Xây dựng Thủ đô là thành phố đáng sống

Thứ Sáu, 29/09/2023, 13:30

Đó là mục tiêu được hầu hết các đại biểu tham dự nhắc đến tại Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra ngày 29/9. Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức.

Với sự góp mặt của 350 đại biểu, hội thảo còn có sự tham gia của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 đại học, trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết, Hội thảo khoa học “Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” có ý nghĩa quan trọng nhằm góp phần đưa ra những luận cứ khoa học, những ý kiến đóng góp để xây dựng quy hoạch Thủ đô. 

Cũng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, trong năm 2022-2023, cùng với việc ban hành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện, thành phố Hà Nội đang triển khai rất nhiều công việc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng Thủ đô là thành phố đáng sống -0
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội thảo.

Đến nay, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, cơ quan được thành phố giao lập quy hoạch Thủ đô đã phối hợp với Liên danh tư vấn nghiên cứu (7 liên danh) hoàn thành dự thảo 1 quy hoạch, chuẩn bị thực hiện các bước xin ý kiến đối với quy hoạch theo quy định. Trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học. Hội thảo hôm nay được tổ chức cũng nằm trong chuỗi hội thảo này.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải thông tin, Thủ đô Hà Nội có một đặc thù vô cùng thuận lợi mà không địa phương nào trên cả nước có được, đó là nơi đặt trụ sở của gần 100 trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn, trong đó có nhiều trường đại học lớn, có bề dày truyền thống phát triển, với hàng nghìn giảng viên, nhà khoa học, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, trong đó, số lượng giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học chiếm khoảng 65% cả nước. Vì thế, việc tổ chức được buổi hội thảo hôm nay cũng chính là phát huy, huy động nguồn lực trí tuệ, chất xám to lớn trên địa bàn Thủ đô cho công tác quy hoạch Thủ đô nói riêng và xây dựng phát triển Thủ đô nói chung.

Theo thống kê, Ban tổ chức đã nhận được hơn 60 bài viết với nội dung đa dạng, phong phú, các bài viết có chất lượng rất cao với hai tuyến bài chính. Đó là tập trung làm rõ hơn, phát triển thêm những nội dung được đề cập trong Đề cương định hướng Thủ đô. Trong đó, nhiều bài đi sâu vào góp ý, cụ thể hóa hơn về triết lý phát triển, về nội hàm của “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, những tư tưởng chỉ đạo chủ yếu, định hướng lớn trong Đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô... Cùng với đó là phân tích, đánh giá thực trạng và đề xuất các định hướng quy hoạch đối với các ngành, lĩnh vực của Thủ đô.

Xây dựng Thủ đô là thành phố đáng sống -0
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 11 ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, như: “Một số nội dung chủ yếu của quy hoạch Thủ đô Hà Nội” của GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; “Phát triển cải tạo và tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội” của PGS.TS.KTS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; “Phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối của thành phố Hà Nội để phát triển vùng Thủ đô hiện đại và bền vững” của PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương; “Một số ý kiến góp ý đối với đề cương định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp.

Các tham luận, thảo luận tại hội thảo đã đóng góp làm rõ yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô Hà Nội; đặc biệt là các đặc thù về văn hóa, lịch sử, về địa lý, tự nhiên, môi trường, khí hậu, nguồn nhân lực… để xác định được những tiềm năng, lợi thế riêng có của Hà Nội, đồng thời làm rõ những điểm không thuận lợi trong phát triển Thủ đô; đánh giá được bức tranh hiện trạng, thực trạng Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là so sánh với các Thủ đô, thành phố trên thế giới. Trong đó, xác định được những điểm nghẽn làm hạn chế sự phát triển của Thủ đô...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, việc xác định được chính xác những điểm nghẽn của Hà Nội và nguyên nhân sẽ góp phần đưa ra được những ý tưởng đột phá, những giải pháp cụ thể để Hà Nội có thể bứt phá, phát triển theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đồng thời, tiếp tục gợi ý định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là thành phố đáng sống.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự đóng góp nhiệt tình của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ quan trung ương, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, hội thảo sẽ thu được nhiều kết quả tốt, cụ thể hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Thủ đô thông minh, xanh thanh bình và thịnh vượng, người dân hạnh phúc, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội trong tương lai”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Huyền-Yến
.
.
.