Bạo lực gia đình Tiếng kêu trong im lặng

Thứ Hai, 04/07/2016, 08:01
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.


Gia tăng những vụ án đau lòng

Nếu đến một cơ sở nhà tạm lánh ở bất cứ địa phương nào, một mô hình do những người thiện nguyện đóng góp để làm nơi tạm lánh cho những người bị đánh đập, bạo hành gia đình có thể đến, bạn sẽ được nghe rất nhiều câu chuyện đau lòng do các nạn nhân bị bạo hành gia đình kể lại. 

Có những câu chuyện làm chúng ta ám ảnh. Chúng ta không thể nào ngờ, gia đình, vốn là nơi ấm áp nhất, nơi nuôi dưỡng những tình cảm thương yêu nhất lại có lúc, có nơi lại trở thành tù ngục, thành nỗi đau và cả sự mất mát tột cùng của ai đó. 

Không hiếm những câu chuyện người vợ bị chồng đánh đập bạo hành đến thương tích, tàn tật, thậm chí là bị sát hại. Không hiếm những đứa trẻ bị tổn thương nặng nề tinh thần và thể xác từ chính những người cha, người mẹ của mình. Nỗi đau của các nạn nhân bị bạo hành gia đình cũng chính là nỗi đau chung của toàn xã hội.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình. 

Các nhà hoạt động xã hội cũng cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91,0%, gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%, gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%, gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%. 

Tòa án ở một số địa phương thống kê, số vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực gia đình hằng năm chiếm trên 60%. Ngoài ra, còn có những vụ án người trong cuộc không khai thật những chuyện bạo lực mà họ phải gánh chịu trong gia đình, mà chỉ nói chung chung "tính tình không hợp".

Thực tế cho thấy, những vụ án liên quan đến bạo lực gia đình những năm gần đây có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan điều tra, trên cả nước cứ khoảng 2-3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến bạo lực gia đình. Không hiếm những vụ án đau thắt lòng, khi chúng ta phải chứng kiến cảnh chồng truy sát vợ, con giết cha mẹ, rồi cha mẹ giết con, bạo hành con cái. 

Một số vụ án gần đây có thể kể ra như vụ chồng cắt gân chân tay vợ ở Bắc Giang gây phẫn nộ trong dư luận, vụ người cha vợ chém chết con rể vì anh này hỗn hào, hay say xỉn và thường xuyên bạo hành vợ con cũng như người thân ở Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh…

Luật phòng chống bạo hành gia đình đã được Quốc hội khóa 12 ban hành ngày 21/11/2007, theo đó rất nhiều biện pháp được thực thi để bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, đồng thời cũng đề ra trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên thực tế, nạn nhân của bạo hành gia đình vẫn chưa được bảo vệ, bằng chứng là ngày càng gia tăng các vụ việc liên quan đến bạo hành gia đình, thậm chí để lại những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. 

Chẳng hạn, tòa án có quyền phối hợp với các cơ quan chức năng đề ra biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình. Nhưng trong rất nhiều vụ việc, đặc biệt là các vụ xử ly hôn, không ít trường hợp người chồng không đồng ý ký đơn, dọa giết vợ, giết con ngay tại tòa nhưng tòa án cũng chỉ cho hoãn phiên xử mà không có biện pháp ngăn chặn nào. Nạn nhân của bạo lực gia đình cảm thấy bế tắc, không biết làm gì để tự bảo vệ mình.

Bạo lực gia đình chủ yếu xuất phát từ các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc người vợ mắc phải như nghiện rượu, cờ bạc, con cái hư hỏng, vi phạm pháp luật. Một khi tế bào gia đình đã bị các tệ nạn xã hội xâm nhập vào thì nhiều khả năng dẫn đến chuyện vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, nảy sinh mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và bạo hành gia đình là khó tránh khỏi.

Để phòng tránh bạo lực gia đình thì yếu tố đầu tiên, cốt lõi là mỗi người phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về pháp luật, về quyền cá nhân. Bất bình đẳng giới cũng là một nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình. Theo đó, người chồng tự cho mình quyền được dạy vợ dạy con bằng bạo lực. Tư tưởng trọng nam khinh nữ còn ăn sâu trong các gia đình khiến cho phụ nữ và trẻ em gái có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo hành. 

