Bóng đá Việt Nam & muôn chuyện thu hút Việt kiều

Thứ Tư, 09/09/2020, 09:38
Việc Filip Nguyễn từ chối khoác áo đội tuyển Việt Nam vì chờ đợi quá lâu có thể là một bài học lớn cho cách chiêu mộ nhân tài từ nước ngoài, không chỉ là với bóng đá Việt Nam mà còn trên nhiều phương diện khác. Nhưng ngoài Filip Nguyễn, những câu chuyện thu hút Việt kiều ở Việt Nam còn đó nhiều điều dở khóc, dở cười.

Khổ như Đặng Văn Lâm, sướng như Đặng Văn Lâm

Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, Đặng Văn Lâm là gương mặt Việt kiều thành công nhất trong lịch sử đội tuyển Việt Nam. Thủ môn sinh ra tại Nga và từng có thời gian chơi bóng tại V.League liên tục gặt hái những vinh quang trong 2 năm 2018 và 2019 cùng ĐTQG Việt Nam. Tiêu biểu nhất chính là chức vô địch AFF Cup 2018 và cùng với đó là tấm vé vào đến vòng tứ kết Asian Cup 2019, cũng như màn trình diễn ấn tượng trong chuỗi 5 trận bất bại liên tiếp tại vòng loại World Cup.

Nhưng để có được thành công lớn đến như vậy, Đặng Văn Lâm cũng hiểu được cảm giác nếm mật nằm gai ở Việt Nam là khổ sở và khó khăn đến nhường nào. Từ Nga về Việt Nam - quê hương của bố lúc 17-18 tuổi, Văn Lâm lựa chọn HAGL. Nhưng mọi thứ chẳng như là mơ. Anh phải phiêu dạt sang một “chi nhánh” khác của HAGL tại Lào theo diện cho mượn. Chẳng khẳng định được bản thân, Văn Lâm phải trở về Nga chơi bóng.

Nhưng ý chí và quyết tâm khiến anh không từ bỏ việc trở thành một tuyển thủ quốc gia Việt Nam. Năm 2015, Văn Lâm viết một bức tâm thư dài để xin HLV Toshiya Miura chọn vào đội U23 Việt Nam chơi bóng ở SEA Games 28. Ông Miura lắc đầu. Nhưng chí ít, điều đó cũng mở ra cánh cửa để Văn Lâm đến với Hải Phòng - CLB nổi tiếng là thu hút Việt kiều hồi hương. Nhưng lần thứ 2 trở về Việt Nam khởi đầu với Văn Lâm cũng chẳng hề êm đẹp. Anh dự bị hơn 1 mùa tại đội bóng đất Cảng. Và nếu như thủ thành chính của Hải Phòng là Xuân Việt khi ấy không bị thủy đậu thì chẳng biết đến lúc nào, Văn Lâm mới được bắt bóng tại V.League.

Thủ thành Việt kiều sinh năm 1993 bắt đầu có những trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên. Cánh cửa lên ĐTQG Việt Nam dưới thời HLV Nguyễn Hữu Thắng cũng mở với anh kể từ lúc đấy. Nhưng khi mà Văn Lâm dần “ấm chỗ” ở ĐTQG và Hải Phòng thì va chạm với trợ lý Lê Sỹ Mạnh khiến Văn Lâm một lần nữa đối diện với việc “cuốn gói” khỏi Việt Nam. Andre Fagan chụp bức ảnh Văn Lâm chống nạng với vết thương sau khi vội vã thoát khỏi cơn điên cuồng của người trợ lý cùng dòng chú thích: “Cầu trời, chúng tôi chỉ muốn được đá bóng tại nơi đây”.

Văn Lâm khi ấy được cho rằng đã chán nản với Việt Nam và trở về Nga một lần nữa. Nhưng rất may mắn, việc VFF tạo điều kiện cho Văn Lâm ăn ở và tập luyện hồi phục chấn thương đã giúp cho anh vớt vát lại niềm tin, trước khi có thành công như hiện tại.

Đặng Văn Lâm phải trải qua đủ mọi sóng gió trước khi có thành công với ĐT Việt Nam.

Không phải ai cũng như Văn Lâm, Filip Nguyễn

Thành công trên bề nổi của Văn Lâm có thể khiến những cầu thủ Việt kiều nghĩ rằng mình có thể tìm được “đất sống” ở Việt Nam. Phải nói rằng, những trường hợp cầu thủ Việt kiều đủ khả năng và có sự quan tâm đến bóng đá Việt Nam trên một phương diện nhất định là không nhiều. 

