Ngày thứ 5 xét xử vụ vỡ đường ống nước sông Đà:

Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố đối với 9 bị cáo

Thứ Sáu, 09/03/2018, 17:19
Sau nửa ngày tạm nghỉ, chiều 9-3, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ vỡ đường ống dẫn nước sông Đà.

Buổi chiều, HĐXX để đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đối đáp với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo. Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, liên quan đến sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, Bộ Xây dựng đã giao cho đơn vị trực thuộc là Cục Giám định thực hiện các quy định giám định, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định của Bộ Xây dựng, trong đó có giám định nguyên nhân vỡ đường ống dẫn nước.

Theo hồ sơ vụ án, cơ quan điều tra đã thu thập hồ sơ và cung cấp, phục vụ cho công tác giám định. Trong quá trình giám định có giám định về mẫu đất, kết cấu vật liệu thi công tại hiện trường… Sau khi giám định, Bộ Xây dựng đã có kết luận giám định tư pháp kết luận về nguyên nhân chính gây vỡ tuyến ống là do chất lượng ống không đảm bảo, không có cơ sở xác định độ bền ống 50 năm.

Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với các luật sư.

Từ phân tích nêu trên, Cơ quan điều tra đã có đủ căn cứ xác định về các lần vỡ ống, nguyên nhân do chất lượng ống không đảm bảo. Về nội dung luật sư cho rằng, tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 là tiêu chuẩn nước ngoài, sử dụng công nghệ mới. Ở nội dung này, Viện kiểm sát cho rằng, tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01 là do chủ đầu tư phê duyệt áp dụng vào ngày 15.4.2004.

Đối với nhà thầu sản xuất cung cấp ống, ngày 4-4-2005, bị cáo Trần Cao Bằng, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex đã ký công bố tiêu chuẩn AWWA áp dụng cho ống sợi thủy tinh. Doanh nghiệp cam kết kinh doanh hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn công bố nêu trên. 

Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải tuân thủ theo pháp luật, đảm bảo hàng hóa và chịu trách nhiệm về hàng hóa do mình sản xuất, kinh doanh. Như vậy, nhà thầu tư vấn giám sát phải tuân thủ theo đúng tiêu chuẩn ANSI/AWWA C950-01.

Về hành vi của các bị cáo, Viện kiểm sát nhận thấy, bị cáo Hoàng Thế Trung (cựu Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng công trình nên khi ký kết hợp đồng kinh tế với nhà thầu cung cấp ống composit cho dự án đã không yêu cầu chi tiết quy định cụ thể về quy trình kiểm tra, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm mà nhà thầu cung cấp vật tư, vật liệu cung cấp sản xuất cho dự án không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra theo quy định.

Cùng với bị cáo Trung, bị cáo Nguyễn Văn Khải (cựu Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) và bị cáo Trương Trần Hiển (cựu Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sông Đà) có trách nhiệm tổ chức thực hiện với vai trò của chủ đầu tư, đã ký 73 biên bản nghiệm thu cung cấp ống, xác nhận hơn 5.000 sản phẩm ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện được tiếp nhận, dùng trong dự án đảm bảo chất lượng với đại diện nhà thầu cung cấp. 

Vì thế ba bị cáo: Trung, Khải và Hiển phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hậu quả thiệt hại đã nêu trên.

Các bị cáo tại phiên xử ngày 9-3.

Đối với nhóm vị cáo thuộc đoàn tư vấn giám sát, có trách nhiệm kiểm soát chất lượng ống để thi công, nhưng không tuân thủ quy định và kiểm tra ống về ngoại quan theo tiêu chuẩn ASI…, không tiến hành thí nghiệm để kiểm tra xác định chính các chất lượng ống, không xem xét đến độ bền ống đến 50 năm để phát hiện ra ống kém chất lượng.

Với vai trò là Trưởng đoàn giám sát dự án này, bị cáo Đỗ Đình Trì (cựu cán bộ Công ty CP Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng) cùng với các giám sát viên giám sát thi công xây dựng, lắp đặt tuyến ống truyền tải nước sạch dự án đã ký các biên bản nghiệm thu lắp đặt ống và phụ kiện, các biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành để xác nhận khối lượng thi công, chất lượng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh đã sử dụng lắp đặt, chất lượng bộ phận, hạng mục công trình xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất và yêu cầu thiết kế dự án. 

Trong số ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện mà bị cáo Trì cùng các đối tượng ở đoàn tư vấn giám sát đã cho thi công lắp đặt, ký xác nhận nghiệm thu chất lượng, đã bị 18 lần vỡ ống với tổng số 23 cây ống bị vỡ. Hành vi của các bịc áo trong nhóm tư vấn giám sát đã vi phạm quy định tại Luật Xây dựng năm 2003.

Về hậu quả vụ án, các luật sư nêu không có thiệt hại. Nhưng theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, vụ án truy tố xét xử 9 bị cáo với 18 lần vỡ ống và 23 cây ống bị vỡ. Đơn vị vận hành đã chi phí cho việc khắc phục sự cố vỡ ông là hơn 16,6 tỷ đồng. 

Ngoài ra, khi vỡ ống, đơn vị khai thác dự án phải dừng cấp nước để thi công đoạn ống bị vỡ với tổng thời gian ngừng cấp nước là 386 giờ và ảnh hưởng rất nhiều tới người dân. 

Như vậy, việc vỡ ống đã gây ra thiệt hại nhưng đơn vị khai thác dự án đã có văn bản không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Lý do là đã dùng nguồn tiền dự phòng để chi phí. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm của đơn vị khai thác. Bởi việc không yêu cầu bồi thường không có nghĩa là không gây thiệt hại như đã phân tích ở trên.

Về quan điểm của các luật sư bào chữa cho rằng, ống composite cốt sợi thủy tinh là vật liệu áp dụng công nghệ mới nên có thể chưa tính toán được hết sai số. Về điều này, theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có văn bản nêu rõ ống composite cốt sợi thủy tinh không nằm trong danh mục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Qua đó cho thấy cáo trạng truy tố đối với 9 các bị cáo về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (quy định tại Điều 229 BLHS năm 1999) là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

Từ quan điểm của mình, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố 9 bị cáo về tội danh trên.

Nguyễn Hưng
.
.
.