Thiết nghĩ, việc xây dựng thiết chế gia đình bền vững cần phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, thông qua đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền đến giáo dục. Một số chuyên gia đề nghị, trong các phong trào xã hội, phòng chống bạo lực gia đình cần đưa người đàn ông làm hạt nhân cốt cán. Họ hiểu rằng mình là đàn ông mình chống bạo lực gia đình, bảo vệ các thành viên khác trong gia đình thì công tác phòng chống bạo lực gia đình sẽ hiệu quả.

Phương Phương


Bà Nguyễn Thu Thúy, Điều phối viên mạng lưới phòng chống bạo lực giới Việt Nam - GBVNet: Tăng cường biện pháp bảo vệ nạn nhân

- Hiện nay vấn đề bạo lực gia đình đang rất nhức nhối, có thể nói là vấn nạn ở Việt Nam, bà đánh giá về thực trạng này như thế nào?

+ Bạo lực gia đình đối quả thật đang là một vấn đề đáng lo ngại ở nước ta. Theo Điều tra Gia đình Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện năm 2006 (Bộ VHTTDL, TCTK và UNICEF, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2008) đã chỉ ra rằng 21,2% cặp vợ chồng đã từng xẩy ra ít nhất một loại bạo lực gia đình trong vòng 12 tháng trước điều tra bao gồm bạo lực ngôn từ, bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác hoặc tình dục. Đến năm 2010, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình cũng cho thấy có đến 58% phụ nữ Việt Nam đã từng trải qua một trong ba hình thức bạo lực trong cuộc đời. Đó là một con số biết nói đấy chứ?

Cần nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa để phòng chống bạo lực gia đình.

- Theo bà, ở Việt Nam hành vi bạo lực gia đình nào là phổ biến nhất?

+ Hành vi bạo lực gia đình ở Việt Nam nhiều khi rất khó nhận biết. Phổ biến nhất vẫn là hành vi bạo lực do người chồng gây ra. Đầu tiên là bạo lực thể xác. Phụ nữ thường phải hứng chịu cùng một lúc nhiều hành vi bạo lực thể xác. 

Ví dụ, người chồng có thể bắt đầu bằng việc tát vợ và khi hai vợ chồng bắt đầu cãi cọ, người chồng sử dụng thêm các hành vi nguy hiểm khác như đấm, ném vật dụng vào người, kéo tóc, ấn đầu, bóp cổ và xé quần. Bất cứ thứ gì cũng có thể được sử dụng như là "vũ khí" để gây thương tích về thể xác cho người vợ, đặc biệt là vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Các hành vi bạo lực thể xác cũng gây ra những tổn thương về mặt tinh thần đối với phụ nữ. 

Hành vi bạo lực tình dục thì khó nhận biết hơn. Hành vi bạo lực tình dục là khi người phụ nữ bị ép buộc quan hệ tình dục ngoài ý muốn; phải quan hệ tình dục vì sợ rằng có điều xấu xảy ra và bị ép làm những việc có liên quan tới tình dục mà họ cảm thấy bị nhục nhã hoặc hạ thấp nhân phẩm. 

Bạo lực tinh thần là loại hành vi không kém phần nghiêm trọng so với bạo lực tình dục hay thể xác. Ví dụ của các hành vi bạo lực tinh thần như là bị sỉ nhục, lăng mạ hoặc làm cho cảm thấy tồi tệ, coi thường hoặc làm bẽ mặt trước mặt những người khác; bị đe doạ hoặc dọa nạt bằng bất cứ cách nào (như quắc mắt, quát mắng hay đập phá đồ đạc); bị hăm dọa đánh đập hoặc đánh đập người yêu quý); dọa đuổi ra khỏi nhà vì bất cứ lý do gì. 

Thế  nhưng nhiều phụ nữ lại không chịu nhận đó là hành vi bạo lực tinh thần, mà đơn giản chỉ là một phần của mối quan hệ và là biểu hiện của sự "nóng tính". Hoặc nhiều phụ nữ không nhận diện ra hành vi kiểm soát của chồng cũng là một loại bạo lực gia đình. Ví dụ, người chồng cố tình hạn chế hoặc kiểm soát người vợ liên lạc với bạn bè và gia đình, luôn đòi hỏi phải được biết vợ đang ở đâu, tức giận khi nhìn thấy vợ nói chuyện với người đàn ông khác…

Bạo lực về kinh tế là việc kiểm soát chi tiêu để người vợ phải phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính. Ví dụ các hành vi cụ thể là người chồng không góp tiền để nuôi con cái và duy trì gia đình và thậm chí còn đòi vợ đưa tiền cho anh ta và nếu như trong trường hợp không có tiền để đưa, anh ta sẽ gây bạo lực thể xác. 

