Báo CAND và nhà tài trợ trao quà trị giá 600 triệu đồng cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam tại Thái Bình:

Chia sẻ với những số phận bất hạnh

Thứ Ba, 12/07/2016, 08:52
Đông Hưng là một trong 3 huyện có số nạn nhân nhiễm chất độc da cam và chịu di chứng nhiều nhất của tỉnh Thái Bình. Nỗi đau và bất hạnh đã đè nặng lên cuộc sống của trên 3.000 nạn nhân...


Về huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào ngày miền Bắc đang đón đợt nắng nóng đỉnh điểm, trên con đường trải đầy nắng vàng là khung cảnh yên ả thanh bình của làng quê mà ở thời chiến luôn được ngợi ca “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhưng dưới nhiều mái nhà đó, nỗi đau quặn thắt của nhiều thế hệ là nạn nhân và di chứng chất độc da cam đang rên siết. 

Nhằm tri ân và sẻ chia sâu sắc với những bất hạnh mà nạn nhân da cam đang phải gánh chịu, ngày 10-7, Báo CAND, Công ty CP Dược phẩm Farcos, Công ty Dược thảo Phúc Vinh, Công ty CP nhượng quyền Thiên Lộc JSC, Hệ thống Long Trường Giang chi nhánh Duy Tân đã trao 230 suất quà trị giá 600 triệu đồng cho 230 gia đình.

Ngôi nhà vừa được các đoàn thể và nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng tuy chưa được khang trang cho lắm nhưng với bà Bùi Thị Mậu ở thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng coi đây là điều vui mừng nhất. Người phụ nữ chịu nhiều bất hạnh trong cuộc đời đã trải qua biết bao thăng trầm và biến cố nở nụ cười trên khuôn mặt nhăn nheo khi kể về tấm lòng hảo tâm của những người đã cưu mang cho số phận của các con bà. 

Bà Mậu có 4 người con, tất cả đều bị di chứng chất độc da cam. Người con trai lớn đã mất khi lên 9 tuổi do bị một cái u to ở đầu. Người con gái út bị tâm thần đã được một trung tâm bảo trợ ở Nam Định nhận nuôi. Người con trai thứ ba đi làm thuê cho một quán phở. 

Đại diện Báo CAND, lãnh đạo huyện Đông Hưng trao quà cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Trong ngôi nhà vắng vẻ chỉ có bà và anh con trai thứ 2 là Bùi Văn Vang. Năm nay anh Vang 40 tuổi, bị tâm thần, lúc khóc, lúc cười. Thấy khách đến nhà, anh ngồi trên giường nói cười vu vơ. Nhận quà của nhà tài trợ, anh ngơ ngẩn mở ra xem rồi cười hềnh hệch, nói những câu vô nghĩa. “Vài hôm nó lại bỏ đi, ngã lăn ra giữa đường, tôi lại phải nhờ người khênh về”- bà Mậu kể.

Sau khi kết hôn với anh bộ đội về làng Bùi Văn Ơn, cuộc đời bà Mậu tưởng đã được đón nhận hạnh phúc khi có tình yêu của chồng. Nào ngờ bi kịch dồn dập đổ xuống mái nhà của đôi vợ chồng trẻ khi các con lần lượt ra đời. 

Ngày đó nào ai đã biết chất độc da cam là gì, cứ thấy hình hài dị dạng của các con, càng lớn chúng càng ngơ ngẩn, tâm thần không biết bất cứ thứ gì, người làng cũng nói ra nói vào. Sau đó, dân trong xã, trong huyện nhiều trường hợp bị như gia đình bà thì mọi người đã bớt ánh mắt ác cảm hơn. Cuộc sống vất vả kéo theo khốn khó cứ thế ập xuống đôi vai của hai vợ chồng. Chất độc da cam ngấm vào từng mạch máu khiến chồng bà đổ bệnh.

“13 năm trước ông ấy bỏ tôi ra đi, để lại mình tôi với 3 đứa con bệnh tật, khốn khổ trăm bề. Nếu kể ra thì không còn từ nào để miêu tả, chỉ biết khổ đến cùng cực”- bà Mậu vuốt nước mắt nói. 

