Duy trì hay bỏ “bao cấp” với Sinh viên Sư phạm ?

Thứ Bảy, 14/11/2015, 17:04
Bỏ “bao cấp” học phí đối với SV trường sư phạm là một trong những đề xuất gần đây của các Chuyên gia giáo dục. Các nhà giáo, Hiệu trưởng tại một số trường ĐH phía Nam có ý kiến gì xung quanh đề xuất trên?

Chính sách khuyến khích đã hoàn thành “xứ mệnh lịch sử”?

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, mỗi mùa tuyển sinh, nhiều SV giỏi đã đầu quân về với sư phạm vì lúc đó, với khoản đi học ĐH là rất đáng kể. Tuy nhiên, qua gần 20 năm, chính sách này chỉ nên duy trì để tạo điều kiện cho học sinh giỏi ham thích nghề giáo. Còn hiện, nhiều SV ra trường đã không theo nghề.

Được biết theo thống kê của ngành giáo dục, tính tới năm 2014, ta có khoảng 35.000 SV sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa xin được việc làm. Trong đó một tỉ lệ không nhỏ là đi làm nghề khác.

Nghề giáo là một nghề đặc biệt, được xã hội tôn vinh.

Trên thực tế, nhiều SV ra trường nhất là ngành sư phạm tiếng Anh chỉ mở lớp dạy tại nhà, đi phiên dịch, làm Du lịch... mà không cần phải đi dạy ở trường. Nhìn vào số SV đang theo học Cao học tại các trường sư phạm cũng cho thấy, nhiều SV rõ ràng là không còn cần khoản miễn học phí nữa, họ sẵn sàng đóng tiền để được học cao hơn về chuyên môn.

Cũng theo PGS-TS Kim Hồng, việc người học đóng tiền sẽ giải được bài toán chi phí ĐH. Một trường ĐH tư thục có khoảng 10.000 SV, mức thu học phí khoảng 20 triệu đ/năm/SV, sẽ thu được khoảng 200 tỷ/năm. Đây mới là mức thu trung bình.

Thí sinh xếp hàng dài, nộp hồ sơ tại ĐH sư phạm TP HCM kỳ tuyển sinh 2015. 

Ở ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh, nếu số SV trung bình là khoảng 12.000 SV, nhà nước cấp bù kinh phí khoảng 110 tỷ/năm. Thêm vài chục tỉ đào tạo các hệ ngoài sư phạm. Nhưng thực tế mức thu của ĐH trường công vẫn thấp hơn nhiều so với các trường tư thục. Liên hệ với vấn đề tiền lương. Tại ĐH Kinh tế là đơn vị ĐH tự chủ, mỗi năm tuyển hơn 4000 SV. Mức thu học phí chừng hơn 10 triệu đ/SV/năm.

Theo cơ chế thị trường thì việc thu học phí sẽ ưu tiên cho tăng cường CSVC, thiết bị dạy học và lương giáo viên. ĐH Kinh tế Quốc dân hiện mức lương giáo viên là trên 20 triệu/tháng với người có Bằng Tiến sĩ. ĐH sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, giáo viên có thu nhập từ 27 triệu -  32 triệu/tháng. Như vậy, rõ ràng hệ thống các trường ĐH đang chuyển từ chế độ bao cấp sang chế độ thu học phí, trường sư phạm không là một ngoại lệ, đồng thời theo cơ chế thị trường, chi phí cho đào tạo ĐH cũng phải được tính đúng, tính đủ.

Nghề giáo và tầm quan trọng của việc đầu tư, chăm sóc cái “gốc”

Ở góc độ nhìn nhận về yếu tố nghề giáo là một nghề đặc biệt, phục vụ cho lợi ích quốc gia, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh lại cho rằng, SV theo học sư phạm hoặc những ngành đặc biệt khác thì nên miễn học phí để khuyến khích nhiều nguời tham gia vào ngành, càng nhiều người tham gia thì càng có nhiều cơ hội chọn được người phù hợp và có chất lượng. Có sự thu hút thì mới có nguồn để sàng lọc chọn ra người giỏi.

SV sư phạm, thầy giáo tương lai, “thầy của thầy” mà không giỏi thì làm sao có thế hệ thầy cô giáo giỏi được? Đó là cái gốc. Cái “gốc” mà không giỏi thì khó có thế hệ học trò giỏi. Ngoài ra, tiêu chuẩn đầu vào của SV sư phạm phải được nâng cao, càng cao càng tốt, nếu không nói là cao nhất.

Tuy nhiên, điều hợp lý này sẽ tồn tại nếu giải được bài toán cung – cầu. Nếu cung cao hơn cầu, thất nghiệp gia tăng… thì khó khuyến khích, tìm kiếm được đội ngũ thầy giáo tương lai như mong muốn. Con số SV sư phạm đang thất nghiệp thật đáng suy ngẫm!.

Cần xác định nhu cầu để làm đúng nguồn cung. Nguồn cung hợp lý, tránh mở trường lớp đào tạo ngành sư phạm tràn lan sẽ làm tăng nguồn cung chưa đủ chuẩn, cộng với xuất phát điểm của nhân thân, các ứng viên này sẽ chiếm chỗ của thầy giáo được đào tạo có chất lượng từ các trường sư phạm trọng điểm. Nghịch lý này sẽ dẫn tới nghịch lý tiếp theo, tạo ra một thế hệ đã đứng không đúng bục giảng, tạo ra sự dư thừa lẽ ra không có.

Khi chọn lọc được người phù hợp, xứng đáng (giỏi) thì nên có chính sách khuyến khích. Ngành sư phạm cũng như nhóm ngành An Ninh, Quân đội cũng vậy. Rất có ý nghĩa cho sự bình ổn và phát triển bền vững của mỗi Quốc gia.

Huyền Nga
.
.
.