Xông đất các bản làng nơi khúc ruột miền Trung

Thứ Năm, 22/02/2018, 10:07
Trước Tết độ vài ngày, nhiều tỉnh ở miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình… đã thành lập các tổ liên ngành đưa gạo được cấp của Chính phủ đến tận từng hộ gia đình nghèo ở các bản làng xa xôi.

Hàng trăm tấn gạo cùng với nhiều phần quà, tiền mặt đã giúp nhân dân vùng sâu, vùng cao có một cái Tết đủ đầy. 

Theo đường Hồ Chí Minh như dải lụa chạy dọc theo dải Trường Sơn hùng vĩ chúng tôi đến với bà con dân bản tộc Khùa, Mày, Rục, Ma Coong, Mã Liềng ở các bản Chà Cáp, Ra Mai, Trung Đoàn, Tân Ly…miền Tây Quảng Bình và bà con người Mông ở miền Tây đất Nghệ, đi đâu cũng thấy người dân vui mừng đón Tết, Xuân về.

Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, Quảng Bình, ông Bùi Anh Tuấn đón chúng tôi đầu năm bằng chuyến đi xông đất về nhiều bản làng của mảnh đất miền Tây Quảng Bình. Cùng với gạo được cấp của Chính phủ, huyện Minh Hóa còn huy động được gần 4.000 suất quà Tết cho bà con dân tộc thiểu số, vì vậy mỗi hộ dân nơi đây đều được nhận gạo và ít nhất 300 ngàn đồng để đón Tết. 

Ông Hồ Lên ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa vui mừng nói với chúng tôi: “Tết giờ bà con dân bản đều được Nhà nước cho gạo, cho tiền nên dân bản ai cũng vui cái bụng. Dân bản giờ biết nuôi con bò, con gà, trồng cây lúa nên không phải vào rừng chặt cây, đào củ nữa rồi…”.

Chúng tôi đến Làng Ho Anh hùng khi trời đã bảng lảng khói sương. Làng Ho, địa danh đã vào lịch sử với những chiến công hào hùng của bà con dân tộc Vân Kiều và bộ đội Trường Sơn. Hưởng ứng lời kêu gọi làm nhà “đại đoàn kết” cho bà con các dân tộc ít người nơi địa bàn đứng chân, nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã góp công, góp sức, kêu gọi xây dựng hơn 100 căn nhà tặng bà con dân bản. 

Giữa đại ngàn Trường Sơn xa xôi và cách trở, đời sống của đồng bào Vân Kiều đang gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, mỗi ngôi nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa và công trình dân sinh được xây dựng là niềm vui lớn đối với đồng bào. Cũng từ đây đồng bào các dân tộc ít người dưới dãy Trường Sơn vững tin và nỗ lực hơn trên hành trình xóa đói nghèo. 

“Từ chỗ chỉ có hơn 30 người được phát hiện ở trong hang đá năm 1959 đang có nguy cơ tuyệt chủng, đến nay đồng bào Rục, Sách ở Thượng Hoá, huyện Minh Hoá, Quảng Bình đã có gần 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó người Rục có hơn 80 hộ với gần 400 người. 

Người Rục sống định canh định cư ở 3 bản Mo Ó, Ồ Ồ và bản Ón. Cái vòng luẩn quẩn: nhận trợ cấp rồi đổi rượu, hết rượu lại vào hang của đồng bào Rục như vòng kim cô trói chặt cuộc đời, đẩy người Rục sát bờ vực tuyệt chủng chẳng khác gì hơn 50 năm trước. Tất cả chỉ thay đổi, người Rục bước sang trang mới cuộc đời khi Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đến trú chân cùng người Rục. 

Dưới rặng rừng già của đỉnh núi Trường Sơn, những lớp học xóa mù đã được mở, đêm đêm bên ánh lửa bập bùng, những thầy giáo mang quân hàm xanh đã dạy cho bà con dân bản bắt đầu từ những chữ A, O, I, T… Dựng lại căn nhà, tặng chiếc áo ấm, chăn mền trong ngày đông giá rét cho bà con dân bản, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã thực sự sưởi ấm cho cả một tộc người. Nhưng không thể để bà con sống dựa dẫm, chờ vào trợ cấp mãi, Bộ đội Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương giúp bà con trồng lúa nước. 

