Trò chuyện Chủ nhật

Không lấy điểm số làm mục tiêu cuối cùng của giáo dục

Chủ Nhật, 28/08/2022, 08:26

Cần phải làm gì để tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức cả trong ngắn và dài hạn để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt các áp lực cho người học và xã hội? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Phát triển tiềm năng con người, xung quanh vấn đề này.      

Chỉ còn ít ngày nữa, học sinh trên cả nước sẽ chính thức bước vào năm học mới 2022-2023. Sau 2 năm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, năm 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Bên cạnh những thuận lợi thì toàn ngành cũng đang đối mặt với rất nhiều bộn bề, khó khăn, bao gồm cả những vấn đề mới phát sinh và cả những tồn tại vốn được tích tụ từ nhiều năm trước.

Cần phải làm gì để tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức cả trong ngắn và dài hạn để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm bớt các áp lực cho người học và xã hội? PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Phát triển tiềm năng con người, xung quanh vấn đề này.  

Không lấy điểm số làm mục tiêu cuối cùng của giáo dục -0
PGS.TS, NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Phát triển tiềm năng con người.

PV: Theo ông, đâu là những thách thức mà ngành Giáo dục sẽ phải đối mặt trong năm học mới 2022-2023?

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Một trong những thách thức mà ngành Giáo dục phải đối mặt trong năm học mới là dịch bệnh. Trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa kết thúc thì lại xuất hiện thêm các loại dịch bệnh mới tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân và học sinh các cấp. Bên cạnh đó, từ cấp học mầm non đến phổ thông, số trẻ em có nhu cầu đi học khá đông, trong khi đó cơ sở vật chất nhà trường chưa đáp ứng được nên một số nơi khá lúng túng trong tuyển sinh, bố trí chỗ học cho học sinh, nhất là bậc mầm non, tiểu học. Không nói đâu xa, ngay tại Hà Nội vẫn còn xảy ra tình trạng phụ huynh phải bốc thăm để giành suất vào trường mầm non công lập. Dù rằng, đây chỉ là hiện tượng cá biệt song nó cũng cho thấy có sự quá tải trường lớp do áp lực gia tăng dân số cơ học tại một số thành phố lớn, nhất là nơi tập trung đông dân cư như khu đô thị mới, khu công nghiệp.

Kế tiếp là hệ thống giáo dục ngoài công lập, nhất là bậc mầm non do nghỉ học kéo dài vì dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều cơ sở phải đóng cửa, giải thể. Khi mở cửa hoạt động trở lại thì lại phải đối mặt với tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên do trong thời gian nghỉ học vì dịch bệnh nhiều giáo viên đã tìm công việc khác và không quay lại. Ngoài ra, vấn đề SGK tăng giá, học phí các cấp tăng mạnh, nhất là học phí đại học cũng gây áp lực lên người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh nghèo, gia đình có điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Đây chính là những vấn đề nổi cộm trước thềm năm học mới đòi hỏi ngành Giáo dục phải từng bước có giải pháp để tháo gỡ, khắc phục.

PV: Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 3, 7 và lớp 10. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương vẫn đang loay hoay với bài toán thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên các môn học mới như Tin học, Ngoại ngữ và Nghệ thuật. Theo ông, ngành Giáo dục cần khắc phục tình trạng này như thế nào để không ảnh hưởng đến chất lượng triển khai chương trình?

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Do đây là năm đầu tiên triển khai chương trình mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 nên một số môn học mới có tình trạng thiếu giáo viên. Để “chữa cháy”, dựa trên chương trình khung của môn học và SGK, các địa phương có thể tạm thời mời các thầy cô giáo tại các trường khác dạy luân chuyển, tận dụng người có chuyên môn ngành văn hoá, nghệ thuật hỗ trợ nhằm đáp ứng đủ số lượng môn học, tiết học.

