Nơi dưỡng tâm hướng thiện

Thứ Hai, 08/07/2019, 09:45
Những cuốn sách tại trại giam đang góp phần tạo sự chuyển biến, nhận thức tốt đẹp, nuôi dưỡng tâm hướng thiện và giúp các phạm nhân cải tạo tốt hơn để chuẩn bị cho ngày đoàn tụ với gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng.


Những cuốn sách tại trại giam đang góp phần tạo sự chuyển biến, nhận thức tốt đẹp, nuôi dưỡng tâm hướng thiện và giúp các phạm nhân cải tạo tốt hơn để chuẩn bị cho ngày đoàn tụ với gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng - Những chia sẻ của Đại tá Phan Đình Thành, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam số 3 (Cục Quản lý trại giam, Bộ Công an) về đời sống của phạm nhân cũng là những điều mục sở thị tại trại giam ở mảnh đất Tân Kỳ, Nghệ An những ngày hè 2019.

Chuyển biến nhận thức

Buổi sáng mùa hè, những thảm cỏ lá lạc vàng tươi, những cây tán rộng phủ bóng mát. Trong Thư viện, chiếc quạt cây chạy êm ru xua đi không khí oi bức. Ngăn nắp trên giá sách là khoảng 1.200 đầu sách, bao gồm sách văn học nghệ thuật, chính trị, kinh tế, y tế, giáo dục, pháp luật… Năm người đàn ông áo kẻ sọc trầm lặng ngồi lật giở từng trang sách, theo đuổi những dòng suy tư, tìm kiếm những lời giải đáp từ sách. Thấp thoáng có sắc cảnh phục của những cán bộ quản lý khu vực giam giữ 2.000 phạm nhân.

Các phạm nhân học nghề làm mi giả trong trại giam. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN.

Là một trong năm phạm nhân nói trên, Nguyễn Ngọc Anh (sinh năm 1980, quê ở Mường Xén, Kỳ Sơn, Nghệ An) chịu án phạt tù 24 năm, hiện đã thụ án được 12 năm.

Cũng như bao người lầm lỡ khác, thời gian đầu chấp hành án tại Trại giam số 3, phạm nhân chán nản và bất hợp tác. Nhưng rồi sau những lần đi tìm câu giải đáp từ sách, cựu giáo viên tiểu học này đã nhận thức được những việc mình làm là sai trái và sự trả giá là điều không thể tránh khỏi.

Cũng từ những cuốn sách gối đầu giường có nội dung đạo pháp của nhà Phật, chú giải nhân quả, về cách ứng xử, đạo làm người, làm công dân, Nguyễn Ngọc Anh tìm thấy niềm tin và hy vọng về ngày đoạn tụ với gia đình.

Thấy những chuyển biến tích cực trong nhận thức và sự tích cực cải tạo của Nguyễn Ngọc Anh, Ban Giám thị đã lựa chọn bị án này làm công việc cập nhật sổ sách, chế độ cho phạm nhân tại khu vực bếp ăn Phân trại số 1 của Trại giam số 3.

“Vào đây, tôi có nhiều thời gian để suy nghĩ, ăn năn về tội lỗi của mình. Được cán bộ quản giáo tin tưởng chọn làm trợ giảng dạy xóa mù chữ cho anh em phạm nhân, tôi thấy rất vui. Đọc sách thường xuyên giúp tôi không chỉ cải tạo tốt, mà còn học tập, tích lũy kiến thức, để sau này mãn hạn, tôi tự tin làm lại cuộc đời”, bị án Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Cũng từ một người tù mặc cảm thân phận, Nguyễn Huy Trường (sinh năm 1984, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị tuyên phạt 19 năm tù giam về tội giết người và hủy hoại tài sản. Chấp hành án được 9 năm, hiện Trường đã tu tâm cải tạo, cố gắng thực hiện cơ hội làm lại cuộc đời.

“Chấp hành án tại Trại giam số 3, tôi được học nghề làm mi giả, được vào bếp chế biến thức ăn. Trước đây, ở trong vòng tay gia đình, tôi chưa biết làm việc gì cả, suy nghĩ bồng bột, dễ bị bạn bè lôi kéo nên hành động thiếu lý trí. Bây giờ, tôi biết tự chăm sóc bản thân, biết quan tâm đến những người xung quanh và biết lắng nghe. Ở buồng giam, tôi và các anh em phạm nhân có thể chơi cờ, xem tivi, đọc sách, báo… Đời sống tinh thần luôn được đảm bảo", Trường chia sẻ.

Trầm ngâm kể về khao khát một bữa cơm gia đình, mong ước đoàn tụ để cảm nhận tình cảm gia đình thiêng liêng và cao quý - những điều trước đây Nguyễn Huy Trường chưa từng ý thức. Trường nói rằng, những thay đổi đó là nhờ đọc sách.

“Vượt lên chính mình” của tác giả Jon Gordon là quyển sách bị án thích nhất. Quyển này và nhiều sách khác trong tủ sách của Phân trại số 1 - Trại giam số 3 có nội dung hướng thiện, hoàn lương, đã thay đổi suy nghĩ, tư duy của bị án. “Ở trong sách có những thứ mà ở ngoài kia chưa từng ai dạy cho mình", Nguyễn Huy Trường bộc bạch.