Hơn nửa thế kỷ rời hang, giữa thung lũng đá người Rục chưa một lần nghĩ đến cây lúa nước. Vậy rồi…từ chỗ anh Bộ đội bày cho cách cầm cái quốc, nhổ cây mạ, những năm gần đây đồng bào Rục đã dần tự túc được lương thực của mình. 

Từ vụ trồng lúa nước đầu tiên cho thu hoạch, người Rục đã chuyển biến về nhận thức, bà con dân bản có nguyện vọng làm lúa nước, và xây dựng thành cánh đồng làng dưới thung lũng Trường Sơn…

Lực lượng Công an Nghệ An luôn bám bản giúp đỡ nhân dân ổn định, phát triển cuộc sống.

Rời các bản làng ở Quảng Bình, chúng tôi ra miền Tây đất Nghệ. Cách đây hơn 10 năm, nhiều địa bàn ở miền Tây Nghệ An được coi như thủ phủ trồng cây thuốc phiện. Sau hàng chục năm trời bền bỉ vận động, thuyết phục và giúp đỡ bà con, các chiến sĩ Công an Nghệ An đã thực sự làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân bản. 

Xuân đã về, thay cho loài hoa anh túc là những vườn cây ăn trái bạt ngàn của người dân. Để có cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân nơi đây, không ít cán bộ, chiến sĩ Công an Nghệ An đã hy sinh những hạnh phúc riêng tư, thậm chí máu các anh cũng đã đổ vì cuộc sống bình yên của người dân.

Nằm trên đỉnh núi có độ cao 1.485m so mặt biển, “cổng trời” xứ Nghệ Mường Lống được xem như “Đà Lạt giữa lòng miền Trung” hay “Sa Pa trong vùng đất gió Lào”. Mường Lống có 13 bản, gần 4.300 nhân khẩu thuần Mông. Nơi đây một thời được xem là điểm nóng về ma túy. 

Những năm gần đây, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, địa danh một thời "trắng màu anh túc" đã thay đổi bởi màu xanh của cây trồng, những mô hình kinh tế có hiệu quả, người dân có ý thức bám đất, bám bản để phát triển kinh tế. 

Ông Và Nỏ Vừ - ở xã Mường Lống cho biết: Để xoá bỏ được cây thuốc phiện, quả là một việc làm không dễ, khi mà bao đời thói quen trồng cây thuốc phiện như đã thấm tận vào máu thịt của mỗi người dân ở thung lũng Mường Lống. Cán bộ Công an và chính quyền địa phương phải đi đầu trong công tác xóa bỏ, vận động người dân noi theo. 

Năm 2000, giống mận tam hoa và đào không hạt được đưa về Mường Lống. 2 năm sau, đồi núi trong thung lũng Mường Lống ngợp trắng hoa mận tam hoa xen lẫn với từng cánh rừng đào màu hồng… 

Những năm gần đây, việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế cao được chú trọng ở Mường Lống như trồng chè Tuyết Shan, hoa ly và cây ngô lai trên rẫy dốc; tận dụng diện tích ruộng nước, phát triển chăn nuôi trâu, bò, cũng như đặc sản lợn đen, gà đen, gà ác. Xồng Phái Đà, một dân bản cười vui: “Bản mình đã vượt qua đói nghèo nhờ cán bộ về chỉ cho cách trồng cây, chăn nuôi. 

Các anh Công an à, họ ở đây suốt với bà con dân bản. Làm đường cùng dân bản mình, Tết còn cho nhiều quà lắm”. Với vai trò là già làng, Xồng Phái Đà luôn tìm cách giúp đỡ những hộ gia đình gặp khó khăn, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… 

Ở Mường Lống, nhiều gia đình nhờ chăn nuôi giỏi mà có của ăn của để như Lầu Chìa Và, Hờ Bá Chù, Xồng Phái Đà ở bản Mường Lống 2, Lầu Bá Giống, Và Chò Thái ở bản Mường Lống 1...

Len lỏi giữa những rặng rừng già ngày Tết đến, Xuân về, xông đất mỗi bản làng chúng tôi như được vui lây với cuộc sống đổi thay của bà con dân bản. Tết đã về, hoa rừng đã nở, bà con đang chuẩn bị vào mùa lễ hội vui xuân.

Dương Sông Lam
.
.
.