Cũng có những trường hợp người chồng kiểm soát tất cả các nguồn lực và cấm vợ không được tiếp cận những nguồn lực đó hoặc chồng bắt vợ phải làm việc quá sức. Nhiều người bị bạo lực bị ép phải làm việc quá sức. Họ phải hoàn thành công việc đồng áng hoặc đi làm thuê bên ngoài và cùng lúc họ phải hoàn thành tất cả việc nhà trong khi ông chồng giám sát vợ từng ly từng tí, cố tìm ra lý do để có cớ gây bạo lực tinh thần hoặc thể xác.

- Tuy nhiên nhiều người cho rằng, bạo lực gia đình còn có cả trường hợp do người ụ nữ gâyph ra?

+ Đúng nhưng không phải là số nhiều. Nhiều trường hợp người phụ nữ khởi xướng cho việc bạo lực đối với chồng, hay sử dụng "lệnh cấm quan hệ tình dục" đối với chồng như là một cách để phạt hoặc trả đũa cho hành vi của người chồng, nhưng họ lại không coi đó là hành vi bạo lực.

- Trên thực tế còn nhiều trường hợp người phụ nữ bị bạo lực từ những người không phải là chồng mà nghiêm trọng nhất là bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 đúng không thưa bà?

 + Bạo lực gia đình với người phụ nữ còn đến từ chính những người thân trong gia đình kể từ tuổi 15 như anh, chị, em, cô dì, chú bác… Nhiều người phụ nữ còn bị bạo lực tình dục bởi người lạ mặt và từ chính bạn trai của mình. Điều bức xúc nhất hiện nay là có khá nhiều vụ việc người phụ nữ bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 do cả người lạ và người thân, quen trong gia đình

- Vậy còn bạo lực gia đình với trẻ em thì sao thưa bà?

+ Với trẻ dưới 15 tuổi thì hành vi bạo lực đến từ chính người cha của chúng như đe dọa, đánh đập, xô đẩy, bóp cổ hoặc hăm dọa sử dụng vũ khí, cho tới đụng chạm vào người mang ẩn ý dâm ô. Trong một gia đình, nếu người phụ nữ bị chồng gây bạo lực thì đứa trẻ cũng có nguy cơ bị bạo lực gia đình nhiều hơn, nhưng đôi khi cha mẹ chúng lại không hề ý thức được điều đó. 

Tương tự một người phụ nữ bị bạo lực do chồng gây ra có khả năng có mẹ đẻ bị bạo lực cao gấp hai lần và có khả năng có mẹ chồng bị bạo lực hoặc bản thân chồng bị bạo lực khi còn nhỏ cao gấp ba lần so với những phụ nữ không bị bạo lực. Đối với những phụ nữ bị bạo lực thể xác nghiêm trọng, mối quan hệ này càng rõ nét hơn. Khả năng họ có chồng đã từng chứng kiến bạo lực hoặc bị bạo lực khi còn nhỏ cao gấp 4 lần so với những phụ nữ không bị bạo lực.

- Hậu quả do bạo lực gia đình gây ra nghiêm trọng như thế nào thưa bà?

+ Bạo lực gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, thể xác, sức khỏe của người phụ nữ. Có người vì không tìm được lối thoát đã tự kết liễu đời mình để thoát khỏi bạo lực, kéo theo cái chết thương tâm của những đứa trẻ vô tội. Những đứa trẻ sinh ra trong một gia đình mà cha thường xuyên bạo hành, đánh đập mẹ sẽ chịu những tác động tiêu cực như buồn bã, sống khép mình, thiếu động cơ học tập, sức khỏe cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Thậm chí, mối lo ngại là "bạo lực có tính tiếp nối", tức là con trai họ có thể bắt chước những hành vi bạo lực của người bố. Hiện nay có rất nhiều vụ án thương tâm xảy ra như chồng, vợ giết con, bố vợ giết con rể, đó là hậu quả nặng nề của bạo lực gia đình. Bố vợ giết con rể chỉ vì con gái ông thường xuyên bị đánh đập một cách tàn bạo, dã man. Vợ giết con rồi tự tử chỉ vì chồng bạo hành,…

- Dù đã có Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nhưng tại sao tình trạng này vẫn phổ biến?

