Xúc động tri ân các liệt sĩ Công an hy sinh ở Đồng Tâm

Thứ Bảy, 18/01/2020, 20:22
Hà Nội mưa mang theo cái lạnh tê buốt, trong ngôi nhà nhỏ của 3 liệt sĩ Công an hy sinh bảo đảm ANTT ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là những tâm sự nghẹn ngào của thân nhân các anh khi Đoàn công tác của Báo CAND do Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng biên tập dẫn đầu đến thăm hỏi và chia buồn. 


*Báo CAND thăm hỏi và trao tặng 3 gia đình liệt sĩ, mỗi gia đình 10 triệu đồng

Mười ngày sau khi các anh hy sinh, nỗi đau thấm vào tâm can từng người trong gia đình, khoảng trống ấy không biết khi nào lấp đầy.

Nước mắt lặn vào trong

Đi qua con ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên (Hà Nội), chúng tôi tới nhà của Liệt sĩ, Đại úy Phạm Công Huy. Ngôi nhà rất nhỏ, tầng 1 chỉ đủ kê bàn thờ của anh. 

Bên cạnh treo 3 bộ quân phục, trong đó có bộ lễ phục anh chưa một lần mặc. Nhìn vào bộ quân phục ngày Đại úy Huy mặc trước lúc hy sinh, mẹ anh nói “gia đình không giặt bộ quần áo này, vết bẩn vẫn còn nguyên trên cổ áo, là để giữ lại chút hơi ấm của con, để cảm nhận con vẫn ở bên cạnh chúng tôi”. 

Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng biên tập Báo CAND thắp hương tưởng nhớ Liệt sĩ Phạm Công Huy

Con gái Liệt sĩ Huy đang ngủ say trong vòng tay của mẹ. Bà nội bé nhìn cháu ứa nước mắt nói: “Cháu ngoan lắm, ngày tang lễ của bố, cháu ở đó từ 6h sáng đến 12h trưa mà không khóc chút nào. Cháu ngủ suốt, bố cháu vẫn ru cháu mà”. 

Ôm con gái trong lòng, vợ Liệt sĩ Huy – chị Đỗ Như Quỳnh đôi mắt buồn thương kể: “Chồng em thương con gái lắm, về tới nhà câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi đến con. Trước hôm anh hy sinh còn hỏi vợ “con mọc răng chưa”. Ba ngày sau khi bố mất, răng con gái chồi lên”. 

Đại tá Phạm Quang Khải chia sẻ nỗi đau với gia đình 

Nước mắt của người vợ trẻ đã cạn, nhưng trong sâu thẳm trái tim, nỗi đau ngày một khoét sâu. Sự trống trải mỗi tối khi ôm con thơ, lại làm Quỳnh trốn vào góc nhà khóc. 

Nhớ tới giây phút cuối cùng chồng ở bên mình và con gái, nước mắt tràn mi, Quỳnh kể: “Khi tạm biệt vợ con đi làm nhiệm vụ, anh ấy xoa đầu con 2 cái, hôn con 2 lần, hôn vợ 1 lần. Em không biết anh đi làm nhiệm vụ gì, nhưng chỉ biết cái hôn ấy sao mà lưu luyến đến thế. Hôm trước em nằm mơ thấy anh ấy, anh nhìn em không nói, chỉ dặn vợ cố gắng chăm sóc con” – Quỳnh rơi nước mắt kể lại.  

Bố Liệt sỹ Phạm Công Huy chia sẻ những kỷ niệm về anh

Đã 10 ngày sau khi con trai hy sinh, bà Trần Thị Kim Thoa (mẹ Đại úy Huy) vẫn không khỏi nhớ tới buổi chiều định mệnh ngày 9-1. Đồng đội của con báo tin, bà chỉ nghĩ con bị thương. Bà muốn vào viện gặp con nhưng không được, bởi đồng đội của con sợ bà không chịu nổi cú sốc khi nhìn hình ảnh của con. 

“Nhưng là một người mẹ, dù đau khổ biết bao nhiêu, dù thân thể con như thế nào thì trong mắt của mẹ, con vẫn rất đẹp. Tôi nói mình chịu được, tôi muốn nhìn thấy con lần cuối” – bà đau đớn kể lại.

Chiếc điện thoại và những đồ vật của Liệt sỹ Phạm Công Huy

 Nhắc tới con trai, trong sự mất mát to lớn ấy, bà không khỏi tự hào nói rằng: “Huy học giỏi khối A, từ nhỏ đã ước mơ sau này làm Cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Khi ước mơ trở thành sự thật, nhìn con khoác lên mình bộ cảnh phục, vợ chồng tôi rất hãnh diện. Con hy sinh khi còn quá trẻ, bao ước mơ dở dang chưa thực hiện được. Tiếc nuối lớn nhất là không được nhìn con gái lớn lên, trưởng thành. Trước lúc hy sinh, Huy đã bế con từ trên tay tôi, ôm bé suốt 3 tiếng, dỗ cho con ngủ rồi mới lên đường. Cũng từ giây phút ấy, con không bao giờ về nữa”.

Con gái Liệt sĩ Huy ngủ ngoan trong vòng tay mẹ

Huy ra đi, để lại sự trống vắng trong ngôi nhà nhỏ, để lại sự nhớ thương không gì bù đắp trong trái tim của những người thân. Giờ đây, anh đã yên nghỉ giấc ngàn thu tại Nghĩa trang Liệt sĩ Nhổn, nhưng mỗi lần nghĩ tới con trai, ông Phạm Công Lâm (bố Huy) lại ngồi trước bàn thờ con hàng giờ để tưởng nhớ. Dù kiên cường bao nhiêu, nhưng ông cũng không chịu được nỗi thống khổ lớn lao này. Ông nói rằng, ông rất hãnh diện về sự hy sinh con.

