Bi kịch hôn nhân sau những đám cưới vội

Thứ Ba, 02/08/2016, 14:40
Những người phụ nữ mà chúng tôi đề cập trong loạt phóng sự dưới đây đều đồng ý làm dâu chỉ sau một thời gian ngắn gặp gỡ, tìm hiểu. Dĩ nhiên, chúng tôi không có ý định bài bác chuyện lấy nhanh cưới gấp, chỉ có một điều trùng hợp là đa số họ đều gặp những người chồng vũ phu, và phải nhận những kết cục đắng chát.

Bài 1: Nếu thời gian có quay trở lại…

Lên xe hoa về nhà chồng khi mới 17 tuổi, Nguyễn Thùy Dung (SN 1994, trú tại Mã Lại, Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội) nào có lường trước được những khổ cực, đau đớn, mất mát mà cô sẽ phải chịu đựng trong suốt quãng thời gian làm dâu.

Đỉnh điểm, chiều ngày 9-2-2016 Dung bị chồng tưới xăng và châm lửa đốt, khiến toàn thân bỏng nặng, khuôn mặt bị biến dạng, tổn hại 80% sức khỏe. Dung chỉ ước rằng, nếu được quay trở lại 5 năm trước thì Dung sẽ chẳng lấy chồng sớm như thế...

1. Chúng tôi có mặt ở Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đúng hôm cơn bão số 1 đổ bộ vào các tỉnh miền Bắc. Dù cơn cuồng phong của đất trời lúc này đã dịu lại, song căn nhà nhỏ xíu mà Dung và mẹ đẻ đang tá túc cứ rung lên bần bật sau mỗi đợt gió mạnh.

Chàng Sơn đang bị mất điện, trong căn nhà tối thui lờ mờ hiện ra một người phụ nữ đang lui cui đứng dậy. Khi cánh cửa sổ được mở, nữ đồng nghiệp đi cùng tôi vội quay người giấu tiếng nấc nghẹn ngào. Trái ngược với hình ảnh thiếu nữ có khuôn mặt xinh xắn, trắng trẻo với đôi mắt to ở trên khung ảnh treo tường, trước mặt chúng tôi lúc này là một cô gái mà trên thân thể toàn những dấu tích tội ác ghê rợn. Hai cánh tay, một phần ngực, nách, cả đôi chân của Dung đầy những vết sẹo to, dài. Khuôn mặt, cánh mũi, đôi tai cũng bị biến dạng, sần lên như những mụn cóc.

Dung lấy nước mời chúng tôi uống, rồi chủ động lên tiếng: “Chắc anh chị khó mà nhận ra em với cô gái trên khung ảnh kia phải không? Ngay cả con gái của em cũng không nhận ra. Cứ mỗi lần các bác đưa cháu xuống gặp mẹ, là nó lại chạy trốn rồi òa khóc...”. Dung nói mà khuôn mặt tịnh không bộc lộ cảm xúc.

Thấy chúng tôi vẫn im lặng, Dung bảo: “Anh chị cần gì thì cứ nói, đừng ngại. Hôm trước mọi người bảo em lên tivi cứ nói khơi khơi mà chả rớt giọt nước mắt nào. Nhưng có ai biết rằng thời gian điều trị tại bệnh viện, khi thấy mình trong bộ dạng này, em đã khóc nhiều đến cạn cả nước mắt rồi”.

Em còn nhớ được thời điểm xảy ra sự việc đó không? - tôi hỏi.

Em cũng không nhớ được nhiều lắm. Nhưng buổi chiều hôm ấy mãi mãi là ký ức kinh hoàng mà em đã phải chịu đựng.

Ngừng lại một lát, Dung quay mặt vào trong phòng dường như để cố giấu đi những giọt nước mắt tủi hờn. Rồi cô chậm rãi kể. Dung không bao giờ tưởng tượng được tết năm ấy lại xảy ra chuyện buồn đến như thế với gia đình cô.

Một người bạn đến tâm sự, an ủi Dung.

Trước tết Nguyên đán Bính Thân hai vợ chồng Dung đã “lục đục” vì những mâu thuẫn về kinh tế. Dù đã có với nhau hai mặt con, nhưng Thành (chồng Dung) chẳng chịu làm lụng mà chỉ suốt ngày ăn chơi đàn đúm. Trong khi lương công nhân may của Dung chỉ được tròm trèm 3 triệu đồng.

Đã thế, Dung còn thường xuyên phải chịu những trận đòn thừa sống thiếu chết mà gã trút lên. Cuối năm 2015 Dung đành phải ôm hai cô con gái bỏ về nhà mẹ đẻ (là bà Phí Thị Duyên).

Trước đó, do không thể chịu đựng nổi gã chồng lười nhác lại vũ phu, đã nhiều lần Dung viết đơn ly dị mà gã không chịu ký. Sáng ngày mùng 2 tết, nghe Thành gọi điện là sẽ đồng ý ly dị nên Dung cùng bà Duyên xuống nhà mẹ chồng Dung ở Quốc Oai, cách đó khoảng 20km.