Phạm nhân cũng chia sẻ: “Từ ngày vào trại, tôi đã được một số anh em phạm nhân lớn tuổi hướng dẫn học tiếng Anh, dựa vào một số đầu sách dạy ngôn ngữ trong thư viện. Tôi hy vọng, sau này khi ra trại, kiến thức tiếng Anh của tôi sẽ được sử dụng, giúp tôi hòa nhập trở lại với cộng đồng”.

Giáo dục tư tưởng

Rảo bước trên con đường lát bê tông sạch sẽ về phía khu vực giam giữ phạm nhân trong tiếng loa trầm ấm phổ biến kiến thức pháp luật, những bài giảng về cách ứng xử, đạo làm người, làm công dân, chúng tôi nhận thấy các buồng giam phạm nhân ở Phân trại 1 và Phân trại 2, Trại giam số 3 đều khang trang, thoáng mát.

Đồ đạc được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Phạm nhân được dành chỗ nằm tối thiểu hai mét vuông, trên bệ gạch men. Buồng giam có tivi màn hình 29inch, có tủ sách, quạt công suất lớn. Thiết kế và trang bị buồng giam theo đúng quy định tại Nghị định số 117/2011/NĐ-CP năm 2011 của Chính phủ về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt và chăm sóc y tế đối với phạm nhân.

Khu chế biến thức ăn có bảng kinh tế công khai, ghi rõ những tiêu chuẩn trong suất ăn hàng ngày, hàng tháng. Mỗi phạm nhân được trại chi ăn thêm ngoài tiêu chuẩn chung của Nhà nước từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/tháng. Số tiền này được trích từ kết quả lao động của phạm nhân. Năm 2018, tổng số tiền chi cho phạm nhân ăn thêm là hơn 700 triệu đồng. Các bữa ăn luôn đúng định lượng và bảo đảm chất lượng.

Bệnh xá cho phạm nhân nằm riêng một góc yên tĩnh, luôn có đội ngũ thầy thuốc túc trực với các thiết bị y tế cơ bản phục vụ việc khám, chữa bệnh. Thời điểm này, có 5 phạm nhân đang điều trị tại đây.

Theo Đại tá Phan Đình Thành, Giám thị Trại giam số 3, quyền của phạm nhân ở Trại giam số 3 được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Công tác tiếp nhận phạm nhân vào chấp hành án, các chế độ và giáo dục phạm nhân được thực hiện phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người; pháp luật của nhà nước về quyền, nghĩa vụ công dân như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và Bộ luật Hình sự.

Phạm nhân vào trại được tổ chức khám để lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Trong thời gian năm ngày, trại vừa tổ chức khám sức khỏe, vừa giáo dục cho phạm nhân về các quy định của pháp luật đối với người chấp hành án phạt tù, như: nội quy trại giam, các văn bản pháp luật liên quan đến chấp hành án phạt tù cũng như quy tắc ứng xử.

Sau đó, những ai chưa biết chữ sẽ được thống kê, lập danh sách. Trại sẽ gửi danh sách này đến Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Kỳ để Phòng lên kế hoạch mở lớp xóa mù chữ. Sau khi hoàn thành khóa học, phạm nhân đã có thể tự viết thư, thông báo tình hình về cho gia đình.

Trại tổ chức cho phạm nhân lao động nhiều ngành nghề, phù hợp với sức khỏe, khả năng của từng người, như: Nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, xây dựng, mộc... Việc chú trọng tổ chức lớp học nghề hướng nghiệp và hướng dẫn, đào tạo tay nghề cho phạm nhân cũng là nhằm giúp phạm nhân khi mãn hạn về địa phương có thể tìm được việc làm, đồng thời bảo đảm yêu cầu công tác quản lý, giam giữ. Hiện số phạm nhân lao động trong nhà xưởng của trại chiếm 60%, chủ yếu là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Đại tá Phan Đình Thành cho biết, Ban Giám thị trại thường xuyên quan tâm cung cấp sách, báo, vừa bảo đảm đời sống tinh thần, vừa giúp phạm nhân nhận biết giá trị thực của cuộc sống, từ đó cải tạo tiến bộ để sớm nhận được sự khoan hồng, sớm trở về với gia đình và xã hội, trở thành công dân có ích.

Trại có hai thư viện, chia đều cho hai phân trại với số đầu sách của mỗi thư viện lên đến hàng nghìn cuốn, thuộc đủ mọi thể loại. Hàng quý, trại kết hợp với thư viện tỉnh thực hiện việc luân chuyển sách, trả lại những quyển đã đọc và tiếp nhận đầu sách mới.

Phạm nhân rất thích đọc những cuốn sách về đạo pháp, về cách ứng xử và cả sách khoa học, lập trình, viết phần mềm máy tính. Năm 2018, trại và Thư viện tỉnh Nghệ An đã luân chuyển hơn 1.200 đầu sách các loại với các chủ đề như: giải trí, hướng nghiệp, giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật.

“Năm 2018, Trại giam số 3 đã bình xét, đề nghị hai đợt tha tù trước thời hạn với 40 phạm nhân có ý thức chấp hành, cải tạo tốt và được trên xét duyệt, đã tác động tích cực đến tinh thần học tập, cải tạo của các phạm nhân toàn trại...”, Đại tá Phan Đình Thành cho hay.

Hạnh Quỳnh
.
.