Vì sao nhiều trường đại học vẫn chưa sử dụng hết quyền tự chủ?

Thứ Sáu, 18/03/2016, 18:42
Ngày 18-3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017.

Hiện nay, đã có 13 trường đại học công lập được Thủ tướng đồng ý cho thực hiện thí điểm tự chủ, và sắp tới sẽ có thêm 3 trường nữa đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nhiều trường vẫn chưa sử dụng hết quyền tự chủ của mình, nhưng tự chủ sẽ là con đường tất yếu, phải thực hiện khẩn trương, quyết liệt với quan điểm lớn nhất là nâng cao chất lượng đào tạo đại học.

ĐH Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh đã tự chủ đầu tư cho phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên.

Câu chuyện tự chủ xoay quanh ba nhóm vấn đề: tự chủ về học thuật, tự chủ về tài chính và tự chủ về nhân sự. Theo đánh giá của Bộ GD & ĐT, hiện các trường đã được tự chủ khá toàn diện, có những lĩnh vực gần như tự quyết hoàn toàn, Bộ không can thiệp.

Việc cho phép các trường tự chủ được tự quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã tạo điều kiện cho các trường chủ động hơn trong mở ngành. Tính đến nay đã có 5 trường mở ngành mới trong năm 2015 như: ĐH Kinh tế quốc dân tự mở 5 ngành trình độ ĐH; Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở 10 ngành; ĐH Mở TP Hồ Chí Minh mở 1 ngành; ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở 5 ngành ĐH, 3 ngành thạc sỹ, 1 ngành tiến sỹ; ĐH Tôn Đức Thắng mở 1 ngành thạc sỹ và một số ngành trình độ ĐH.

Các trường cũng được tự chủ trong công tác xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy. Ví dụ ĐH Tôn Đức Thắng đã xây dựng đồng bộ tất cả các chương trình đào tạo cho các ngành học theo chuẩn quốc tế, dựa trên chương trình đào tạo của các trường thuộc tốp 100 của thế giới và sẽ đưa vào giảng dạy từ năm học 2016 – 2017.

Về chỉ tiêu tuyển sinh, các trường cũng đã được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh, được xây dựng đề án tuyển sinh riêng, như ĐH Tài chính – Marketing, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các trường còn được chủ động tham gia liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

Nghị quyết 77 của Chính phủ còn giúp các trường chủ động quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng phối hợp nghiên cứu, chế tạo và sản xuất với 3 đối tác lớn tại TP Hồ Chí Minh. ĐH Tôn Đức Thắng có số lượng các công trình nghiên cứu khoa học hoàn thành tăng 34,9% so với năm 2014 với 258 công trình khoa học được công bố. Về tổ chức bộ máy nhân sự, theo đánh giá của Bộ GD & ĐT, hiện đã có 7/13 trường thành lập Hội đồng trường; đồng thời tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh giản, gọn nhẹ và hiệu quả hơn, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, trong đó ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã chủ động giảm số lượng nhân viên khối hành chính phục vụ, tăng số lượng giảng viên.

Về học phí, các trường đã chủ động xây dựng mức thu, bảo đảm mức học phí bình quân bằng mức trần học phí bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó mức trung bình là 13 triệu đồng/sinh viên/năm (ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh có mức thu cao nhất là 14,5 triệu đồng/năm và ĐH Hà Nội có mức thu thấp nhất là 7,8 triệu đồng/năm).

Tuy nhiên, quá trình các trường thực hiện tự chủ đã nảy sinh nhiều vướng mắc, trong đó do một số quy định tại Nghị quyết 77 chưa rõ, đặc biệt là chưa rõ thẩm quyền tự chủ của các trường, dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau giữa trường và các cơ quan quản lý. Một số trường vẫn duy trì mức học phí bằng mức quy định chung của nhà nước áp dụng cho các trường chưa tự chủ, nên chưa có tích lũy để đầu tư công trình, dự án lớn phục vụ đào tạo. Việt Nam chưa có các tạp chí khoa học hoạt động theo thông lệ quốc tế nằm trong danh mục ISI và Scopus để tạo thuận lợi cho công bố quốc tế.

Tại hội nghị, các trường đã đề xuất 9 vấn đề, trong đó có kiến nghị cho phép họ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn trong quyết định các mức chi; cần có chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nguồn thu lãi từ tiền gửi ngân hàng được sử dụng để lập quỹ hỗ trợ sinh viên; đề nghị được ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo chuyên gia, được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ODA.

Các trường cũng kiến nghị Bộ GD & ĐT xem xét nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, vì đội ngũ này đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy.

Về phương án tuyển sinh, các trường đang cân nhắc xây dựng phương án tuyển sinh riêng, phù hợp với đặc điểm của ngành nghề đào tạo, do đó, đề nghị Bộ GD & ĐT có đơn vị chuyên môn đảm nhận cung cấp dịch vụ đề thi, tổ chức thi lấy kết quả nhiều đợt trong năm…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, có một số dự án ODA chúng ta sẽ ưu tiên cho các trường tự chủ. Nhưng tự chủ không có nghĩa nhà nước sẽ buông (ví dụ về tài chính thì sẽ có học bổng, không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao của con em nhà nghèo).

Tự chủ phải đi liền với trách nhiệm giải trình. Về tổ chức bộ máy, vừa qua chúng ta giao tự chủ cho các trường thì vai trò bộ chủ quản sẽ bớt đi, bằng cách phải tăng quyền quản lý và trách nhiệm giải trình trong trường bằng hội đồng trường.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới phải kiện toàn các hội đồng trường, phân định rõ trách nhiệm hội đồng trường, cả về hướng phát triển, đầu tư, nhân sự và có cơ chế kiểm soát, phân định chức năng điều hành của ban giám hiệu, hiệu trưởng.

Các bộ chủ quản phải tập trung xem xét kỹ lưỡng nhân sự hội đồng trường khóa đầu tiên. Đối với công tác cán bộ, Phó Thủ tướng đề nghị, việc bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, bộ chủ quản chỉ làm công tác phê chuẩn. Các trường tới đây chưa xin tự chủ cũng phải theo hướng tự chủ…

Thu Phương
.
.
.