70 tuổi vẫn chạy cơm từng bữa nuôi 2 con tâm thần cùng đàn cháu thơ dại

Thứ Hai, 23/11/2015, 20:40
Đến thôn Thất Gian, xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh mà hỏi nhà bà Hà Thị Hiệp, 70 tuổi một mình nuôi 2 người con tâm thần cùng 3 đứa cháu dại thì chẳng ai là không biết. 


Để đến được nhà bà Hiệp chúng tôi phải đi sâu vào con dốc nhỏ, lổn nhổn những đá và ổ gà. Ngôi nhà cấp bốn mái lợp đã lâu với những viên ngói lành xen lẫn viên nứt vỡ càng làm cho ngôi nhà trở nên sơ sài, cũ nát hơn. Những tia nắng xuyên thấu qua những mảnh ngói vỡ tạo thành từng vệt tròn chi chít in xuống nền nhà. “Đấy là khi trời nắng chứ khi mưa gió thì khổ lắm các cô à”- bà Hiệp chia sẻ.

Cũng như bao người phụ nữ thôn quê, bà Hiệp lấy chồng từ năm 19 tuổi và sinh được 5 người con (4 trai, 1 gái). Những tưởng cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua, nhưng số phận bà cũng oái oăm thay, 5 người con của bà lúc thơ bé đều khỏe mạnh, học giỏi, nhưng khi bắt đầu bước sang tuổi trưởng thành thì 2 đứa con trai đầu trong số 5 người con của bà là Bùi Văn Tuẩn (hiện 42 tuổi) và Bùi Văn Tuân (hiện 39 tuổi) đều lần lượt phát bệnh tâm thần. 

Người con trai thứ 3 là anh Bùi Văn Thiệp ngay khi đẻ ra đã có sức khỏe không tốt, hiện nay dù đã 36 tuổi mà hình dáng, sức vóc ốm yếu vẫn như một đứa trẻ. Đã vậy, người chồng của bà trở mặt phụ bạc, bán hết cửa nhà, tài sản, bỏ vợ bỏ con đi tìm niềm vui mới. Bà Hiệp phải một thân một mình làm lụng nuôi dạy các con ăn học, bà bảo: “Nhiều khi không có gì cho các con ăn, nhưng tôi cũng cố gắng rau cháo nuôi các con, dặm được cái gì ăn cái nấy, thế mà chúng nó ai cũng học hết lớp 10, đều có chữ cả”.

Bà Hiệp và 2 đứa cháu do bà chăm sóc.

Trong những người con của bà, anh Bùi Văn Tuân là bị bệnh nặng nhất, thời gian ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Khoảng 4 năm trước, anh Tuân bỏ nhà đi, cứ tưởng bị mất con, thế mà 4 năm sau bà Hiệp lại nhận được thông tin tìm thấy anh Tuân ở tận trong Nghệ An. 

Gia đình thì neo người, không có ai đi đón, bà lại thu xếp công việc gia đình, gửi nhà, gửi cháu để vào Nghệ An đón anh Tuân ra. Vợ anh Tuân ở nhà do không chịu được sức ép từ phía gia đình bên ngoại nên đã bỏ anh và để lại 2 đứa con thơ cho bà Hiệp chăm sóc. Người con cả Bùi Văn Tuẩn bị bệnh nhẹ hơn, không phải nhập viện chỉ cần duy trì chữa bệnh ngoại trú, uống thuốc đúng đơn, nên tinh thần ổn định hơn, anh vẫn có thể kiểm soát được bản thân. 

Cũng may bên cạnh anh luôn có người vợ chấp nhận hy sinh ở lại cùng bà chăm sóc chồng bệnh và các con. Con cái anh Tuẩn cũng hiểu được hoàn cảnh gia đình mà cố gắng học tập. Đứa con gái lớn của anh Tuẩn năm nay đã tốt nghiệp xong lớp 12, nhưng vì hoàn cảnh khó mà em không thể tiếp tục học đại học, hiện đang đi làm trên thị trấn.

Gần 30 năm nay, từ khi người chồng bỏ đi, không những phải nuôi 2 người con trai bị tâm thần, bà Hiệp còn phải một tay “gánh” luôn cả 3 đứa cháu nhỏ dại là 2 đứa con của anh Tuân và đứa con gái của người con trai út tên Phương. Từ bấy đến giờ bà Hiệp cứ mãi gắn với gánh nặng của hai thế hệ - thế hệ già nuôi thế hệ trẻ.

Đến gặp bà Hiệp vào một buổi trưa mùa thu, các cháu của bà đi học hết, chỉ còn 2 đứa trẻ tầm 2-5 tuổi ở nhà với bà, vừa nhìn đứa cháu nhỏ nhất tầm 2 tuổi (con của anh Phương) bà Hiệp nói: “Mẹ bỏ đi từ khi nó mới được 6 tháng tuổi, chúng nó chung sống với nhau mà lại chưa đăng ký kết hôn, nên đẻ cháu ra mà không có giấy khai sinh. Mấy bữa trước tôi phải lên trên huyện để xin làm giấy khai sinh cho cháu, bởi cháu cũng sắp tới tuổi đi học mẫu giáo rồi”.

Khi được hỏi về tiền trợ cấp, hỗ trợ hàng tháng, bà Hiệp chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ trông chờ vào tiền trợ cấp tâm thần phân liệt của 2 người con bị bệnh thôi, mỗi suất được 270 ngàn đồng, tổng cộng là 540 ngàn mỗi tháng. Với số tiền trợ cấp ít ỏi ấy thì mua sữa cho lũ trẻ còn chả đủ, cũng may cô bán sữa thương tình giúp đỡ nhiệt tình, toàn cho mua chịu, tháng này đỡ tháng sau, nếu không mua thì biết lấy gì mà nuôi bọn trẻ?”.

Cái tuổi xế chiều đang từng ngày ăn mòn sức khỏe của bà nhưng mỗi ngày thức dậy, bà vẫn luôn lao động miệt mài để kiếm tiền mua gạo nuôi các con, các cháu. Gánh nặng đèo bòng luôn quấn lấy người phụ nữ bất hạnh không may sinh ra những đứa con không khỏe mạnh, rồi một lần nữa phải “làm mẹ” bất đắc dĩ của những đứa cháu thơ dại. Tưởng chừng như cuộc sống bế tắc không lối thoát, nhưng bà Hiệp vẫn không bao giờ chịu đầu hàng số phận vì quanh bà, những người tốt vẫn luôn hiện hữu.

Tâm sự cùng bà Hiệp, chúng tôi không khỏi xúc động. Những mơ ước tưởng chừng rất nhỏ nhoi với mọi người nhưng lại là một điều quá xa vời với hoàn cảnh của bà, khi người ta chỉ mong có thể ở bên con cháu suốt quãng đời còn lại để hưởng phúc tuổi già, thì người phụ nữ này chỉ mong những đứa con bệnh tật của mình được một trung tâm bảo trợ xã hội của Nhà nước nhận vào chăm nuôi để đến khi bà ốm yếu, không còn đủ sức thì chúng vẫn còn có chỗ nương tựa. 

Mặc dù không đủ tiêu chuẩn, nhưng bà Hiệp vẫn trông chờ, luôn hi vọng vì đó là tâm nguyện lớn nhất của bà. Tự hỏi không biết đến bao giờ thì tâm nguyện nhỏ nhoi của bà trở thành hiện thực, không biết bao giờ bà Hiệp mới có thể thực sự nở nụ cười đúng nghĩa?

T.Quỳnh – Cao Thủy
.
.
.