Người ở lại phải bước tiếp

Trong đám tang của 3 liệt sĩ tại Nhà tang lễ Quốc gia Lê Thánh Tông ngày 16-1, có một người mẹ, một người vợ nắm chặt tay nhau rơi nước mắt. Đó là mẹ của Liệt sĩ – Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân và vợ của Liệt sĩ Phạm Công Huy. Quân mồ cô cha từ khi 2 tuổi, nên mẹ của anh gặp vợ của liệt sĩ Huy tại nhà tang lễ, bà vô cùng thương cô gái trẻ có cùng hoàn cảnh giống mình, hai bác cháu chỉ biết ôm nhau khóc.

Trưa 18-1, chúng tôi tới thắp nén nhang cho Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân. Ngôi nhà nằm sâu trong con ngõ hẹp trống vắng và buồn thương khi chỉ còn mình bà Lê Thị Bích. Hôm nay là ngày đưa Quân về an táng tại nghĩa trang quê nhà tại xã Xuân Phương, Hà Nội. 

Từ 4h sáng, người thân đã tới Nghĩa trang Văn Điển nhận tro cốt của Quân để đưa em về quê an nghỉ. Một mình bà Bích ở nhà, cứ nắm chặt bộ quần áo của con, vùi mình trong nối nhớ thương kìm nén nghẹn ngào. 

Đại tá Phạm Quang Khải chia sẻ nỗi đau với gia đình Liệt sĩ Dương Đức Hoàng Quân

Bà Bích mất chồng từ trẻ, một mình nuôi dạy Quân trưởng thành. Con trai là chỗ dựa tinh thần, là niềm tự hào và cũng là tất cuộc đời của bà. Quân hy sinh, nỗi đau này đối với bà có lẽ không bút mực nào tả siết. Chỉ biết rằng, bà đã mất đi điểm tựa, mất đi chỗ bấu víu, nên chỉ lặng lẽ mà đau khổ, không nói được gì nhiều. 

Mãi thật lâu, thật lâu, không kìm nén được sự đau khổ giày vò, bà mới bật khóc: “Mẹ luôn mong con sống bên cạnh mẹ, nhưng con đã ra đi, đã hy sinh vì nhân dân, vì Tổ quốc. Mẹ rất đau, rất đau, nhưng cũng rất tự hào về con” – bà nắm chặt tay chúng tôi nói trong nước mắt nghẹn ngào.

Mẹ Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân nước mắt không ngừng rơi khi kể về con

Cũng như bà Bích, mẹ của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh đã nén nỗi đau, để làm chỗ dựa cho con dâu, cho các cháu. Bà nói, ngày gia đình nhận Quyết định thăng cấp bậc hàm Đại tá cho anh Thịnh, bà không chịu nổi, lén chạy vào phòng khóc tới 2h sáng. Bởi, vài tháng trước, trong ngày giỗ bố, anh Thịnh hứa với bà “trước lúc nghỉ hưu, con sẽ mang về cho mẹ quân hàm Đại tá”. Và anh đã thực hiện được lời hứa với mẹ, nhưng niềm vinh quang này sao mà đau xót đến thế.

Anh Thịnh là con trưởng trong gia đình có 4 người con, cũng là niềm tự hào của cả gia đình khi anh là một người con hiếu thảo, một người chồng mẫu mực, một người hết mình vì công việc. Theo nhận xét của Thượng tá Phùng Toàn Thắng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Bắc, là em rể của anh Thịnh, “anh Thịnh có tố chất về quân sự, tác chiến, chỉ huy, rất nhạy bén và dũng cảm. Anh đã trực tiếp chỉ huy, trực tiếp có mặt ở hiện trường trong rất nhiều trận tác chiến, đối mặt với nhiều tên tội phạm nguy hiểm mà không bao giờ nao núng”.

Sau tang lễ của anh Thịnh, vợ con anh đã về lại ngôi nhà nhỏ của gia đình họ ở Sóc Sơn. Ngôi nhà ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội chỉ còn mẹ anh ở. Thượng tá Phùng Toàn Thắng chia sẻ: “Ngày mai tôi cũng phải về đơn vị lo Tết cho anh em, trước lúc đi, tôi chuẩn bị đồ ăn cho bà, chuẩn bị đồ cúng cho anh…”. 

Đại tá Phạm Quang Khải thắp hương tưởng nhớ Liệt sỹ Nguyễn Huy Thịnh

Sẽ là nhớ thương không biết khi nào mới nguôi ngoai, nhưng người ở lại vẫn phải kiên cường bước tiếp.

 “Hôm nhận di ảnh của bố, cháu (con trai lớn của anh Thịnh - pv) ôm chặt hôn lên ảnh bố. Cháu rất yêu bố, kính trọng bố, hứa trước vong linh bố sẽ kiên cường, dũng cảm, làm điểm dựa cho bà, cho mẹ và cho em”- mẹ anh Thịnh nói trong nước mắt.

Đại tá Phạm Quang Khải và đoàn công tác thăm hỏi, chia sẻ với mẹ Đại tá Nguyễn Huy Thịnh

Thắp nén nhang trước bàn thờ của 3 liệt sĩ: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy, Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân, Đại tá Phạm Quang Khải, Phó Tổng Biên tập Báo CAND đã không khỏi xúc động trước sự hy sinh anh dũng của các anh. Các anh đã yên nghỉ giấc ngàn thu, người ở lại vẫn phải bước tiếp, dù bước đi đó đầy đau thương và khó khăn, nhưng chúng tôi tin, thân nhân của các anh sẽ vững vàng vượt qua.



Trần Hằng - Xuân Trường
.
.
.