Nhức nhối hủ tục hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao Đakrông

Thứ Bảy, 28/11/2015, 08:52
Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng vấn nạn hôn nhân cận huyết thống vẫn hết sức nhức nhối ở vùng cao huyện Đakrông (Quảng Trị).

Trong căn nhà cấp 4 cũ kĩ ở thôn Vôi, xã Tà Long, Hồ Thị Biên người gầy như que củi vừa cho đứa con trai 1 tháng tuổi bú sữa, vừa quấn lại chiếc khăn bịt kín cái đầu trọc lốc khâu đến 5 mũi vì bị trâu húc.

Năm nay Biên 21 tuổi, nhưng lấy chồng đã được 6 năm và có hai mặt con. Chồng Biên là Hồ Văn Thưng, 25 tuổi. Thưng là con đẻ của bà Hồ Thị Doi, còn Biên là con đẻ của bà Hồ Thị Dinh, chị ruột bà Doi…

Thưng kể, học hết lớp 8 thì bỏ học lên nương rẫy kiếm cái ăn. Biết Biên là con của dì ruột, nhưng thấy Biên đẹp người nên Thưng vẫn nảy sinh tình cảm. Sau vài tháng đi sim, cả hai đem lòng yêu nhau và được gia đình cho cưới. Vậy là Biên nghỉ học để lấy chồng vào cuối năm lớp 9.

Do hôn nhân cận huyết thống, 2 đứa con của vợ chồng Hồ Thị Biên và Hồ Văn Thưng luôn bị ốm đau quặt quẹo.

Chúng tôi thắc mắc, vì sao có chung huyết thống mà lại cho con cái lấy nhau, bà Doi trả lời ngắn gọn: “Mình biết pháp luật không cho phép, nhưng chúng nó yêu nhau rồi thì biết làm sao. Từ xưa tới nay, người Vân Kiều mình coi chuyện đó là bình thường, được phép. Mình làm đúng theo phong tục của mình thôi, có sai gì đâu”. Đến thôn A La, xã Ba Nang, chúng tôi tiếp tục nghe được câu chuyện đau lòng về ông Hồ Văn My, Chủ tịch UBND xã Ba Nang có người em ruột tên Hồ Văn Sỹ (24 tuổi) kết hôn với vợ là Hồ Thị Trãi (18 tuổi) cận huyết thống. Trãi là con cậu, còn Sỹ là con cô (bố của Trãi là anh trai ruột của mẹ Sỹ). “Chúng mình yêu nhau được 1 năm thì gia đình hai bên cho cưới vào năm 2012, lúc đó mình 15 tuổi. Bây giờ mình thấy hối hận lắm. Mình làm điều mà pháp luật không cho phép. Người ta biết mình và chồng có cận huyết thống mà lấy nhau, mình ngại lắm. Mình không gọi ba mẹ chồng mà chỉ gọi là cô, dượng thôi. Đời mình lỡ dại rồi, bây giờ chỉ biết chấp nhận và dạy bảo các em không được dại dột như mình nữa”, Trãi tâm sự.

Theo bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, hôn nhân cận huyết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn tồn tại dai dẳng và có chiều hướng gia tăng trở lại. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống là do trình độ dân trí, nhận thức của người dân miền núi còn hạn chế… 

Theo bà Cúc cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tác hại của hôn nhân cận huyết, đặc biệt là giáo dục trong nhà trường; đồng thời tăng mức chế tài xử lý, xử phạt nặng hơn đối với các trường hợp vi phạm… Ông Lê Văn Quyền, Trưởng Ban dân tộc tỉnh Quảng Trị cho hay, đơn vị đang xây dựng đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025. Mục đích để huy động toàn bộ các sở, ban ngành, địa phương cùng tham gia, hướng tới chấm dứt hôn nhân cận huyết thống...

Bảo Ngọc
.
.
.