Để phụ huynh yên tâm cho con trở lại trường

Thứ Sáu, 18/02/2022, 07:53

Theo Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 16/2, cả nước có hơn 21 triệu học sinh trong tổng số 22,4 triệu học sinh các cấp đã đến trường học trực tiếp, đạt tỷ lệ 93,71%. Trong khi học sinh bậc THPT đến trường học trực tiếp cao, đạt tỷ lệ 99% thì ở bậc tiểu học, mầm non lại thấp hơn nhiều. Thậm chí, ở Hải Phòng, tỷ lệ trẻ mầm non đi học lại chỉ ở mức 11,7%.

1.jpg -0
Sĩ số học sinh của nhiều trường đang quá tải nên rất khó bố trí dưới 20 em/lớp. Ảnh: CTV.

Tỷ lệ trẻ bậc tiểu học, mầm non đi học trực tiếp thấp

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đối với cấp mầm non, đã có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Dự kiến đến ngày 21/2, sẽ có 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ mầm non học trực tiếp. Riêng 4 tỉnh/thành phố gồm Hà Nội, Đà Nẵng, An Giang có kế hoạch cho trẻ em mầm non đi học trong tháng 2 nhưng chưa xác định được thời gian cụ thể. Đối với cấp tiểu học, 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học học trực tiếp; cấp THCS và cấp THPT đã có 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp.

Trong các cấp học, tỷ lệ học sinh THPT đến trường học trực tiếp chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 99% và cấp THCS chiếm tỷ lệ trên 94% do lứa tuổi này các em đã được tiêm vaccine. Riêng  cấp tiểu học và mầm non, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp thấp hơn, trong đó bậc mầm non là 85%, bậc tiểu học là 93%. Cá biệt, tại một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, trong ngày 14/2, học sinh mầm non đi học lại chỉ đạt tỷ lệ 66,3%; tại TP Hải Phòng, trong ngày 15/2, học sinh mầm non tới trường chỉ đạt tỷ lệ 11,7 %.

Nguyên nhân khiến một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường học trực tiếp, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học là hiện nay trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine, trong khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng và trường học đều có xu hướng gia tăng dẫn đến tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương. Cùng với đó, việc địa phương yêu cầu trường học chưa tổ chức bán trú, chỉ học một buổi cũng gây khó khăn cho phụ huynh trong việc chăm sóc, đưa đón con, khiến nhiều gia đình chưa thể cho con đi học lại.

Từ thực tế trên, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Y tế cần cho ý kiến chuyên môn về phòng, chống dịch đối với việc cho trẻ em dưới 12 tuổi tới trường nhưng chưa được tiêm vaccine; việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi để Bộ GD&ĐT và các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành; ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học, giúp phụ huynh yên tâm cho con tới trường.

2.jpg -0
Việt Nam đang nỗ lực để có thể tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sớm nhất để các em yên tâm tới trường. Ảnh minh hoạ.

Khi học sinh bị mắc COVID-19, nhà trường phải làm gì?

Tại Hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 cho 63 tỉnh, thành, TS Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể cơ sở giáo dục xử lý các trường hợp mắc, nghi mắc COVID-19.

Theo đó, nếu các cơ sở giáo dục phát hiện trường hợp học sinh nghi mắc COVID-19, nhà trường cần thông báo cho Ban chỉ đạo/Tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của cơ sở giáo dục, phụ huynh học sinh, đồng thời thông báo cho lực lượng đã được phân công để phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời. Trường hợp phát hiện ca mắc COVID-19 ngay trong trường, thầy cô cần chuyển học sinh xuống phòng cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế cấp xã/phường hoặc cơ sở y tế đã được giao nhiệm vụ phân công hỗ trợ trường học trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đối với lớp có F0, tất cả học sinh ngồi tại chỗ, tổ chức xác định các trường hợp F1 theo hướng dẫn của ngành y tế. Toàn bộ học sinh của lớp được test kháng nguyên nhanh, mẫu gộp, sau đó, trường cho học sinh di chuyển sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ phòng học. Những học sinh không phải là F1, có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được đi học bình thường. Nếu không có sự giao lưu, tiếp xúc giữa F0 với học sinh lớp khác, các lớp này vẫn đi học bình thường. Trường hợp học sinh được xác định là F1, các em được ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại.

"Về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT. Có thể, chúng tôi điều chỉnh thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà xuống còn 7 ngày cho tất cả đối tượng học sinh F1, kể cả đã tiêm vaccine hay chưa" - ông Dương Chí Nam cho biết.

Theo Bộ Y tế, để chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế tiến hành khảo sát trực tuyến đối với các phụ huynh có con dưới 12 tuổi tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua khảo sát hơn 415.000 phụ huynh tham gia cho thấy, có 60,6% đồng ý tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ; 7,6% đồng ý nếu yêu cầu bắt buộc; 29,1% cân nhắc; chỉ có 1,9% phụ huynh không đồng ý. Chính phủ cũng đã đồng ý mua 21,9 triệu liều vaccien Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Hiện nay Bộ Y tế đang thúc đẩy sớm nhất để có vaccine và xây dựng kế hoạch để có thể tiến hành tiêm sớm nhất cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.

Huyền Thanh
.
.
.