Niềm vui của lính biên phòng hiếm muộn

Thứ Tư, 02/03/2016, 10:00
Trong cái nắng hanh vàng những ngày đầu tháng 3 biên giới Cao Bằng, Thượng tá Mã Đức Thuận, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cao Bằng hồ hởi thông báo với chúng tôi về 2 trường hợp chiến sĩ hiếm muộn của đơn vị đã có con.

Niềm vui như vỡ oà bởi từ năm 2013, khi thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ chiến sĩ, sĩ quan, quân nhân hiếm muộn, cho tới nay mới có 2 trường hợp của đơn vị thành công. Niềm vui này không chỉ của riêng gia đình các quân nhân mà còn cả của đơn vị.

Chia sẻ niềm vui được làm cha với chúng tôi, Thiếu úy chuyên nghiệp Dương Nông Trang cho biết, anh và vợ cùng ở Cao Bằng, kết hôn từ năm 2010. Sau nhiều năm không có con, hai vợ chồng đi khắp nơi chữa trị nhưng đều không có kết quả. Cơ may đến với vợ chồng anh chị trong lần xuống điều trị thăm khám ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2014.

Sau hơn 4 năm đợi chờ, giờ đây gia đình Thiếu uý Dương Nông Trang đã có hai bé trai kháu khỉnh.

Sau đợt điều trị, vợ chồng anh thực hiện phương pháp thụ tinh, kết quả thật bất ngờ, có 2 phôi thai thành công. Đến 1-9-2015 vợ anh sinh đôi 2 cháu trai, 1 bé 1,6kg và 1 bé 2,5kg, đặt tên Dương Duy Khang và Dương Duy Khánh. Niềm vui như vỡ oà với người bố trẻ sau nhiều năm mòn mỏi trông đợi đứa con. Trang nói: “Vui lắm chị à, lúc đó em đã khóc vì hạnh phúc, em đã được làm cha”.

Trong lúc nói chuyện, Dương Nông Trang đã đưa điện thoại có hình 2 em bé “khoe” với chúng tôi: “Thiên thần của nhà em đấy. Giờ các cháu đang bắt đầu ăn dặm, một cháu được 8kg, 1 cháu được 6,5kg. Sinh đôi khá vất vả, nhưng giờ về tới nhà nghe tiếng con ê a, cười với con là niềm hạnh phúc vô bờ của cả gia đình nhỏ”.

Được làm cha, niềm vui đó với người bình thường đã khó, nay với những chiến sĩ biên phòng hiếm muộn còn hạnh phúc gấp bội phần. Trung úy Nguyễn Trung Thành trải lòng: “Em quê ở Tam Nông (Phú Thọ), lên Cao Bằng từ năm 2003, lập gia đình năm 2010. Hai vợ chồng sau nhiều năm kết hôn không có con, đưa nhau đi chạy chữa khắp nơi không có kết quả.

Nhờ sự giới thiệu của những người đi trước, hai vợ chồng đã tới Trung tâm Công nghệ phôi - Học viện Quân y. Kết quả,  đến tháng 9-2015, vợ đã sinh hạ con trai, tên Nguyễn Ngọc Kiên. Đến nay cháu đã được 5 tháng, nặng hơn 8kg”. Khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, nước mắt cũng rơi lã chã trên gương mặt Trung úy Thành, những giọt nước mắt của hạnh phúc.

Những người lính biên phòng lận đận về đường con cái là điều băn khoăn, trăn trở đối với những người làm công tác cán bộ bởi lẽ “phải yên ổn gia đình thì cán bộ, chiến sĩ mới yên tâm công tác”. Trung tá, bác sĩ Đàm Xuân Trường, Chủ nhiệm Quân y- Biên phòng Cao Bằng cho biết, trong quá trình hỗ trợ các cặp gia đình hiếm muộn của đơn vị, có những cặp để lại cho ông những trăn trở lớn, điển hình như cặp vợ chồng Trung úy, Y sĩ Hoàng Quang Trường. Giọng bác sĩ Đàm Xuân Trường trầm xuống khi nói về quá trình đi chữa trị hiếm muộn của cặp vợ chồng này.

