Vì sao môn Lịch sử ít được chọn nhất trong các môn tự chọn?

Thứ Sáu, 04/03/2016, 19:35
Theo kết quả khảo sát của nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội, năm nay xu hướng học sinh chọn các môn Địa lý, Vật lý vẫn tiếp tục áp đảo so với các môn tự chọn còn lại. Riêng đối với môn Lịch sử, tỷ lệ học sinh đăng ký cũng ít như năm ngoái, thậm chí có những trường “trắng” học sinh đăng ký môn học này.

Năm 2016, để xét công nhận tốt nghiệp, học sinh phải đăng ký thi tối thiểu 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số 5 môn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhiều trường trên địa bàn đã hoàn thành kế hoạch thăm dò học sinh lớp 12 thi THPT quốc gia năm 2016.

Nhiều học sinh không chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp vì khó nhớ, khó đạt điểm cao.

Tại trường THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, trong số 292 học sinh lớp 12, có đến 158 em đăng ký thi môn tự chọn là Vật lý, môn Địa lý đứng thứ hai với 109 em; Hóa học có 103 và Sinh học có 12 học sinh. Ít nhất là Lịch sử với 11 học sinh đăng ký.

Tại trường THPT Sóc Sơn, học sinh chủ yếu chọn môn Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học và đứng cuối bảng là môn Lịch sử.

Tại trường THPT Anhxtanh, học sinh khối 12 của trường chủ yếu chọn các môn khối A là Vật lý và Hóa học, các môn khoa học xã hội như Địa lý, Lịch sử không có nhiều học sinh lựa chọn.

Tại trường THPT Tây Đô (Bắc từ Liêm, Hà Nội), trong số 120 thí sinh đang theo học khối 12, đa phần các em đều chọn môn Địa lý, không ai chọn Lịch Sử. Trước đó, trong năm 2015, trường cũng chỉ có 1 thí sinh duy nhất chọn môn học này.

Theo  PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường THPT Lương Thế Vinh, thống kê ban đầu của trường cho thấy, phần lớn học sinh chọn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, ít học sinh chọn các môn khoa học xã hội như Địa lý và Lịch sử vì các em chủ yếu đều học khối A.

Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại- Hiệu trưởng trường THPT Wellspring cho biết: Trong vòng năm từ khi thành lập trường đến nay, chưa khi nào nhà trường có học sinh chọn môn Lịch sử để thi xét tốt nghiệp. Mặc dù vẫn rất nhiều em thích học Lịch sử và phương pháp dạy môn Lịch sử của trường những năm gần đây cũng đã có nhiều đổi mới nhưng nhìn vào khối lượng kiến thức với nhiều những con số, sự kiện, học sinh vẫn ngại chọn môn Lịch sử. Thay vào đó, nhiều em chọn môn Địa lý bởi đây là  môn khoa học xã hội nhưng mang tính chất của khoa học tự nhiên, dễ học, dễ đạt điểm.

Thạc sỹ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) cũng cho rằng: Phần lớn học sinh hiện nay không chọn Lịch sử vì tính “thực dụng” của kỳ thi và xu thế chung. Do vậy, chúng ta không vì lựa chọn của các em mà đánh giá giới trẻ ngày càng chán Lịch sử.

Trên thực tế, nhiều học sinh thích học và khám phá môn này nhưng không chọn thi vì sợ điểm thấp, khó làm bài. Bên cạnh đó, việc các em không chọn Lịch sử cũng nằm trong xu thế xã hội ngày càng coi nhẹ các môn khoa học xã hội với ít việc làm, lương thấp, ra trường khó xin việc. Thêm nữa, sách giáo khoa Lịch sử hiện còn nhiều bất cập, lỗi thời, thi cử chưa thật sự phù hợp, trong khi đó, nhiều giáo viên  vẫn “thủy chung” với cách dạy thầy đọc trò chép, triệt tiêu tư duy sáng tạo của học trò, khiến các em chán nản môn học này.

PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ quan điểm: Thực tiễn cho thấy, học sinh hiện nay đang có xu hướng khá thực dụng là học gì thi nấy. Do vậy, để vào được các trường học như mong muốn, học sinh sẽ tập trung học và đăng ký những môn theo khối thi mà mình chọn.

Trong khi đó, khối ngành có môn Lịch sử thường khó xin việc nên xu hướng học sinh ít chọn môn học này cũng là điều dễ hiểu. Đối với học sinh chỉ để xét tốt nghiệp, các em cũng ít chọn môn học này vì đây là môn học khó kiếm điểm hơn so với môn Địa lý.

“Để tránh tình trạng học gì thi nấy dẫn đến việc học lệch mà biểu hiện dễ nhận thấy nhất là tình trạng hổng kiến thức xã hội một cách ngô nghê trong giới học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là các trường đại học cần đổi mới trong cách thi, thay vì thi theo khối A, B, C như hiện nay, các trường nên thi theo kiểu đánh giá năng lực, chú trọng kiến thức tổng hợp bên cạnh kiến thức chuyên sâu như cách mà đại học quốc gia Hà Nội đang tiến hành”- PGS Trần Xuân Nhĩ đưa ra đề xuất.

Huyền Thanh
.
.
.