Chặt đứt "vòi bạch tuộc" trong thẩm định giá, kiểm toán:

Bịt kín những "lỗ hổng", ngăn trục lợi (kỳ cuối)

Thứ Hai, 16/10/2023, 08:24

Mặc dù đã có những quy định tương đối chặt chẽ và rõ ràng, song vẫn có không ít cá nhân, đơn vị cố tình tìm mọi cách để "lách luật", hợp thức hóa cho hành vi sai phạm. Việc nhanh chóng nhận diện bất cập, vá "lỗ hổng" về pháp lý, bổ sung những quy định có liên quan sẽ góp phần quan trọng trong phòng, chống hiệu quả sai phạm liên quan đến thẩm định giá, kiểm toán.

Hàng loạt kiến nghị trước những sai phạm buốt lòng

Trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đánh giá, công tác thẩm định giá có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường nói chung và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội nói riêng ở nước ta hiện nay. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra ngày càng sôi động, nhu cầu thẩm định giá ngày càng gia tăng phục vụ cho các mục đích khác nhau của các chủ thể tham gia thị trường, như mua bán, chuyển nhượng, vay vốn, thế chấp...

ky 3.jpg -0
Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group và Đặng Xuân Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty BTCvalue.

Không thể phủ nhận hoạt động thẩm định giá đã góp phần tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách Nhà nước, nhất là lĩnh vực đầu tư, mua sắm tài sản; chống lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ tài sản, của các nhà đầu tư và của các bên có liên quan tham gia giao dịch; đáp ứng nhu cầu của xã hội khi giá cả các tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế nước ta đã vận hành về cơ bản theo cơ chế giá thị trường. Thống kê của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho thấy, tính đến ngày 5/10/2023, cả nước có 295 doanh nghiệp thẩm định giá đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá với hơn 1.500 thẩm định viên đã đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp này.

Theo Cục CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an, trong thời gian qua, hệ lực lượng Cảnh sát kinh tế đã triển khai rất hiệu quả công tác điều tra cơ bản trên các lĩnh vực, nhất là y tế, giáo dục, qua đó phát hiện, đấu tranh, khởi tố nhiều vụ án, chuyên án lớn có tính chất điển hình như: Vụ án vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Thủ Đức, Sở Y tế Sơn La, Cần Thơ, Bắc Ninh, các Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, Thanh Hóa…, đặc biệt là vụ án Việt Á, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát.

Một điểm chung trong tất cả những vụ đại án trên đều có sự tham gia, giúp sức của những đơn vị, công ty liên quan đến hoạt động thẩm định giá, kiểm toán. Bên cạnh những lợi ích mang lại rất lớn của hoạt động thẩm định giá, kiểm toán, vẫn còn không ít đơn vị, cá nhân này đã cùng với chủ đầu tư, nhà thầu, "quân xanh" trong hệ sinh thái sai phạm đó "phù phép" hồ sơ trở thành những bản hồ sơ đẹp, phục vụ cho đấu thầu, trúng thầu các dự án. Không chỉ đấu tranh hiệu quả với những đối tượng vi phạm, qua các chuyên án trên, Cơ quan CSĐT đã kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành có liên quan những nội dung nhằm phòng, chống, ngăn chặn sai phạm, trong đó có hoạt động thẩm định giá, kiểm toán.

Trong đại án Việt Á, một trong những nội dung được Bộ Công an kiến nghị Bộ Tài chính đó chính là xem xét xử lý hành chính đối với công ty thẩm định giá có sai phạm đã kết luận trong vụ án (đình chỉ kinh doanh, thu hồi chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…). Ngoài các bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn có một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau; có cá nhân hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi sai phạm, Cơ quan CSĐT kiến nghị các cơ quan chủ quản xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và chính quyền.