+ Theo nghiên cứu quốc gia về BLGĐ năm 2010, khi bị bạo lực, hơn 50% phụ nữ bị bạo lực giấu kín, không kể với bất cứ ai, nếu có chỉ là những người thân trong gia đình vì mọi người đang suy nghĩ là  "Xấu chàng hổ ai". Điều này đặc biệt đúng ở những tình huống bạo lực được coi là đáng xấu hổ, nhạy cảm đối với cả phụ nữ và nam giới, ví dụ như bạo lực tình dục, bạo lực tinh thần và bạo lực kinh tế. Phụ nữ cũng không muốn nói khi họ bị bạo lực kinh tế và bạo lực tinh thần vì những hình thức bạo lực này mâu thuẫn với những giá trị và hình ảnh truyền thống về nam tính quy định rằng nam giới phải thoáng, hào phóng và rộng lượng. Họ quan niệm rằng đó là việc "bình thường và không nghiêm trọng" đối với họ.

Cũng có người phụ nữ đi kể và nhờ người thân, anh em, họ hàng giúp đỡ nhưng sự can thiệp của bố mẹ chồng, các thành viên khác trong gia đình và hàng xóm thường không mấy hiệu quả. Ở Việt Nam, việc chấp nhận quan niệm cho rằng bạo lực gia đình là một vấn đề riêng tư chính là lý do để người ngoài không can thiệp vào. Nhiều người không chịu được từng bỏ nhà ra đi, nhưng vì con cái họ lại quay trở về và chấp nhận cuộc sống bị bạo hành. 

Một số ít người bị bạo hành nghiêm trọng mới tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc xử lý và can thiệp của chính quyền tại các địa phương cũng chưa hiệu quả, không hỗ trợ cho phụ nữ mà thậm chí còn đổ lỗi cho họ, mang nặng định kiến giới, giải quyết vụ việc theo quan điểm cá nhân mà không áp dụng các chế tài pháp luật khi tiến hành can thiệp, hoà giải, thiếu các kỹ năng và kiến thức khi xử lý vụ việc.

Điều này khiến cho người bị bạo lực không tin tưởng vào hệ thống trợ giúp tại địa phương, lại tự tìm con đường của mình và loay hoay giải quyết. Việc người gây bạo lực khi không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, họ dường như đang có môi trường "nuôi dưỡng" để tiếp tục các hành vi bạo lực của mình.

- Để phòng chống bạo lực gia đình chúng ta cần có những biện pháp gì thưa bà?

+ Thứ nhất là phải tăng cường các khung pháp lý và chính sách quốc gia. 

Thứ 2 là thiết lập, thực hiện và theo dõi để đảm bảo "gói giải pháp toàn diện tối thiểu" liên quan đến phòng, xử trí, bảo vệ và các dịch vụ hỗ trợ về bạo lực trên cơ sở giới sẵn có, dễ tiếp cận và phù hợp với điều kiện kinh tế của mọi người dân Việt Nam. 

Thứ 3 là xây dựng những hành động đáp ứng phù hợp đối với hiện trạng bạo lực dựa trên cơ sở giới như xây dựng chiến lược đáp ứng toàn diện của ngành y tế để đối phó với các tác động của bạo lực đối với phụ nữ. 

Thứ 4 là hỗ trợ nghiên cứu, thu thập số liệu và hợp tác đa ngành, xây dựng một cơ sở dữ liệu nhằm giải quyết vấn đề bạo lực dựa trên cơ sở giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam; tăng cường và (hoặc) thiết lập một hệ thống thu thập thông tin và một khung lập kế hoạch, theo dõi và đánh giá

- Xin chân thành cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!

Ngọc Trâm

 

Khuyến khích phụ nữ lên tiếng

Nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình phần lớn là phụ nữ và trẻ em, nhưng thường là người phụ nữ âm thầm chịu đựng, ít khi dám lên tiếng. Có rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, chỉ vì người phụ nữ sợ dư luận, sợ "xấu chàng hổ ai", sợ "vạch áo cho người xem lưng" mà chấp nhận một cuộc sống địa ngục, gánh chịu những thương tổn nặng nề. 