Nhưng khi thấy vợ, Thành không đả động gì đến chuyện ký đơn mà quay ra đòi tiền. Hai bên to tiếng, và bất ngờ gã chồng đốn mạt lấy ra một chiếc can rồi dội thẳng thứ chất lỏng đó lên người vợ. Tiếp đó hắn châm lửa đốt. Cả người Dung như ngọn đuốc cháy bùng bùng...

Dung chỉ nhớ được đến đây, vì sau đó cô bị ngất đi. Điều trị tại Viện Bỏng quốc gia gần hai tháng trời, Dung mới tạm bình phục và được ra viện. Trên người Dung lúc này ngoài những vết sẹo to như bàn tay thì cô còn phải chịu nỗi đau đớn khắp các chi.

Đặc biệt là các cơ của đôi bàn tay bị đốt khiến mười ngón tay luôn trong tình trạng co quắp, không thể làm được những việc đơn giản nhất. Dung cũng chỉ có thể di chuyển được một cách khó khăn. Toàn bộ sinh hoạt như ăn uống, tắm rửa đều phải nhờ mẹ đẻ giúp.

Khi Dung đi viện, hai cô con gái xinh xắn buộc phải gửi cho nhà nội nuôi nấng nhưng không phút nào Dung yên tâm...

2. “Hồng nhan bạc mệnh” - có lẽ câu nói đó đã ứng vào Nguyễn Thùy Dung. Cô đã phải chịu nhiều phần thiệt thòi từ thuở bé. Bố Dung có tới ba bà vợ, và Dung là con của bà thứ ba. Cũng vì thế mà từ nhỏ cô đã thiếu vắng hơi ấm từ người cha.

Ngày còn nhỏ, Dung sống với mẹ ở trên thị xã Sơn Tây. Khi Dung lên 8 tuổi thì bố mất, hai mẹ con dắt díu nhau về Chàng Sơn. Bà mẹ dù rất cố gắng tạo điều kiện cho con, song, vì sức học yếu mà Dung đã dừng lại ở bậc học THCS. Sau đó Dung xin làm công nhân may để phụ mẹ.

Qua bạn bè, năm 2011 Dung gặp và nảy sinh tình cảm với Nguyễn Văn Thành (SN 1991, trú tại Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội). Sau vài tháng tìm hiểu, đôi trẻ đã về thưa chuyện với hai gia đình xin được lấy nhau làm vợ chồng. Dù bà Duyên và họ hàng từng ra sức khuyên bảo Dung nên nghĩ kỹ trước khi lập gia đình, song Dung kiên quyết không nghe.

“Khi đó em thực sự rất, rất yêu anh ấy. Nên dù có bị ngăn trở thế nào đi nữa thì vẫn quyết tâm lấy nhau. Nhưng có ai biết được chữ ngờ. Hơn 4 năm làm dâu là ngần ấy thời gian em phải chịu cảnh bạo hành” - Dung nói.

Cứ ngỡ sẽ có một cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc tại ngôi nhà rộng rãi ở Hòa Thạch, nhưng Dung đã sớm phải làm quen với những nỗi buồn, bức bách. Sau đám cưới khá rình rang, Dung vẫn làm công nhân ở công ty may, còn Thành lại vẫn ăn chơi lêu lổng như trước. Thời gian đầu Dung cũng lựa lời khuyên bảo, song chồng chỉ ừ hữ cho qua chuyện. Khi Dung nói nặng hơn thì hắn quay ra trả lời bằng… nắm đấm. Dung càng choáng váng hơn khi ngay đến bố mẹ đẻ cũng không nói được chồng.

Tháng 7-2012 bé Nguyễn Thu Uyên ra đời, gia đình nhỏ của Dung ngày càng nảy sinh nhiều chuyện. Mỗi lần Dung góp ý là Thành lại sừng sộ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ. Cứ đi đâu thì thôi, chứ về đến nhà mà nghe ai nói xấu vợ, hoặc Dung cằn nhằn chuyện gì đó là hắn lại nổi xung lên đấm đá Dung. Thậm chí có lần hắn còn dùng búa đập vào lưng vợ khiến cho Dung đau ê ẩm cả tháng trời.

Khi cháu Nguyễn Ngọc Anh chào đời cuối năm 2014, Thành thậm chí còn không đoái hoài đến việc đưa vợ ra bệnh viện. Khi cháu được đầy tháng thì hắn vẫn còn mải bay nhảy với đám bạn. “Sau đám cưới, em mới biết anh ấy từng phải ngồi tù 6 tháng vì tội đánh bạc hay trộm cắp gì đó. Cũng vài tháng sau thì em phát hiện ra anh ấy còn nghiện ma túy, mê đập đá nữa. Không những không đi làm mang tiền về nuôi vợ con, anh ấy còn thường xuyên lấy tiền của em mang đi hút xách. Cực chẳng đã em phải làm đơn ly dị” - Dung tâm sự.

