng "tính" rằng đã vào tới bán kết một VCK World Cup thì nhất định phải có được chiếc huy chương vàng ASIAD. 

Nhưng kết quả là Olympic Hàn Quốc của ông Park chỉ vào đến bán kết và sau đó giành huy chương đồng - một thành tích khiến người hâm mộ bóng đá xứ Hàn không vừa ý. Bây giờ, sau khi bay bổng với ngôi Á quân VCK U.23 châu Á, thầy Park lại dẫn quân dự ASIAD, và chắc chắn ông hiểu áp lực trên vai mình nặng nề hơn bao giờ hết.

Hy vọng HLV trưởng Park Hang Seo sẽ cùng bóng đá Việt Nam có một kỳ AFF Cup thành công.

Xong trận địa ASIAD, ông Park sẽ đối diện với cái trận địa quan trọng số 1 của bóng đá Việt Nam hàng chục năm qua: giải vô địch bóng đá Đông Nam Á. 

Ông thầy người Hàn đã chia sẻ chân thật với truyền thông xứ Hàn rằng: "Các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nói với tôi, giải vô địch Đông Nam Á giống như một World Cup của khu vực Đông Nam Á, và đấy luôn là giải đấu mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam quan tâm, chú ý hơn tất cả". 

Trong quá khứ, ngoại trừ "thầy điên" Tavares, tất cả các thầy ngoại như Weigang, Riedl, Calisto, Miura... đều giúp bóng đá Việt Nam ít nhất cũng vào tới bán kết giải đấu "quan trọng số 1" này, trong đó Calisto thậm chí đã cùng các học trò của mình đi một lèo tới ngôi vô địch.

Cái thế mà ông Park bây giờ khó hơn và thách thức hơn cái thế của người tiền nhiệm rất nhiều. Bởi sau thành công vang dội ở sân chơi châu lục (dù chỉ là sân chơi trẻ) mà vẫn chỉ quanh quẩn ở bán kết giải đấu khu vực, thay vì chung kết và lên ngôi vô địch thì chẳng khác gì một bước thụt lùi. 

Vẫn biết trong bóng đá không tồn tại tính chất bắc cầu theo kiểu đã chiến thắng một đối thủ lớn thì tất yếu chiến thắng một đối thủ nhỏ, nhưng vị thế của bóng đá Việt Nam ở Đông Nam Á bây giờ cho phép người hâm mộ có quyền hy vọng tới ngôi vô địch.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan vẫn là số 1, và dưới Thái Lan, tất cả những đội như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines... có trình độ tương đương. Thế nên ngoại trừ Thái Lan và Việt Nam, chắc chắn có tới 3,4 đội nữa cùng mơ vô địch. 

Giải đấu gần đây nhất năm 2016, Đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt của thầy nội Nguyễn Hữu Thắng cũng vào tới bán kết, và hẳn nhiên ông Park hiểu VFF muốn thành tích của ông phải cao hơn thành tích của người tiền nhiệm.

Từ ASIAD đến AFF Cup, từ sân chơi châu lục đến sân chơi khu vực, rõ ràng áp lực cho ông Park trong năm 2018 là khá nặng nề. Nhưng thú vị là ông Park thuộc mẫu người luôn tìm được "lối thoát" trong những hoàn cảnh khó. 

Ông từng bảo, khi làm việc cùng HLV huyền thoại người Hàn Lan, Guss Hiddkin ở VCK World Cup 2002 thì bài học lớn nhất ông học được là khi đứng trước khó khăn, đừng cố tìm cách vượt qua nó, mà phải tìm ra nhưng cơ hội bứt phá từ chính nó.

Cơ hội và khả năng bứt phá kỳ diệu, đó là điều mà ông Park đã làm được ở VCK U.23 châu Á, và bây giờ thì người hâm mộ bóng đá Việt Nam kỳ vọng ông sẽ lặp lại điều này ở những sân chơi có thể là nhỏ hơn nhưng áp lực thì lại lớn hơn bội phần. 

Thể thao Việt Nam muốn đoạt 3 vàng ASIAD

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn thì ASIAD 2018 tại Indonesia vào tháng 8 tới đây có thể sẽ là một bước đột phá quan trọng trong tiến trình phát triển của thể thao việt Nam. Ở sân chơi tầm cỡ châu lục này, ngành Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu phải đoạt ít nhất 3 HCV. Ông Phấn cho biết, sau thành công của Đội tuyển U.23 Việt Nam tại VCK U.23 châu Á, ngành Thể thao hy vọng bóng đá nam có thể một lần nữa tạo kỳ tích với một chiếc HCV. Ngoài ra, hy vọng vàng được đổ vào những môn thể thao được đầu tư trọng điểm nhiều năm qua như bơi lội, bắn súng, cử tạ, điền kinh, thể dục dụng cụ. ASIAD năm nay có một điều đặc biệt là chủ nhà Indonesia đã đưa được môn thể thao thế mạnh của mình - pencak silat vào chương trình thi đấu, và đây cũng là môn mà Việt Nam có những VĐV đạt đẳng cấp châu lục. Ông Trần Đức Phấn vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD này, và ông được đánh giá là một vị Trưởng đoàn cực kỳ... mát tay. 

Ngọc Anh  

Diệp Xưa
.
.
.