Bên cạnh việc các cơ quan chức năng chưa có nhiều biện pháp ngăn chặn bạo lực gia đình hiệu quả thì sự im lặng của người phụ nữ cũng là một nguyên nhân đẩy các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình trở nên tồi tệ hơn. Nếu người phụ nữ dám dũng cảm lên tiếng ngay khi gia đình có những biểu hiện liên quan đến bạo lực, và tìm đến những giải pháp hỗ trợ tích cực từ phía người thân hay chính quyền đoàn thể thì các vụ việc có thể được dập tắt từ khi mới manh nha. 

Trong một nhà tạm lánh, nạn nhân của một vụ bạo hành gia đình kể với phóng viên, chị đã bị chồng đánh ngay từ khi mới về nhà chồng mấy ngày. Vì nghĩ nói ra chỉ làm cha mẹ đẻ buồn lòng, chúng bạn cười chê khinh rẻ, chị âm thầm nhẫn nhịn chịu đựng. Người chồng đánh vợ được một lần thì lần sau, bất cứ điều gì không ưng ý với vợ, anh ta đều thượng cẳng chân, hạ cẳng tay ngay. Con cái lớn lên, chúng thấy việc mẹ bị bố đánh hàng ngày là hết sức bình thường. 

Chị vợ quanh năm lo lắng làm ăn nuôi con, thậm chí bị chồng đánh thì chấp nhận, khiến cho người chồng càng ngày càng tha hóa. Anh ta cảm thấy mình quyền lực, đánh được vợ thì đánh con cũng là bình thường. Chuyện đấm đá vợ con càng ngày càng tăng mức lên, cho đến lúc người vợ không chịu đựng được đòn roi của chồng phải bỏ nhà chạy đến nơi tạm lánh. 

Tại đây, các chuyên gia cắt nghĩa, chính sự im lặng của người vợ vô hình trung đã làm thỏa mãn bản tính bạo lực hung hăng của người chồng và khiến cho "căn bệnh" của anh ta càng ngày càng phình to ra. Hệ quả là ngýời vợ phải chịu những trận ðòn ngày càng độc địa, thậm chí dã man hơn.

Người phụ nữ bị chồng cắt gân tay, gân chân trong vụ án rung động dư luận ở Bắc Giang.

Như vậy, hơn ai hết, mỗi người phụ nữ phải nhận thức rõ về quyền của mình. Không một ai, kể cả vợ hay chồng, hay cha mẹ được quyền xâm phạm thân thể của mình. Người phụ nữ cần phải nâng cao hiểu biết và khéo léo tìm cách tiêu diệt mầm mống bạo lực gia đình bằng cách lên tiếng trước dư luận, tìm gặp luật sư, hay đơn giản là nhờ chính quyền cơ sở can thiệp khi bị bạo lực. 

Xã hội cần có một cái nhìn cởi mở, cảm thông hơn với người phụ nữ, cũng như sẵn sàng khuyến khích họ lên tiếng, bảo vệ họ bằng dư luận và các biện pháp thiết thực khác, để họ cảm thấy mình được an tâm, bình đẳng, không lo lắng, sợ hãi. Cần có đường dây nóng hoạt động hiệu quả, tích cực để mỗi phụ nữ từ nông thôn đến thành thị khi bị bạo hành gia đình có thể gọi đến và được hỗ trợ ngay lập tức. 

Chúng ta đừng trông chờ quá nhiều vào các hoạt động hòa giải chung chung hay những buổi sinh hoạt đoàn thể lấy yếu tố phong trào làm chính. Vấn đề là giải pháp cần mạnh mẽ, thiết thực hiệu quả ngay lập tức, có thể ngăn chặn nhanh hậu quả của bạo lực gia đình trong những khoảnh khắc cam go. 

Chẳng hạn, hành vi bạo lực gia đình thường xảy ra trong những thời điểm như đêm khuya, thì người phụ nữ nếu gặp nguy hiểm như bị đánh đập họ gọi đường dây nóng và phải có lực lượng chức năng đến nhanh, kịp thời. Chỉ khi nào người phụ nữ cảm thấy họ có thể được an toàn trong phút chốc, được bảo vệ ngay thì họ mới dũng cảm lên tiếng, còn không, vì bản năng phái yếu, họ sẽ chịu đựng một cách yếm thế thì câu chuyện bạo lực gia đình sẽ khó mà được giải quyết.

Hải Hà

PV
.
.
.