Bi kịch của người đàn bà mang tội giết chồng

Thứ Năm, 19/05/2016, 09:25
"Giết chồng" là khái niệm chưa từng xuất hiện trong ý nghĩ của người đàn bà hiền lành như Nguyễn Thị Trình. Thế mà vào đêm 19-4-2016, người phụ nữ này đã cầm thanh gỗ đập vào đầu chồng khi bắt gặp cảnh ông đang bóp cổ con trai. 


Chồng chết, Nguyễn Thị Trình và con trai bị bắt vì tội giết người. Hàng xóm láng giềng sững sờ, cho đó là điều không tưởng bởi thường ngày người phụ nữ này hiền lành đến nỗi thường xuyên bị chồng đánh đập, phải bỏ chạy đầu làng cuối làng. Buổi trò chuyện của phóng viên với Nguyễn Thị Trình trong Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ ám ảnh vì bi kịch kéo dài hơn 10 năm mà người phụ nữ đa đoan này đã không tìm được lối thoát cho mình.

Chuỗi ngày bi kịch của người đàn bà đa đoan

Nắng tháng 5 chưa khi nào oi nồng như hôm chúng tôi gặp Nguyễn Thị Trình. Trại tạm giam Công an tỉnh Phú Thọ lặng không một cơn gió, cái oi bức ngột ngạt trong phòng hỏi cung làm cho đôi má người đàn bà bước vào tuổi 49 ửng hồng.

Phải nói chị ta có một vẻ đẹp mặn mà dù cuộc sống lam lũ và bất hạnh cũng không tàn phá được nhan sắc trời ban đó. Trình sụt đi vài kilogam từ ngày bị bắt. Mỗi khi ai đó hỏi về bi kịch này, Trình lại khóc. Nước mắt của người đàn bà lặng lẽ rơi trên gò má nhô lên đốm xương lấm tấm tàn nhang. "Tôi không cố ý giết ông ấy, tôi tức giận quá mà đánh ông ấy thôi, tôi sợ ông ấy bóp cổ nó (tức con trai Trình - PV)…

Nguyễn Thị Trình trong trại tạm giam.

Nguyễn Thị Trình sinh ra ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Vẻ đẹp dịu dàng của cô gái Tuyên đã sớm vận vào cuộc sống truân chuyên của một kiếp hồng nhan. 25 tuổi, Trình sinh con gái mà không được đón nhận do cuộc tình đã bị gia đình nhà trai phản đối. Sinh con ngoài giá thú không được thừa nhận chẳng khác gì "bôi tro trát trấu" vào mặt gia đình.

Sau những ngày đau khổ tìm cách hàn gắn mối quan hệ với người yêu không được, Trình ôm con gái tha phương. Lang thang tìm việc ở Phú Thọ, Trình đã gặp Bùi Ngọc Quý, SN 1962, ở thôn Tân Lập, xã Hùng Đoan, huyện Đoan Hùng - người đàn ông đã có một đời vợ và 3 đứa con. Ông Quý vừa ly hôn 1 năm trước đó, nuôi 2 con một trai, một gái.

Đồng cảm với người đàn ông "gà trống nuôi con", năm 1993 khi con gái tròn 1 tuổi, Trình và ông Quý về chung sống với nhau như vợ chồng tại thôn Tân Lập mà không đăng ký kết hôn. Cuộc sống "rổ rá cạp lại" chỉ hạnh phúc trong thời gian ngắn ngủi.

"Khi lấy ông Quý, đứa con lớn của ông ấy mới hơn 5 tuổi, đứa bé lên 4, cuộc sống của chúng tôi vô cùng chật vật. Con nhỏ, nai lưng làm mà không đủ ăn, ông ấy thì đi suốt, rượu chè về là lại cằn nhằn. 4 năm sau tôi mới dám có con, tưởng rằng ông ấy tu tâm nhưng ngày càng sa vào rượu. Cũng bởi tại rượu mà bi kịch mới xảy đến" - Trình vuốt nước mắt kể.

Ông Quý là người nghiện rượu. Ông có thể uống rượu từ sáng đến tối. Rượu không chỉ vắt kiệt sức lực mà còn khiến ông ta suốt ngày, đánh đập, hành hạ vợ con. Ở Tân Lập chẳng ai còn lạ cảnh Trình phải chạy trốn khắp làng vì chồng đuổi đánh. Những trận đòn thừa sống thiếu chết đã biến người đàn bà đẹp trở thành nhu nhược, thụ động cho đòn roi giáng xuống.

