Ấn tượng những tấm lòng nhân ái

Thứ Sáu, 05/08/2016, 08:19
Họ có nghề nghiệp, địa vị xã hội khác nhau, song tất cả có một điểm giống nhau, đó là tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với mọi người khi gặp hoạn nạn trong cuộc sống.


1. Cầu 38 nằm trên QL14 đoạn giáp ranh giữa 2 xã Minh Hưng và Đức Liễu (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) từ lâu được xem là khúc cua tử thần bởi thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. Các vụ tai nạn lại thường xảy ra lúc đêm khuya, nhất là các ngày lễ, tết. Cũng tại đây, suốt hơn 23 năm qua, có một cặp vợ chồng ngày đêm vẫn cần mẫn “trực chiến” cứu giúp những người gặp TNGT.

Hiền lành và phúc hậu, đó là những ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuân (SN 1959) và bà Đỗ Thị Kim (SN 1961) bên căn nhà nhỏ cũng là trạm sơ cứu duy nhất tại khu vực tử thần này. 

Theo lời kể của ông Tuân, năm 1993, sau khi phục viên, hai vợ chồng ông đến thôn 5, xã Đức Liễu sinh sống bên cạnh cầu 38 bắc qua hồ thủy điện Thác Mơ. Vào thời điểm đó, cầu 38 vẫn là cầu gỗ bắc ngang qua lòng hồ Thác Mơ, người dân đi lại qua cầu gặp nhiều khó khăn. 

Nhưng từ khi cầu mới được xây dựng, giao thông thuận tiện thì lại có những khúc cua quá gấp ở hai bên đầu cầu nên thường xuyên xảy ra TNGT. Thỉnh thoảng, chứng kiến cảnh xe cộ đâm nhau trước mặt, hai vợ chồng không thể dửng dưng.

"Từng đi bộ đội nên tôi biết cấp cứu, chăm sóc sức khỏe ban đầu chút đỉnh” – ông Tuân nói khiêm tốn. Nhờ được vợ chồng ông Tuân kịp thời sơ cứu trước khi đến bệnh viện nên nhiều nạn nhân may mắn thoát khỏi tử thần.

Kinh phí cho hoạt động cứu người gặp nạn chủ yếu là tiền do gia đình ông Tuân bỏ ra mua bông băng, gạc cứu chữa. Làm công việc thiện nguyện nhiều năm nên vợ chồng ông Tuân không nhớ nổi những vụ mà mình đã cứu giúp. 

Và trong những vụ cấp cứu đó, có những nạn nhân đã trở lại thăm ông bà với những lời tri ân cảm động khiến hai vợ chồng cũng không nhớ nổi là mình đã cứu nạn lúc nào. Có những vụ tai nạn chết người, không biết danh tính nạn nhân, sau khi làm xong thủ tục pháp lý, ông bà còn quyên góp tiền chôn cất cho những nạn nhân xấu số.

Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Tuân và bà Đỗ Thị Kim đang băng bó cho một người bị tai nạn.

Vì hành động đầy nghĩa hiệp ấy, hai vợ chồng ông đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của địa phương và các cấp,  ngành Trung ương. Đặc biệt năm 2015, bà Kim là một trong bảy nhân vật tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc và được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen “Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tiêu biểu toàn quốc” giai đoạn năm 2010-2015.

2. Phong thái nhanh nhẹn, hoạt bát, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh… là những gì người ta hay nói khi nhắc đến bà Lê Thị Hồng Tiến (SN 1947) - Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) thị xã Phước Long. 

Dù đang rất bận rộn với việc quản lý xưởng chế biến điều xuất khẩu của gia đình nhưng bà Tiến vẫn dành thời gian cho công tác từ thiện, cho Hội Cựu TNXP. Bởi theo bà, dù mất một ít thời gian nhưng lại tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ở công việc này. Những lợi nhuận từ kinh tế gia đình bà đều dành phần lớn cho công tác từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. 

Tính từ năm 2010 đến nay, bà Tiến đã giúp hàng chục gia đình có nhà để ở, có công ăn việc làm ổn định. Thấy gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn, bà tận tình hỏi han, động viên, hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất.