“Hai vợ chồng y sĩ Hoàng Quang Trường lấy nhau 6-7 năm không có con, vợ làm giáo viên. Ban đầu vợ chồng làm xa nhau, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Biên phòng, đơn vị tạo điều kiện để về hai vợ chồng có điều kiện ở gần. Từ điều kiện gần gũi, tới thời gian để hai vợ chồng đi rong ruổi khắp các bệnh viện từ Bắc vào tới Nam kiếm mụn con. Cuối cùng trong năm 2015, tại Trung tâm phôi, Bệnh viện Mỹ Đức - TP Hồ Chí Minh, vợ chồng Hoàng Quang Trường đã có tin vui với thai đôi.

Ban đầu nhận được tin báo của Hoàng Quang Trường, ai trong đơn vị cũng vui và chúc phúc cho đôi vợ chồng. Tuy nhiên, niềm vui chẳng tày gang, đến tháng thứ 4 thì thai hỏng, không giữ được. Nghe tin đó, ai cũng buồn nhưng cũng cố gắng nuôi hy vọng thời gian tới sẽ thực hiện lại” - Bác sĩ Trường nói.

Màu da nâu sạm và những nếp nhăn trên mặt của người Chủ nhiệm Quân y như chùng xuống khi nói về những người đồng đội, chiến sĩ của mình trên hành trình đi kiếm con. Thật gian truân và vất vả. Những giọt nước mắt lặng thầm, những người lính canh giữ biên giới, luôn mong ngóng tiếng cười của trẻ thơ.

Bởi trong số 11 cặp vợ chồng hiếm muộn của đơn vị đi thực hiện chữa trị cho tới nay mới có 2 cặp thành công. Hy vọng rằng, trong thời gian tới các cặp vợ chồng đang điều trị sẽ đón nhận tin vui. Trong thâm tâm người bác sĩ, ông luôn mong rằng, nụ cười sẽ trở lại trên gương mặt những đồng chí quân nhân, để họ yên tâm công tác, vững tay súng nơi tiền tiêu để bảo vệ biên giới, giữ bình yên cho những xóm làng.

Thượng tá Mã Đức Thuận cho biết, chương trình hỗ trợ kinh phí cho các gia đình hiếm muộn mang tính nhân văn sâu sắc. Số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng thể hiện sự quan tâm của đồng đội với cán bộ chiến sĩ chưa được hạnh phúc trọn vẹn. Đơn vị tạo điều kiện, giúp đỡ các đồng chí hiếm muộn có thời gian, kinh phí để vợ (chồng) chữa bệnh đạt kết quả tốt nhất.

Được biết, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có chương trình hỗ trợ các gia đình quân nhân hiếm muộn. Theo đó, Quỹ hiếm muộn được thành lập từ tháng 4-2014. Đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã vận động được trên 10,7 tỷ đồng. Trong đó, đợt 1 năm 2015 có 218 gia đình điều trị hiếm muộn với mức hỗ trợ từ 30 triệu, 20 triệu, 10 triệu, 5 triệu/gia đình.

Ngày 29-10-2015, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) có Công văn số 2318/HD-CT hướng dẫn hỗ trợ người hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong quân đội. Theo đó, trong trường hợp điều trị kỹ thuật cao (thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi cấy tinh tử…) được hỗ trợ không quá 2 lần, mỗi lần không quá 50 triệu; điều trị kỹ thuật trung bình (siêu âm trứng rụng, tiêm thuốc thụ tinh nhân tạo, kích thích buồng trứng) được hỗ trợ không quá 3 lần, mỗi lần không quá 10 triệu; điều trị kỹ thuật đơn giản được hỗ trợ không quá 3 lần, mỗi lần không quá 2 triệu; người đã điều trị hiếm muộn vô sinh, nhưng không có khả năng sinh con hoặc người độc thân nhận nuôi con nuôi được hỗ trợ 10 triệu.

Lưu Hiệp- Hà Ly
.
.
.