Không tự giải thoát cho mình

Suốt cả câu chuyện với chúng tôi, Trình chỉ khóc bởi sự ân hận giày vò. Nỗi u uất thấu đến tâm can khiến chị ta mất ngủ là bởi lo lắng, ân hận khi lôi cả con trai vào tù về tội giết người. "Nếu tôi đủ dũng khí, đủ tỉnh táo mà chia tay với ông ấy thì hôm nay không có bi kịch xảy đến với cả hai mẹ con. Con trai tôi mới 19 tuổi thôi, nó có tội tình gì mà phải mang cái án giết bố. Nó còn trẻ quá, nó phải làm sao đây? Tôi rất nhớ nó, muốn được nhìn thấy nó, muốn động viên nó vượt qua cú sốc này, muốn xin lỗi nó…

Tất cả đều không làm được…"- Trình khóc tu tu như đứa trẻ. Có lẽ nước mắt sẽ giúp chị ta trút được một chút ân hận giày vò chăng? Đôi mắt thẫn thờ, vô hồn của chị ta nhìn xa xăm, từ trong đáy mắt tiếp tục tuôn rơi những giọt nước chắt từ tâm can.

Bùi Ngọc Chính trong trại tạm giam.

Cuộc sống địa ngục kéo dài những chuỗi ngày bi kịch trong hơn 10 năm qua khi Trình phải chịu đựng cơn say rượu và đánh đập của chồng. Mỗi khi rượu vào, ông Quý lại về nhà kiếm cớ đánh vợ. Trình rán trứng dưới bếp, ông Quý đổ nước vào chảo. Trình cầm bát cơm chưa kịp ăn, ông Quý hất thẳng mâm cơm ra sân. Ban đầu còn thụ động ngồi im cho chồng đánh, sau dần Trình đã biết bỏ chạy.

Hàng xóm chứng kiến nhiều lần ông Quý đuổi đánh Trình khắp làng. Đói quá thì xin cơm hàng xóm để ăn, đợi khi nào chồng tỉnh rượu mới dám về. Bị chồng đánh, đập phá đồ đạc nhiều đến mức trong nhà Trình không có một tài sản gì đáng giá. Có những cái Tết, đến bát đũa cũng không còn mà ăn. Mái nhà nghèo xơ xác khiến con trai chung giữa hai người là Bùi Ngọc Chính phải đi làm thuê ở Hà Nội từ khi còn nhỏ.

Ông Quý thỉnh thoảng có đi làm, xa nhất ở Lai Châu nhưng cũng chẳng có đồng nào mang về cho vợ con. "Rượu vào ông ấy như lên cơn hoang tưởng, đánh đập, chửi bới, vu cáo tôi đủ điều. Ông ấy hay gọi tôi là "con đàn bà động đực" và chửi rủa tôi suốt ngày với những lời lẽ đó. Nói thật, ra đường tôi chỉ có cắm mặt xuống mà đi vì xấu hổ chuyện gia đình. Hơn mười năm nay, cuộc sống của tôi đúng nghĩa là "cơm chan với nước mắt".

"Tại sao chị không báo với chính quyền địa phương để tìm cách can thiệp, giúp đỡ?"- tôi hỏi. "Báo nhiều lắm rồi nhưng không ai giải quyết được vì chúng tôi không đăng ký kết hôn, không phải là vợ chồng hợp pháp". "Sống với người chồng như vậy, sao chị không chia tay?". "Tôi nghĩ thương các con". "Chúng cũng lớn hết rồi, chị phải tìm cách bảo vệ mình chứ?". "Mấy ngày nay tôi ân hận lắm. Ở trong này tôi mới có thời gian suy nghĩ thấu đáo, giá mà tôi chia tay ông ấy vài năm trước, bi kịch hôm nay đã không xảy ra".

Theo đồng chí Nguyễn Thái Sơn, điều tra viên thụ lý vụ án thì Công an xã Hùng Đoan và Ban An ninh thôn đã nhiều lần đến giải quyết việc mâu thuẫn đánh cãi chửi nhau giữa vợ chồng ông Quý. Từ năm 2008 đến nay, ông Quý thường xuyên say rượu đánh chửi vợ con. Đỉnh điểm là ngày 8-2-2011, ông Quý đã đốt một góc bếp, đập phá bàn ghế, ấm chén. Công an viên đã đến lập biên bản yêu cầu ông Quý viết bản kiểm điểm.