Không nói đến trường hợp của Mạc Hồng Quân vốn sinh ra ở Việt Nam trước khi sang CH Czech thì với những Việt kiều sinh ra ở nước ngoài, ngoại trừ Văn Lâm hay Filip Nguyễn và Lee Nguyễn, những gương mặt còn lại đều chỉ ở diện trung bình đến yếu. Bản thân họ thực ra không có nhiều cơ hội khẳng định mình tại những nước mà bản thân lớn lên nên đã quyết định chọn Việt Nam để tìm thêm hy vọng chơi cho ĐTQG.

 Martin Lò, Michal Nguyễn, Đặng Văn Robert,… đã lên ĐT Việt Nam ở các cấp độ khác nhau. Nhưng như đã thấy, họ không để lại điều gì quá ấn tượng. Những gương mặt khác như Keven Nguyễn, Adriano Schmidt, Andrey Hungovich Nguyen (Hùng Anh) cũng chẳng đủ chất lượng để được các đời HLV ĐTQG lựa chọn. Bởi khả năng của họ cũng chẳng hơn những cầu thủ thuần Việt 100% đang chơi tại V.League.

Ngược lại, trường hợp có gốc gác Việt Nam có chất lượng từ khá đến cao như Yohan Cabaye, Tristan Do lại không mặn mà cống hiến cho quê hương của ông hay bà mình. Họ chọn những nền bóng đá có chất lượng hơn, chuyên nghiệp hơn như Pháp hay Thái Lan để thi đấu. Và hẳn nhiên, đó lại là quyết định đúng đắn khi giúp những cầu thủ này có được thành công nhất định về danh hiệu cá nhân đến tập thể.

Rõ ràng, bóng đá chuyên nghiệp nửa vời của V.League cùng thành tích không tốt trong một thời gian dài của các đội tuyển Việt Nam khiến chúng ta không thể thu hút được nhân tài tầm cỡ. Và những danh hiệu ấn tượng trong 2 năm gần đây mới chỉ giúp “thỏi nam châm” Việt Nam hút về một số cầu thủ Việt kiều với chất lượng trung bình.

Vậy nên mới nói, trường hợp của Filip Nguyễn có thể xem là một đặc thù khó có thể bỏ qua. Nhưng ngay cả khi VFF đã vào cuộc tích cực, ngay cả khi một lãnh đạo cấp cao của Chính phủ có tham gia hỗ trợ thì hệ thống pháp lý của Việt Nam vẫn không thể cho phép Filip Nguyễn sớm được nhập quốc tịch Việt Nam. 

Và khoảng thời gian 3 năm trên lý thuyết và 1 năm rưỡi thực tiễn (kể từ khi Filip Nguyễn công khai ý định về Việt Nam) là quá dài. Điều đó khiến Filip Nguyễn mất kiên nhẫn đến mức sớm đồng ý theo tiếng gọi của ĐT CH Czech, ngay ở thời điểm mà anh còn chưa chắc chắn có được bắt trận đấu đầu tiên trong sự nghiệp cho ĐTQG này.

Câu chuyện chiêu mộ hiền tài vốn không mấy… mặn mà của bóng đá Việt Nam đã và đang vẫn còn tiếp diễn. Lee Nguyễn chóng vánh rời V.League, Filip Nguyễn từ bỏ giấc mơ là những ví dụ điển hình. Và không phải Việt kiều nào cũng chấp nhận khổ sở một thời gian dài để rồi đổi lấy vinh quang như Văn Lâm.

Filip Nguyễn vẫn còn cơ hội chơi cho ĐT Việt Nam

Rạng sáng 8-9, CH Czech đối đầu với Scotland. Tuy nhiên, Filip Nguyễn đã không được HLV Holoubek sử dụng một phút nào. Với việc chưa vào sân thi đấu một phút nào cho CH Czech, thủ môn Filip Nguyễn vẫn có thể thay đổi quyết định và chơi cho ĐT Việt Nam sau này. Với riêng ĐT Việt Nam, nếu muốn thi đấu, Filip Nguyễn phải đảm bảo thêm điều kiện đủ là nhập tịch Việt Nam.

Vấn đề nằm ở tuyên bố vội vã không muốn chơi cho ĐT Việt Nam trước đó của Filip Nguyễn. Điều đó hẳn nhiên sẽ là rào cản khiến cho anh khó về ĐT Việt Nam hơn, ngay cả khi điều kiện cần là có quốc tịch Việt Nam được hoàn tất.

An Khánh
.
.
.