Khi thấy Dung có ý định bỏ mình, Thành càng tức lồng lộn. Hắn không ký, lại càng không thèm đếm xỉa tới vợ con. Bị đánh nhiều lần, Dung đã làm đơn nhờ UBND xã can thiệp. Nhiều lần được cán bộ xã gọi lên làm việc, Thành đâm ra nhờn, chẳng coi ra gì. Có hôm hắn còn vác dao đuổi, đòi chém mẹ con Dung. May có hàng xóm can ngăn chứ không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Cũng theo người phụ nữ tội nghiệp này, lúc đầu thấy con dâu đánh vợ, bố mẹ của Thành cũng có can ngăn. Nhưng sau dần dần ông bà cũng chán.

Khi Dung bị bỏng nặng phải điều trị, ông bố chồng cũng ở bệnh viện nhiều ngày để chăm sóc con dâu. Ông cũng thanh toán cho gia đình một phần viện phí. Tuy nhiên, khi Dung ra viện thì ông cũng không qua lại nữa. Chỉ có người chị dâu thỉnh thoảng đưa hai đứa con của Dung lên chơi với mẹ chốc lát rồi lại về. Đặc biệt, Thành không một lần xuất hiện. Có lẽ hắn vẫn đang mải ăn chơi, hút xách với đám bạn.

Nguyễn Thùy Dung trước đây và sau khi bị chồng tưới xăng thiêu sống.

3. Ngồi nghe chuyện của cô gái tội nghiệp, chúng tôi cảm thấy xót xa thay cho cô. Là con gái, ai cũng mong mình lấy được tấm chồng tử tế, chỉ cần một người đàn ông có ý chí làm việc, biết yêu thương gia đình, vợ con, có lẽ đã là đủ đầy với nhiều người. Dung cũng chỉ mong có vậy, mà sao số phận của cô lại phải chịu nhiều đớn đau đến thế.

Gạt nỗi buồn sang một bên, Dung bảo sang tuần cô sẽ quay lại bệnh viện để các bác sỹ khám, phẫu thuật đôi tay cho cô. “Từ khi có thông tin về hoàn cảnh của em trên mạng, lên một số tờ báo thì em cũng nghe thông tin sẽ được bệnh viện tạo điều kiện để chữa trị. Nhưng cứ nghĩ đến bệnh viện là em sởn hết da gà”.

Nhớ lại quãng thời gian hơn 50 ngày nằm viện mà Dung lại hãi hùng. Sau khi bị chồng đốt, Dung hôn mê đến 17 ngày. Thậm chí đã vài lần người ta khuyên mẹ Dung nên đưa con về nhà vì họ cho rằng cô khó mà qua khỏi. Nhưng khi bác sĩ thăm khám vẫn thấy Dung còn thở, và còn cựa quậy.

Sau ba tuần điều trị tích cực, ông trời cũng không nỡ lấy đi tính mạng của Dung. Dung được phẫu thuật ở nách (vì bị bỏng sâu gần đến phổi), rồi được lấy da từ đùi để tái tạo, đắp vào những phần da bị hỏng. Một tháng sau thì Dung nhúc nhắc ngồi dậy được.

Nhưng tiếp đó lại là một chuỗi ngày Dung phải tự đấu tranh với chính mình. Đó là khi Dung biết được khuôn mặt đã bị biến dạng hoàn toàn. Thất vọng, buồn chán, đau đớn mấy lần Dung định quyên sinh. Bà Duyên phải túc trực bên con 24/24h để động viên, canh chừng. Rồi nhiều người thân, họ hàng bạn bè cũng đến khuyên bảo, Dung cũng dần nguôi ngoai. Dung biết mình phải sống để còn chăm sóc, nuôi dưỡng hai cô con gái đẹp như thiên thần của mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, Dung chỉ có thể đi lại, tự xúc được cơm. Nhưng miệng bị biến dạng nên đồ ăn lúc nào cũng phải xắt thật nhỏ. Còn những việc khác đều phải nhờ vào tay người mẹ già đã 60 tuổi.

“Lúc này em chỉ mong các ca phẫu thuật sẽ giúp cho đôi tay được trở lại bình thường, để em có thể làm việc nuôi mẹ già và chăm con thơ. Sau đó em sẽ dành dụm tiền để phẫu thuật lại khuôn mặt...”.

Chúng tôi rời Chàng Sơn khi trời lại tiếp tục đổ mưa. Hình ảnh cô gái trẻ ngồi một mình trong ngôi nhà tối tăm, ẩm thấp khiến chúng tôi cứ liên tưởng đến một câu hát của nhạc sỹ Trần Tiến: “Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi/ Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn...”.

Minh Tiến
.
.
.