Rồi cứ vào mỗi dịp tết đến xuân về, không cần ai nhắc nhở, bà tự bỏ tiền cá nhân mua hàng trăm phần quà, tự mình đến trao cho các hộ nghèo. Đối với Bếp cơm từ thiện Bệnh viện Đa khoa thị xã Phước Long, cứ mỗi đợt tổ chức nấu cho bệnh nhân, bà lại ủng hộ thêm 100 phần cơm/lần. 

Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, toàn bộ số tiền phụ cấp cho chức danh "Chủ nhiệm Hội Cựu TNXP thị xã Phước Long" bà đều sung vào công quỹ làm từ thiện, không giữ lại cho mình đồng nào.

Bà Lê Thị Hồng Tiến tâm sự: “Công tác từ thiện là quan trọng nhất đối với tôi. Với số tiền, gạo, quà giúp đỡ bà con không lớn nhưng nó có thể giúp họ phần nào giảm bớt khó khăn, vì vậy tôi phải tranh thủ thời gian làm cho thật tốt công tác này”. Người đàn bà ở cái tuổi gần 70 có khuôn mặt phúc hậu ấy nói “giúp đỡ người khó khăn luôn là niềm vui của bà và bà luôn tranh thủ mỗi ngày cố gắng làm một việc thiện”.

Ông Phạm Khắc Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Long Thủy, thị xã Phước Long cho biết: “Thấm nhuần lời dạy của Bác, bà Tiến lúc nào cũng hăng hái, nhiệt huyết trong các hoạt động xã hội, phong trào phát triển kinh tế". 

Những việc làm của bà đã góp phần cùng với chính quyền mang lại niềm vui, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng. Với tấm lòng nhân ái vì cộng đồng xã hội, bà đã được Chủ tịch nước trao tặng Bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý.

3. Đến ấp Cây Chặt, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước hỏi nhà ông Huỳnh Long Quân (SN 1954), người dân ở đây ai cũng biết. Bởi ông không chỉ là một nông dân sản xuất giỏi mà còn là người có cái tâm luôn hướng về cộng đồng, giúp đỡ mọi người.

Từng một thời làm lụng cơ cực, đến khi có cuộc sống ổn định hơn với nghề trồng nấm bào ngư xám, hơn ai hết, ông Quân hiểu được những nỗi cực nhọc của những người nghèo. 

Với tâm niệm “Một nắm khi đói bằng một gói khi no”, 5 năm qua, cứ đều đặn vào ngày thứ bảy hằng tuần, bất kể dù nắng hay mưa, ông Quân cũng luôn có mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Ninh để trao 100 suất cơm chay do chính tay mình và gia đình nấu ở nhà mang đi phát cho những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại đây. Ông chia ra làm hai buổi phát cơm với số lượng: sáng 50 suất, chiều 50 suất.

Để có những suất cơm chay ngon, ông Quân cùng với gia đình phải chuẩn bị nguyên vật liệu vào chiều thứ Sáu. Sau đó, mọi người trong gia đình ông cùng nhau vào bếp để chế biến. Mỗi suất cơm cơm chay của ông luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng với 2 món khô và 1 món canh. 

Đến sáng sớm hôm thứ Bảy, cả nhà dậy từ 4 giờ để chia cơm vào các hộp. Sau đó, ông Quân tự tay mang đến bệnh viện để phát cho người bệnh. Mỗi hộp cơm của ông Quân giá trị tuy nhỏ, nhưng đều chứa đựng cả  tấm lòng chân thành của ông để chia sẻ với những người bệnh không may gặp phải.

Khi hỏi về những việc làm thầm lặng của mình, ông Quân cười hiền nói: “Có đáng gì đâu. Làm từ thiện là để giúp mình, giúp đời. Qua đó, giáo dục con cháu trong gia đình hiểu được giá trị của tình người là biết yêu thương, sẻ chia đùm bọc anh em và mọi người trong xã hội”.

Đ. Trí - Đ. Hùng - V.Đoàn
.
.
.