Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Thứ Năm, 13/08/2015, 09:28
Thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, tìm giải pháp đưa ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng về GD&ĐT, thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết 21 và Kết luận 28 của Bộ Chính trị liên quan đến giải pháp phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP vùng ĐBSCL thời kỳ 2011-2020.
Tuy nhiên, nhận định chung của các đại biểu tại buổi tọa đàm “Nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KT-XH vùng ĐBSCL và vai trò của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh” vào ngày 7/8 vừa qua, thì ĐBSCL chưa thoát “vùng trũng” về GD&ĐT. Đặc biệt là hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao…

Theo Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những điều kiện then chốt thúc đẩy sự phát triển KT-XH của vùng. Tuy nhiên, hiện nay việc phân bố nguồn nhân lực này chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các trường đại học, các viện nghiên cứu. Từ đó, nhiều tỉnh trong vùng Tây Nam Bộ đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, làm hạn chế sự phát triển kinh tế ở các địa phương cũng như của cả vùng.

Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ VH-XH BCĐ Tây Nam Bộ, cho biết: Hiện toàn vùng ĐBSCL có 17 trường đại học (ĐH), bình quân khoảng 1,2 triệu dân có 1 trường ĐH. Đội ngũ giảng viên có trình độ GS, PGS còn thấp, tập trung chủ yếu ở Trường ĐH Cần Thơ, nên nhiều trường không đủ điều kiện đào tạo sau ĐH. Theo số liệu sơ kết 3 năm thực hiện cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực vùng Tây Nam Bộ, hiện có 23 trường ĐH trong và ngoài vùng liên kết đào tạo trình độ sau ĐH.

Sinh viên ngành Dược Trường ĐH Võ Trường Toản trong giờ thực hành.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, GD&ĐT vùng ĐBSCL thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, như: tỷ lệ SV trên vạn dân tăng đều qua các năm; cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư; số trường, đội ngũ giảng viên ở các cấp đều tăng… Tuy nhiên, so với yêu cầu thì GD&ĐT vùng Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều hạn chế. Cụ thể, cơ sở vật chất còn yếu; ý thức của người dân về học tập nâng cao trình độ, nghề nghiệp còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu…

Ông Võ Trọng Hữu cho rằng: Thời gian tới, vùng cần tiếp tục đào tạo hình thức cử tuyển, xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong cả nước về đào tạo sau ĐH để đến năm 2020 ĐBSCL đạt 450 SV/vạn dân theo Kết luận 28 của Bộ Chính trị; có 25% giảng viên ĐH, 8% giảng viên CĐ có trình độ tiến sĩ; 100% giảng viên ĐH, 60% giảng viên CĐ có trình độ thạc sĩ theo QĐ 711/QĐ-TTg, ngày 13/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 -2020”, để từng bước có nhiều trường ĐH trong vùng đủ điều kiện mở rộng ngành đào tạo ĐH, sau ĐH với chất lượng cao.

Về đào tạo nhân lực y tế, vùng phấn đấu đến năm 2020 đạt 9 BS/vạn dân và 2,2 DS/vạn dân theo QĐ 122/QĐ-TTg ngày 10/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng.

Đức Văn
.
.
.