Việt Nam không có sự bất bình đẳng về tiếp cận và kết quả giáo dục

Thứ Ba, 22/01/2019, 15:41
Tại Diễn đàn giáo dục thế giới và Triển lãm giáo dục toàn cầu đang diễn ra tại London, Vương quốc Anh với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định những thành tựu nổi bật của giáo dục Việt Nam trong những năm vừa qua.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, một trong những điểm nổi bật nhất là Việt Nam không có sự bất bình đẳng về tiếp cận và kết quả giáo dục. Việt Nam đã thực hiện tốt việc mở rộng mạng lưới trường lớp, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, cấp Tiểu học và THCS. Các địa phương cũng đã có những chính sách ưu tiên, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc và có hoàn cảnh đặc biệt.

Các thống kê cho thấy giáo dục Việt Nam không có sự bất bình đẳng về giới tính, không có sự bất bình đẳng về tiếp cận và kết quả giáo dục. Về sự đầu tư của nhà nước, hiện nay Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, nếu tính cả đóng góp của gia đình thì con số này đạt 8% GDP, con số này cho thấy sự quan tâm đến giáo dục trong mỗi gia đình Việt Nam và lý giải cho sự thành công của giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu tại Diễn đàn giáo dục thế giới 2019.

Đáng chú ý, đầu tư của Việt Nam cho giáo dục ngày càng tăng, duy trì mức chi 20% tổng chi ngân sách. Về tính hiệu quả, giáo dục Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả PISA năm 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, 22 về Toán học và 30 về đọc hiểu. Bên cạnh đó, nếu phân tích về mối liên hệ giữa mức đầu tư cho học sinh ở độ tuổi 6-12 và kết quảhọc tập qua kì đánh giá PISA thì Việt Nam là một trong những nước được đánh giá có hiệu quả cao trong đầu tư cho giáo dục. 

Không chỉ trong giáo dục đại trà, Việt Nam cũng luôn đạt kết quả cao trong giáo dục mũi nhọn. Kết quả các kì thi học sinh giỏi quốc tế về các môn khoa học của Việt Nam luôn nằm trong top 10.

Tuy vậy, người đứng đầu ngành giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua như:Tỉ lệ học sinh bỏ học cuối cấp THCS ở các khu vực khó khăn còn cao; hơn 80% chi cho giáo dục qua ngân sách địa phương, do đó hiệu quả đầu tư phụthuộc vào sự quan tâm của mỗi địa phương với giáo dục.

Thực tế, một số địa phương đầu tư chưa thật sự hiệu quả cho giáo dục; học sinh Việt Nam đạt kết quả cao trong các kì thi nhưng về kĩ năng, về động lực học tập vẫn còn hạn chế. Nhấn mạnh đến tính thiết thực của giáo dục đối với học sinh, Bộ trưởng cho rằng, để làm cho quá trình học tập của học sinh được thiết thực, liên quan, gắn với thực tiễn, nhà trường là không đủ mà cần sự tham gia của nhà trường - gia đình - xã hội.

Hùng Quân
.
.
.