Tuy nhiên, về lâu dài, ngành giáo dục cần có kế hoạch dài hơi hơn trong việc đào tạo giáo viên căn cứ vào nhu cầu thực tế tại các địa phương để đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy, nếu không có đội ngũ giáo viên đảm bảo chất lượng, việc triển khai chương trình GDPT mới sẽ khó có thể đạt được mục tiêu như kỳ vọng.

PV: Bên cạnh tình trạng thiếu giáo viên, sự quá tải về trường lớp, nhất là ở các khu đô thị, khu công nghiệp cũng đang gây áp lực đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong triển khai chương trình GDPT mới. Theo ông,“nút thắt” quá tải trường lớp cần được gỡ như thế nào?

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Sự phát triển nóng của các khu đô thị mới, khu công nghiệp với sự gia tăng đột biến dân số cơ học chính là nguyên dân gây quá tải trường lớp ở các thành phố lớn. Để tháo gỡ, khắc phục tình trạng này, các địa phương cần nghiêm túc, quyết liệt trong xây dựng quy hoạch. Trong đó, đối với các khu đô thị mới, khu công nghiệp bắt buộc phải có quỹ đất để xây trường; tránh tình trạng như hiện nay là nhiều khu đô thị, khu công nghiệp “quên” xây trường học. Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi đối với hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc tiếp cận với quỹ đất, mặt bằng để các cơ sở này có thể “chia lửa” với giáo dục công lập trong việc tiếp nhận học sinh, góp phần hạn chế tình trạng quá tải trường lớp, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.

PV: Thế còn các “nút thắt” về giá sách giáo khoa và học phí, cần những giải pháp  gì để hạ giá thành SGK và giảm bớt gánh nặng học phí cho người học, đặc biệt là nhóm đối tượng học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thưa ông?

PGS.TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Với câu chuyện SGK, có lẽ Nhà nước cần phải coi đó là hàng hoá đặc biệt vì nó là sản phẩm thiết yếu, cần thiết với tất cả mọi gia đình, từ đó, có cơ chế quản lý giá SGK phù hợp. Thay vì xã hội hoá tất cả các khâu trong biên soạn, in ấn và phát hành SGK như hiện nay, Nhà nước có thể bảo trợ, hỗ trợ một số khâu để hạ giá thành SGK xuống, ví dụ ưu đãi về giá giấy in chẳng hạn.

Ngoài ra, cũng cần phải có một nguồn kinh phí để cung ứng SGK cho các thư viện trường học nhằm hỗ trợ học sinh khó khăn, tạo bình đẳng trong giáo dục. Đối với câu chuyện tăng học học phí, dù rằng, so với thế giới, học phí đại học tại Việt Nam chưa cao nhưng mức sống của người dân còn thấp nên khi tăng học phí, các trường đại học cũng cần tính đến sức chịu đựng của người dân ở mức nào.

Bên cạnh đó, cũng không thể vì các trường tự chủ mà “cắt” hết nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước đối với giáo dục đại học. Học phí dù được các trường điều chỉnh tăng theo lộ trình, theo Nghị định của Chính phủ nhưng cũng cần có sự kiểm soát, phải đảm bảo không vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng của giáo dục, để mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học.

PV: Nhiều năm qua, ngành Giáo dục vẫn loay hoay với đổi mới thi, đổi mới tuyển sinh. Theo ông, việc thi cử, tuyển sinh trong thời gian tới cần được tổ chức như thế nào để giảm tải những áp lực không cần thiết cho người học và xã hội mà vẫn đảm bảo mục tiêu chất lượng?

PGS.TS. NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Nếu so với các nước có nền giáo dục tiên tiến, việc thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học của chúng ta hiện nay vẫn còn khá nặng nề. Do vậy, việc đổi mới thi, đổi mới tuyển sinh cần hướng đến mục tiêu giảm bớt áp lực không cần thiết cho người học và xã hội.