Trong kết luận điều tra vụ án sai phạm tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng kiến nghị quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý; yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc doanh nghiệp nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng. Cùng với đó, sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định chặt chẽ, cụ thể về năng lực tài chính (sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan thuế), năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt "quân xanh" dự thầu…

Xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân sai phạm

Theo tìm hiểu của PV, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về thẩm định giá tại các công ty, doanh nghiệp thẩm định giá. Cụ thể, năm 2020 kiểm tra 58 doanh nghiệp. Năm 2021 kiểm tra 7 doanh nghiệp (năm 2021 do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số đoàn kiểm tra đã bị hoãn), năm 2022 kiểm tra 13 doanh nghiệp, và từ đầu năm 2023 đến nay đã kiểm tra 14/21 doanh nghiệp.

Thống kê cho thấy, từ giai đoạn 2020 đến tháng 9/2023, qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá và công tác quản lý Nhà nước về thẩm định giá, các đoàn kiểm tra đã kiến nghị Thanh tra Bộ Tài chính xử phạt vi phạm hành chính đối với 12 doanh nghiệp thẩm định giá và một thẩm định viên về các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, Nghị định 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, như: Không thực hiện đúng phương pháp thẩm định giá theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Phát hành Chứng thư thẩm định giá hoặc Báo cáo thẩm định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, đồng thời không trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp…

Bên cạnh đó, kết hợp với việc theo dõi, giám sát hoạt động, Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định đình chỉ và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với các doanh nghiệp thẩm định giá: 7 quyết định đình chỉ và 18 quyết định thu hồi năm 2020, 6 quyết định đình chỉ và 20 quyết định thu hồi năm 2021, 36 quyết định đình chỉ và 49 quyết định thu hồi năm 2022, 13 quyết định đình chỉ và 21 quyết định thu hồi năm 2023 (tính đến hết ngày 5/10/2023).

Các quyết định này đều được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính theo đúng quy định. Lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng cho biết, Luật Giá 2023 được Quốc hội thông qua đã bổ sung nhiều nội dung nhằm củng cố, tăng cường tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm định viên về giá, gắn với đó là nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của thẩm định viên trong hoạt động thẩm định giá; đồng thời thực hiện chuyên môn hóa hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá theo năng lực và kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ thẩm định giá để hướng đến tính chuyên nghiệp, chuyên sâu.

Luật Giá 2023 cũng tập trung củng cố các quy định về điều kiện trong khâu cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; bổ sung, hoàn thiện các quy định về giám sát, quản trị doanh nghiệp, nhất là đối với mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần. Bên cạnh đó, Luật Giá 2023 đã củng cố và làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ mà nhất là nghĩa vụ của thẩm định viên và doanh nghiệp thẩm định giá trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá.

Nhằm ngăn chặn và phòng, chống hiệu quả vi phạm liên quan đến thẩm định giá, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cũng khẳng định, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm định giá để hướng dẫn Luật Giá năm 2023, qua đó sửa đổi, bổ sung kịp thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động thẩm định giá. Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo 2 nghị định, 11 thông tư hướng dẫn Luật Giá 2023 liên quan đến lĩnh vực thẩm định giá, trong đó ban hành các chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam (thay thế cho Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam) quy định và hướng dẫn đầy đủ về nghiệp vụ đối với dịch vụ thẩm định giá, về cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá đối với các loại tài sản như: bất động sản, máy thiết bị, doanh nghiệp, tài sản vô hình…

"Chúng tôi tăng cường công tác giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá thông qua việc rà soát điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá và hoạt động hành nghề thẩm định giá của các thẩm định viên; ban hành kịp thời các thông báo về thay đổi danh sách thẩm định viên đăng ký hành nghề. Tổ chức hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về thẩm định giá, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá"- lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định.

Cục Quản lý giá cũng nhấn mạnh cần hoàn thiện những quy định về đào tạo, bồi dưỡng liên quan đến thẩm định giá, đặc biệt là các nội dung về cập nhật kiến thức, văn bản quy phạm pháp luật mới cho thẩm định viên về giá hàng năm, đặc biệt chú trọng vào củng cố đạo đức hành nghề thẩm định giá, trên cơ sở đó giúp cho các thẩm định viên nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hoàng Phong
.
.
.