Dù trong câu chuyện, đôi lúc tôi cũng thầm trách người phụ nữ này vì sao lại không đủ dũng khí để bảo vệ mình, luôn sống thụ động, nhu nhược trước hành động đánh đập của chồng. Nhưng tôi lại cảm thương chị ở chỗ, chị chỉ là người đàn bà quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ở góc ruộng, không biết thông tin để tìm đến nơi có thể bảo vệ mình như "Nhà tạm lánh" của Hội Phụ nữ và Phát triển Việt Nam. Và chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội đã không can thiệp một cách quyết liệt để bảo vệ quyền bình đẳng của người phụ nữ, và khi mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm thì hậu quả đau lòng đã xảy ra.

Án mạng và nỗi ân hận giày vò

Sáng 19-4-2016, ông Quý và Trình đã xảy ra cãi vã, vật lộn và được con trai là Bùi Ngọc Chính (mới từ Hà Nội về vài ngày) can ngăn. 17h, ông Quý đi mua rượu và đậu, về nhà thái thịt bò luộc từ sáng ngồi ăn mà không cho Trình ăn cùng. Thấy vợ ngồi ở mé hiên, rượu vào, ông Quý lại chửi: "Mày đi động đực, mày thèm động đực thì đi đi". Trình vào nhà bật đèn và đi ra hiên ngồi, ông Quý bê cả mâm thức ăn và bát đĩa ném về phía vợ nhưng không trúng.

Người phụ nữ này đã cầm thanh gỗ đập vào đầu chồng khi bắt gặp cảnh ông đang bóp cổ con trai.

Bị chồng đuổi đánh, Trình chạy sang nhà anh Tấn hàng xóm. Đến 20h, anh Tấn dọn cơm mời Trình ăn cùng. Vừa cầm được bát cơm thì ông Quý cầm gậy đuổi đến nói: "Con đàn bà nhà em nó đi động đực ở đây, đừng cho nó ăn cơm" Trình sợ quá cầm bát cơm chạy trốn ra sau nhà. Nửa tiếng sau, ông Quý lại sang nhà anh Tấn tìm Trình.

Lần này ông ta đẩy mạnh cổng nhà anh Tấn và bị anh Tấn quát, ông ta lại quay về. Đến 21h, Trình sốt ruột điện thoại cho con trai đang đi ăn cỗ ở nhà bạn về. Gặp con, Trình bảo: "Bố mày say rượu, về nhà xem ông ấy thế nào". Chính về nhà, thấy bố say rượu nằm ở hiên nên đã dìu ông vào giường nhưng ông Quý vùng dậy đòi đi tìm đánh vợ. Chính đã can ngăn bố không cho đi. Quá trình giằng co từ trong nhà ra sân khiến cả hai bị ngã trong tư thế nằm "úp thìa".

Chính nằm trong lòng bố, đầu ở tầm ngực ông Quý, hai tay ông Quý bóp vào cổ phía gáy Chính. Đúng lúc này Trình đi về, nhìn thấy thế đã lấy đoạn gỗ xoan ở đống củi trước sân vụt liên tiếp 3 nhát vào ông Quý làm ông bất tỉnh. Thấy máu ở đầu ông Quý chảy ra, Trình kêu lên: "Bố mày chết rồi". Chính liền giằng lấy cây gậy và nói: "Đã chết cho chết luôn" và vụt một nhát vào đầu ông Quý.

Sau khi gây án, Chính đến nhà dì ở cùng thôn kể lại sự việc. Vợ chồng người dì đã điện báo cơ quan Công an. Ngày 20-4, Công an tỉnh Phú Thọ đã ra lệnh bắt khẩn cấp hai mẹ con Trình về tội giết người. Ngày 26-4, cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam hai mẹ con.

Gặp Chính trong Trại tạm giam vào ngày 13-5, câu đầu tiên mà anh ta nói với chúng tôi là: "Cháu rất thương mẹ". Suy nghĩ quá nhiều sau những ngày vào đây khiến Chính rất kiệm lời. Anh ta chỉ nói: "Cháu ân hận lắm, lúc ấy cháu giận bố quá nên mất khôn. Cháu không ngờ hậu quả lại thế này". Cả Trình và con trai đều đang day dứt cho hành động bột phát của mình.

Trần Hằng - Xuân Mai
.
.
.