Ngoài 70 tuổi, bà Mậu vất vả khi còn một mình nuôi 3 người con bị bệnh. “May mắn có thằng thứ 3 nó chỉ bị sứt môi và điếc nhưng vẫn được quán phở nhận vào làm”- một nét bừng sáng trong khóe mắt của bà khi chút hy vọng cuối cùng đã có việc làm.

Bà Mậu là một trong 13 gia đình nạn nhân chất độc da cam nặng nhất huyện Đông Hưng mà chúng tôi tới thăm và trao quà. Trào nước mắt khi kể về con gái, bà Nguyễn Thị Mùi, ở thôn Đông Các, xã Đông Các than: “Đấy, cháu nó đi lại suốt ngày trong sân thế kia. Không biết thứ gì cô ạ, ngay cả vệ sinh cá nhân bố mẹ phải làm cho hết. Cả đêm nó không ngủ, mình cũng phải thức theo”. 

Bà Mùi không nhấc nổi cánh tay vì bị thoái hóa, nhưng hàng ngày vẫn phải phục vụ người con gái đã 29 tuổi. Dù ngoài trời 40 độ, dưới tấm tôn nóng nực ngoài sân, con gái bà Mùi – chị Phạm Thị Doan mặc độc chiếc áo trên người cứ đi đi lại lại, nhất định không chịu vào nhà. 

Nhà có người lạ đến thăm, Doan cũng chẳng hay biết, chốc chốc cô lại ngồi xuống đi vệ sinh tại sân. Theo lời kể của ông Phạm Bá Hường thì ông nhập ngũ ở chiến trường Quảng Ngãi, sau bị địch bắt và đày ra Phú Quốc.

Năm 1975, ông về quê hương kết hôn với bà Mùi rồi sinh liên tiếp 5 người con. Sinh đứa con đầu lành lặn, ông bà rất mừng. Nhưng rồi những đứa sinh sau liên tiếp bị di chứng của chất độc hóa học, làm cuộc sống của vợ chồng ông như rơi vào địa ngục. Di chứng nặng nề khiến 2 đứa con của ông đã mất. Số phận cũng mỉm cười khi cho ông bà hai mụn con chỉ bị di chứng nhẹ.

Nhìn cô gái 29 tuổi tồng ngồng đi lại trong sân, dù già ốm và quá mệt mỏi nhưng ông bà cũng cố gắng gượng dậy để chăm sóc, yêu thương con. Nhận món quà trị giá trên 2,6 triệu đồng mà đoàn công tác trao tặng, bà Mùi xúc động cảm ơn nghĩa cử và sự tri ân của đoàn đã giành cho những người trong gia đình bà.

Đông Hưng là một trong 3 huyện có số nạn nhân nhiễm chất độc da cam và chịu di chứng nhiều nhất của tỉnh Thái Bình. Nỗi đau và bất hạnh đè nặng lên cuộc sống của trên 3.000 nạn nhân. 

Tới Bệnh viện đa khoa huyện Đông Hưng, chúng tôi không cầm lòng khi chứng kiến chất độc da cam đang bòn rút từng tế bào trong cơ thể ông Nguyễn Duy Nguyên, 78 tuổi. Hai chân ông Nguyên dần teo tóp gần như chỉ còn da bọc xương, khuôn mặt khắc khổ, chất độc da cam đang ăn dần vào bào mòn cơ thể khiến ông đau đớn từng đêm. 

“Tôi nằm đây chỉ có một mình, các con bệnh tật, đau ốm có ai chăm sóc đâu. Nhận được món quà và sự hỏi thăm, động viên của mọi người làm tôi cảm động lắm” – ông Nguyên nói.

Chia sẻ Đoàn công tác, ông Bùi Bá Vường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng xúc động: “Những năm qua, các nạn nhân chất độc da cam của huyện Đông Hưng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chia sẻ của các cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm. Lần này, món quà 600 triệu đồng giành cho 230 gia đình nạn nhân, địa phương chúng tôi vô cùng cảm động. Xin cảm ơn tấm lòng vàng của 5 đơn vị đã đồng hành và sẻ chia với nạn nhân da cam huyện Đông Hưng”. 

Đây là món quà tri ân với sự đóng góp và hy sinh của các nạn nhân chất độc da cam cho cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc, cũng như giúp họ vơi bớt phần nào khó khăn của nhà tài trợ và của những người làm Báo CAND với mong muốn động viên các gia đình vươn lên trong cuộc sống.

Trần Hằng
.
.
.