Chẳng hạn như với kỳ thi tốt nghiệp, có thể tách thi ra khỏi tuyển sinh, thi nhiều đợt trong năm và có thể tuyển sinh vào một thời gian nhất định, cùng với đó, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học đo lường, đánh giá, giúp việc làm bài thi diễn ra trên máy tính thay vì trên giấy như hiện nay. Với tuyển sinh đại học, có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến, thường nhẹ nhàng hơn. Ví dụ, một số nước, học sinh tốt nghiệp THPT chỉ cần ghi danh là có thể vào học theo hướng “mở” đầu vào nhưng quản lý rất chặt, siết mạnh đầu ra bởi suy cho cùng đầu ra mới là sản phẩm cuối cùng của giáo dục.

PV: “Học thật, thi thật để có nhân tài thật” là từ khóa, cũng là bài toán mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho ngành Giáo dục. Ông nghĩ sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi nào việc học đi vào thực chất, ngành Giáo dục và xã hội nói không với "bệnh thành tích", học đi đôi với hành thì mới có thể tạo ra “nhân tài thật”?

Không lấy điểm số làm mục tiêu cuối cùng của giáo dục -0
Cần tháo gỡ “nút thắt” về quá tải trường, lớp ở các thành phố lớn. Ảnh minh họa: CTV

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Theo tôi, để “học thật, thi thật, nhân tài thật” thì cần phải có sự chuyển động mạnh trong tư duy và hành động của ngành Giáo dục nói riêng, toàn xã hội nói chung. Muốn như thế, đầu tiên phải thay đổi cách đánh giá học sinh, đánh giá giáo viên và cơ sở giáo dục. Ở phạm vi trường học, cần trao quyền tự chủ đánh giá cho các giáo viên bởi giáo viên là người hiểu học sinh của mình nhất, học sinh học được thế nào thì đánh giá thế ấy. Giáo viên vui với sự tiến bộ của học sinh từng ngày và không lấy điểm số làm mục tiêu cuối cùng của giáo dục. Chú trọng yếu tố dân chủ hoá trong môi trường giáo dục nói chung, trong nhà trường nói riêng. Trong đó, cần trao cho giáo viên, cơ sở giáo dục quyền tự chủ về quản trị, nội dung, phương pháp. Các cơ quan quản lý giáo dục nên chuyển đổi từ kiểm tra, giám sát, xử lý sang thành tư vấn, hỗ trợ, đồng hành với nhà trường, giáo viên.

Bên cạnh đó, các khâu tuyển dụng, tuyển sinh cần minh bạch, công khai và hợp lý, tức là có cơ chế tuyển dụng, đãi ngộ dựa trên năng lực và thành tích công việc thực tiễn chứ không phải chỉ dựa vào bằng cấp. Ngoài ra cần có cơ chế cạnh tranh công bằng, minh bạch, hợp lý để tuyển được người thích hợp nhất, người có năng lực nhất trong số những người dự thi vào vị trí công việc đó. Khi các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức đánh giá như vậy, người học sẽ thấy “học thật” là quan trọng và đó cũng là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp và khẳng định mình.

PV: Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục cần làm gì để giải quyết các thách thức, những “điểm nghẽn” và các vấn đề cấp bách hiện nay, thưa ông?

PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, có rất nhiều vấn đề vốn được xem là tồn tại, bất cập của ngành Giáo dục từ nhiều năm nay như tình trạng thừa thiếu giáo viên, quá tải trường lớp, bạo lực học đường, bệnh thành tích nhưng chỉ riêng ngành Giáo dục không thể giải quyết được. Phải có sự chuyển đổi về cơ chế quản lý, phối hợp với các ngành liên quan để tất cả cùng đồng lòng, chung tay với ngành Giáo dục thì may ra mới có thể tháo gỡ, giải quyết được. Thực tế cho thấy, mặc dù phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục nhưng trong rất nhiều khâu liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng như tuyển dụng giáo viên, cơ chế đãi ngộ đối với giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất…  ngành Giáo dục lại không được quyết định.

Do đó, cần sự đổi mới trong cơ chế chính sách để ngành Giáo dục được chủ động hơn, được trao nhiều quyền hơn. Bên cạnh đó, cũng cần có sự phân quyền rõ hơn về trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT và các địa phương.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.