Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Thứ Hai, 03/04/2017, 08:28
Thống kê của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.500 nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) và khoảng 15 nghìn người bị phơi nhiễm CĐDC. Thời gian qua, bằng những cách làm thiết thực, các ban, ngành, đoàn thể cùng cộng đồng đã chung tay góp sức để chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân CĐDC…

Được cán bộ UBND xã Hương Sơn, huyện Nam Đông dẫn đường, chúng tôi tìm đến căn nhà nằm nép mình bên sườn dốc của bà Hồ Thị Xuân (54 tuổi, ở thôn Ta Rung, xã Hương Sơn) khi ánh mặt trời dần khuất sau dãy núi. 

Gia đình bà Xuân có 1 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và cũng là gia đình có nạn nhân di nhiễm CĐDC. Lúc chúng tôi đến, bà Xuân đang tắm rửa cho người con trai út tên Lê Sỹ Đạt (năm nay 15 tuổi) bị liệt, mù và người mẹ già 90 tuổi.

Bà Hồ Thị Xuân chăm sóc con trai bị mù, bại liệt do di chứng nhiễm chất độc da cam.

Bà Xuân kể, năm 2004, chồng bà là anh Lê Sỹ Chinh (Công an viên xã Hương Sơn) không may mất trong một vụ TNGT, để lại cho bà đàn con dại, trong đó người con út bị di nhiễm CĐDC. 

Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Xuân, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho 2 sào đất trồng sắn, ngô và 1 sào làm lúa nước. UBND xã Hương Sơn còn vận động các tổ chức, đoàn thể và nhà hảo tâm hỗ trợ 12 triệu đồng, cộng thêm số tiền bà Xuân vay mượn hàng xóm để xây một căn phòng kiên cố sát ngôi nhà cũ giúp mấy mẹ con bà Xuân có nơi tránh trú mưa nắng.

Cách nhà bà Xuân không xa là căn nhà lụp xụp của bà Hồ Thị Tình, người từng tham gia du kích năm xưa. Như nhiều trường hợp khác, do không biết bản thân bị nhiễm CĐDC nên sau ngày giải phóng, vợ chồng bà Tình sinh liên tiếp 7 người con thì có 3 người bị di nhiễm CĐDC. 

Ông Hồ Thanh Nghi, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, toàn xã có 145 hộ gia đình có công với cách mạng, trong đó nhiều gia đình có con cái bị nhiễm CĐDC. Thông qua các kênh kết nối, xã đã vận động được một số nhà hảo tâm giúp đỡ bằng cách hỗ trợ tiền xây nhà tình nghĩa, nhà tránh bão lũ, thăm hỏi tặng quà để cùng chia sẻ nỗi đau với các mảnh đời không may bị nhiễm CĐDC.

Tìm hiểu được biết, hiện 2 địa bàn huyện miền núi Nam Đông và A Lưới có số người bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong đó, Nam Đông có gần 500 người bị di nhiễm và 3.000 người bị phơi nhiễm; A Lưới có 800 người nhiễm và gần 5.000 người phơi nhiễm. 

Theo ông Nguyễn Cương, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Thừa Thiên - Huế, để giúp đỡ nạn nhân CĐDC, trong những năm qua, Hội đã huy động được trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà, trợ cấp, dạy nghề, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng hàng ngàn suất quà cho các gia đình có người bị nhiễm CĐDC. 

Ngoài ra, Hội còn phối hợp thực hiện nhiều dự án cộng đồng như dự án trồng cây bồ kết ở sân bay A So huyện A Lưới; dự án chăm sóc sức khỏe cải thiện môi trường sống tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền; dự án nước sạch ở xã Đông Sơn, A Lưới do nhóm đối thoại Việt-Mỹ tài trợ cùng các dự án chăn nuôi, phát triển kinh tế để giúp đỡ và tạo sinh kế cho hàng ngàn người khuyết tật do nhiễm CĐDC trên địa bàn.

Anh Khoa
.
.
.