Tuyển sinh đại học năm 2023: Thí sinh không cần đăng ký phương thức xét tuyển

Thứ Sáu, 10/03/2023, 08:20

Một trong những điểm mới đáng lưu ý trong tuyển sinh đại học năm 2023 là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến điều chỉnh theo hướng đơn giản hoá thủ tục đăng ký cho thí sinh. Theo đó, năm nay thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm 2022.

Đây được xem như giải pháp giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn không đáng có cho thí sinh. Bên cạnh đó, năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên nhằm tạo công bằng cho thí sinh giữa các vùng miền.

1.jpg -0
Năm 2023, thí sinh có 20 ngày để điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Ảnh minh họa.

Đơn giản thủ tục đăng ký, tránh nhầm lẫn cho thí sinh

Tại Hội nghị tuyển sinh đại học năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết: Ở mùa tuyển sinh năm trước, một số thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển. Nhiều em gặp khó khăn trong truy nhập Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để nộp lệ phí. Đối với phương thức xét tuyển sớm, thí sinh phải đăng ký thông tin lên cả hai hệ thống gồm: Hệ thống của cơ sở đào tạo, nơi thí sinh đăng ký xét tuyển và Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Bên cạnh đó, trong năm 2022, thí sinh phải đăng ký ngành, trường đại học và kèm theo mã phương thức xét tuyển tương ứng. Trong số 20 phương thức tuyển sinh, một số có tên gần giống nhau, khiến nhiều thí sinh nhầm lẫn. Từ thực trạng trên, để giảm thiểu những sai sót, nhầm lẫn không đáng có, trong năm 2023, Bộ GD&ĐT dự kiến điều chỉnh theo hướng, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký phương thức xét tuyển như năm trước. Sự thay đổi này nhằm đơn giản hóa việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho thí sinh và hạn chế thấp nhất những nhầm lẫn có thể xảy ra.

Viện dẫn cách thức đăng ký xét tuyển nguyện vọng dự kiến được điều chỉnh năm nay, chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho biết, chẳng hạn thí sinh A muốn đăng ký xét tuyển vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học B, ngành này có 4 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức tương ứng với một số mã tổ hợp. Nếu như năm 2022, thí sinh A có đủ điều kiện tham gia xét tuyển 3/4 phương thức của Trường B thì phải đăng ký thành 3 nguyện vọng. Mỗi nguyện vọng tương ứng với 1 mã phương thức, 1 mã tổ hợp. Tuy nhiên, nếu theo dự kiến điều chỉnh nêu trên thì năm nay thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin; kèm theo đó là cung cấp đầy đủ dữ liệu liên quan đến điểm, chứng chỉ ngoại ngữ (nếu có), kết quả kỳ thi riêng (nếu có) lên hệ thống. Sau đó, phần mềm sẽ tự sắp xếp nguyện vọng cho thí sinh để có cơ hội trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin cao nhất. Như vậy, thí sinh chỉ cần đăng ký mã ngành, mã trường, tên trường mà không phải đăng ký tổ hợp xét tuyển, mã phương thức xét tuyển.

Rút ngắn thời gian xét tuyển, thay đổi cách tính điểm ưu tiên

Năm 2023 do kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào tháng 6, sớm hơn so với các năm trước nên lịch xét tuyển đại học cũng được Bộ GD&ĐT đẩy lên sớm hơn nhằm tạo điều kiện cho các trường đại học có thể kết thúc tuyển sinh đợt 1 sớm và tổ chức khai giảng vào đầu tháng 9. Bên cạnh đó, thời gian để thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cũng được rút ngắn chỉ còn 20 ngày thay vì 1 tháng như năm 2022. Theo đó, từ ngày 5/7 đến ngày 25/7, thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền, trong mùa tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT cũng sẽ thay đổi cách tính điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học. Cụ thể, năm nay, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp và một năm kế tiếp.

Ngoài ra, với những em đạt điểm khá, giỏi, khi cộng điểm ưu tiên, điểm sẽ giảm dần. Theo đó, mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0). Công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. Với công thức trên, 1 học sinh khu vực 1 thi đạt 22,5 trở xuống thì được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng cũng thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3; nếu đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. Hiện nay, mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 0,75; khu vực 2-nông thôn là 0,5; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.

Hùng Quân
.
.
.