“Tủ sách hướng thiện” gieo mầm yêu thương giúp phạm nhân sớm hoàn lương

Thứ Bảy, 19/09/2020, 19:27
Sáng 18/9, tại Trại giam Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang), Đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc - Đặc phái viên quốc tế tại Ủy ban Tuyên dương khen thưởng Phật giáo Chính phủ Sri Lanka, kiêm Chủ tịch Quỹ Phát triển trẻ em Isuru Sevana, cùng đoàn công tác của Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng sách cho các cán bộ quản giáo và phạm nhân đang thi hành án tại Trại giam.


Đây là một trong những hoạt động thiện nguyện mang đậm ý nghĩa nhân văn và từ bi, bởi sách mang tri thức và tình yêu thương góp phần vun trồng Phật tính chính nơi chúng sanh lầm lỗi.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình xây dựng “Tủ sách hướng thiện” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) phối hợp với Bộ Công an triển khai tại các trại giam, trại giáo dưỡng,  nhằm thông qua văn hóa đọc để  cảm hoá các phạm nhân. 

TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL cho biết, các đầu sách được lựa chọn mang tính giáo dục, nâng cao nhận thức về văn hóa, xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ luật, tu dưỡng đạo đức, kỹ năng sống; giúp phạm nhân tự xây dựng lối sống, rút ra các bài học kinh nghiệm, tạo nghị lực, ý thức cải tà quy chính trong thời gian chấp hành án và hình thành niềm tin vào cuộc sống, vào một ngày mai trở về với gia đình và xã hội...

Toàn cảnh buổi lễ trao tặng sách.

Tại buổi đến trại giam, Đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc (Phạm Văn Cung),  đã trực tiếp gặp gỡ động viên với các phạm nhân và tặng tủ sách hướng thiện.

Đại đức Dhammananda Thero Thích Phước Ngọc tặng sách cho Đại tá Lã Văn Mỹ, Giám thị Trại giam Ngọc Lý.

Đại đức chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá rất cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là sáng kiến của hai Bộ, Bộ VHTTDL và Bộ Công an, thông qua chương trình phối công tác đã tổ chức các hoạt động, tạo cơ hội và điều kiện nâng cao đời sống tinh thần cho phạm nhân, đặc biệt là việc thực hiện cảm hóa bằng những hoạt động giáo dục, giúp cho phạm nhân thay đổi nhận thức bằng học tập qua sách báo. 

Đây là một chủ trương và việc làm rất nhân ái, đáng trân trọng. Chúng tôi vô cùng cảm kích về những gì mà những người làm công tác văn hóa, thư viện tỉnh Bắc Giang cùng các giám thị, cán bộ quản giáo trại giam Ngọc Lý đã dành cho phạm nhân. 

Trước đây, tôi cũng đã có nhiều dịp được gặp gỡ, chia sẻ với các phạm nhân tại tỉnh Vĩnh Long. Đến thăm tặng quà động viên các phạm nhân là một trong các hoạt động thiện nguyện rất được coi trọng, bởi đó chính là cách vun trồng mầm thiện ngay ở nơi chúng sanh lầm lỗi. Thực tế đã chứng minh: Cảm hóa và làm thay đổi nhận thức là cách giáo dục tốt nhất. Nó sẽ thức tỉnh mầm Phật tính vốn có và tiềm ẩn trong mỗi con người. 

Mong rằng các cuốn sách mang những hạt giống tâm hồn, những kỹ năng sống, nhất là những cuốn sách nói về đạo làm Người, về Phật pháp và lòng từ bi sẽ được phổ biến và nhiều phạm nhân đón đọc, từ đó sẽ giúp cho con đường cải tạo, hoàn lương của các phạm nhân được rút ngắn lại. Dù có phạm sai lầm hay tội lỗi nào thì giác ngộ không bao giờ là muộn. Đọc những cuốn sách mang tri thức và lòng yêu thương cùng với sự chiêm nghiệm qua những vấp ngã của chính mình, sẽ là con đường ngắn nhất để giác ngộ. Mỗi cuốn sách chúng tôi mang tới đây đều mang theo những thông điệp của yêu thương, ánh sáng giác ngộ và lòng bi trí dũng thân gửi tới các phạm nhân”.

Đại tá Lã Văn Mỹ, Giám thị Trại giam Ngọc Lý phát biểu.

Đại tá Lã Văn Mỹ, Giám thị Trại giam Ngọc Lý cùng các cán bộ chiến sĩ đã cảm ơn đoàn công tác của Vụ Thư viện-Bộ VHTTDL và nhà hảo tâm, đồng thời khẳng định đây là chương trình vô cùng ý nghĩa, giúp các phạm nhân cảm nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Đại tá Lã Văn Mỹ mong rằng, thông qua chương trình hỗ trợ này, Trại giam Ngọc Lý và nhiều trại giam khác trong toàn quốc sẽ có thêm nhiều đầu sách phục vụ nhu cầu đọc của phạm nhân, trại viên, từ đó sẽ giúp họ nâng cao nhận thức, nhận rõ lỗi lầm, có ý thức rèn luyện, sửa chữa và cải tạo tốt hơn để được hưởng khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ cùng gia đình, xã hội.

Hà Ly Ngọc
.
.
.