Sau 2 ngày chấm thi THPT quốc gia 2015: Ít điểm tối đa, nhiều điểm trung bình

Thứ Tư, 08/07/2015, 06:30
Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2015, nhiều cụm thi do các trường đại học (ĐH) chủ trì đã chính thức bắt tay vào việc làm phách, chấm thi. Kết quả sơ bộ trong 2 ngày chấm đầu tiên cho thấy, ở 3 môn bắt buộc để xét tốt nghiệp gồm Toán, Văn và Ngoại ngữ, số thí sinh (TS) đạt điểm tuyệt đối không nhiều, điểm trung bình từ 5-7 khá phổ biến.
>> Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2015: Nghiêm túc, an toàn, ít sự cố

Điều này cho thấy, do đề thi tích hợp “2 trong 1” vừa để xét tốt nghiệp và ĐH nên đã có sự phân hóa cao về trình độ cũng như điểm của các TS.

Có bài thi đạt điểm 10, cũng có bài thi chỉ được điểm 1

Ngày 7/7, trao đổi với PV Báo Công an nhân dân, PGS.TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Trường ĐH Bách khoa đã chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ ngày 6/7. Trong 2 ngày chấm thi đầu tiên, ở môn Toán đã xuất hiện 4 trường hợp đạt điểm 10. Tuy nhiên, đây mới là điểm xác nhận của vòng chấm đầu tiên. Điểm 9 và điểm 8 cũng tương đối, nhưng phổ biến vẫn là điểm 5 đến 7. Cá biệt, cũng đã có vài điểm 1 và 1,5 điểm. “Trường chủ yếu chấm môn Toán và Ngoại ngữ.

Các môn tự luận thì Bộ chấm, còn môn Văn thì nhờ giáo viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn chấm nên chưa thể đưa ra đánh giá sơ bộ ở các môn này” - PGS.TS Đinh Văn Hải cho hay.

Tương tự, tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, trong 2 ngày chấm đầu tiên cũng đã xuất hiện vài trường hợp TS đạt điểm 10 môn Toán và vài trường hợp đạt điểm 9, cá biệt còn có vài trường hợp đạt điểm 1. Tại cụm thi do Trường ĐH Thủy lợi và ĐH Công nghiệp chủ trì, nhà trường cũng đã và đang tiến hành chấm thi 2 môn Văn và Toán - môn có số lượng TS dự thi đông nhất. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy, phổ điểm chủ yếu vẫn là trung bình, từ 5 đến 7 điểm, chưa có điểm 10 nào, cao nhất mới chỉ có điểm 9 môn Toán và 8,5 điểm môn Văn. Riêng môn Ngoại ngữ, nhà trường vừa bắt tay vào chấm phần tự luận. Đây là phần nâng cao, chủ yếu dành cho các TS có nguyện vọng xét vào ĐH. Điểm tối đa của phần này là 2 điểm. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ cho thấy, chưa có TS nào đạt điểm tuyệt đối là 2 điểm mà mới chỉ có điểm 1 và điểm 0.

Trong khi đa số các cụm thi tại Hà Nội đã bắt tay vào chấm thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 thì tại cụm thi do ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) chủ trì, PGS.TS Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hồng Đức cho biết: Trường ĐH Hồng Đức đang triển khai việc làm phách. Sau khi làm phách xong mới chuyển sang công đoạn chấm thi. “Cách làm này hơi khác với các cụm thi do các trường ĐH ở Hà Nội chủ trì là làm phách đến đâu chấm đến đó” - ông Sỹ cho biết.

Cũng theo ông Sỹ, từ ngày 5/7, nhà trường làm phách các bài tự luận với 15.1461 bài thi. Đồng thời, lên kế hoạch chuẩn bị máy móc thiết bị, tâp huấn chấm thi trắc nghiệm với 8.7905 bài thi. Dự kiến, sau khi hoàn tất việc làm phách và chuẩn bị kỹ các điều kiện để chấm thi trắc nghiệm, trường sẽ bắt tay vào chấm từ 10/7.

Cán bộ chấm thi tại cụm chủ yếu là cán bộ giáo viên Trường ĐH Hồng Đức và giáo viên THPT đúng môn được phân công chấm đảm bảo đúng quy định của quy chế về chấm thi của Bộ GD&ĐT.

Niềm vui của các thí sinh khi làm tốt bài thi THPT quốc gia 2015. (Ảnh minh họa)

Sẽ chấm thi theo hướng mở vì đề thi có độ mở cao

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi THPT quốc gia 2015 có độ mở cao, đặc biệt là các môn xã hội như Ngữ văn và Lịch sử, Địa lý. Do đó, việc chấm thi cũng cần phải theo hướng mở để đảm bảo công bằng và đánh giá đúng khả năng của TS.

Thạc sỹ Nguyễn Hồng Vinh, giảng viên môn Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An) cho rằng: Đề thi môn Lịch sử năm nay có độ mở cao hơn nên được đánh giá là khá khó hơn so với đề thi mẫu. Nhìn chung đề thi đảm bảo phân loại tốt trình độ của TS thi đại học và chỉ có nhu cầu tốt nghiệp. Tuy nhiên, cô Vinh cũng lưu ý, ở một số ý trong các câu hỏi có nội dung mở, thí sinh được phép trình bày quan điểm, đánh giá theo ý chủ quan của mình. Vì thế, đòi hỏi đáp án cũng phải mở, giám khảo chấm thi cũng hết sức linh hoạt sáng tạo để đảm bảo quyền lợi cho các em.

Về vấn đề này, trao đổi với báo chí sau cuộc họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, GPS. TS. Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sau khi kết thúc kỳ thi Bộ đã có hướng dẫn chấm thi cụ thể, chặt chẽ và phù hợp đặc trưng của từng môn. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Riêng đối với các môn xã hội, do là đề mở nên TS sẽ có những cách trình bày, sáng tạo khác nhau, những biện dẫn và lý giải khác nhau, vì vậy cách chấm cũng sẽ mở. “Do đặc trưng của môn Văn nên giám khảo cũng cần linh hoạt trong quá trình chấm. Những TS có cách diễn đạt sáng tạo, có cảm xúc, thể hiện suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc về vấn đề nghị luận đều được khuyến khích” - ông Trinh cho hay.

Cũng theo khẳng định của ông Trinh, quy trình chấm thi được tổ chức nghiêm ngặt ở cả cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì và cụm thi do trường ĐH chủ trì bởi cả hai đều có sự tham gia của giáo viên THPT và giảng viên các trường ĐH. Đặc biệt, quy trình chấm thi sẽ tiến hành chấm thi hai vòng độc lập. Trong quá trình chấm thi sẽ đồng thời tiến hành chấm kiểm tra để nếu phát hiện những vấn đề cần thiết có thể bổ sung. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trong quá trình để đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác trong quá trình chấm thi.

Huyền Thanh
.
.
.