Vì sao điểm môn Ngoại ngữ thấp 'thảm hại' ?

Thứ Bảy, 25/07/2015, 09:22
Bộ GD&ĐT vừa công bố phổ điểm và tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2015. Trong số hơn 800 ngàn thí sinh dự thi lấy kết quả xét tốt nghiệp, tỷ lệ đạt tốt nghiệp trên toàn quốc là 91,58%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Mặc dù tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 thấp hơn 6-7% so với các năm trước, song nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng hoàn toàn không cảm thấy bất ngờ bởi tỷ lệ trên phản ánh tương đối chính xác kết quả thi. Và kết quả này cho thấy, chất lượng dạy và học vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, điều chỉnh và rút kinh nghiệm.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục nhận xét: Phổ điểm năm nay phân hóa “đẹp”, rõ ở các mức độ, căn cứ vào đề thi và đáp án. Phổ điểm này so với năm ngoái, nhiều em làm được bài hơn nên điểm chuẩn vào các trường đại học sẽ cao hơn. Trong đó, các trường top giữa và dưới có rất nhiều cơ hội vì có tới 26.000 thí sinh đạt điểm trung bình từ 5-6 là một tỷ lệ khá cao. Riêng mức điểm chuẩn đối với các trường top trên khó có sự thay đổi đột biến bởi số thí sinh có tổng điểm 3 môn xét tuyển bất kỳ đạt mức tuyệt đối chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Bất ngờ lớn nhất chủ yếu tập trung vào 3 môn là Toán, Ngoại Ngữ và Lịch sử. Theo đó, môn Toán chủ yếu thí sinh đạt ở mức từ 5-7,5 điểm. Cả nước chỉ có 86 thí sinh đạt điểm 10, tổng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên là khoảng 10.000 người. Tuy nhiên ở môn thi này có đến gần 40.000 thí sinh bị điểm liệt (điểm liệt quy định là 1 điểm), chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các môn thi. Môn Ngoại ngữ, vùng phổ điểm tập trung ở mức 2-3,5 điểm.

Đối với môn Lịch sử, trước khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, nhiều người dự đoán rằng, điểm môn thi này sẽ không cao, song theo kết quả mà Bộ công bố thì vùng phổ điểm lại chủ yếu tập trung ở mức từ 4-7. Nhưng chỉ có đến 11 thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử. Tuy vậy, điều khiến nhiều giáo viên dạy học môn Lịch sử tỏ ra bức xúc là mặc dù đây là môn tự chọn, song vẫn có tới 442 thí sinh bị điểm 0 và số thí sinh bị điểm liệt môn Lịch sử chiếm khoảng hơn 1.000 em.

Phổ điểm là một cơ sở quan trọng để nghiên cứu, điều chỉnh việc dạy và học ở bậc phổ thông.

Chia sẻ với PV Báo CAND về tình trạng “bất thường” này, ThS Trần Trung Hiếu, giáo viên Lịch sử Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho biết: Trong 3 môn xã hội, Lịch sử là môn thi được đánh giá là có đề thi mở nhất, đổi mới nhất, hạn chế dần việc học thuộc lòng. Với cách ra đề như trên, học sinh có học lực trung bình dễ dàng đủ điểm tốt nghiệp. Mặt khác, kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Lịch sử là môn thi tự chọn nên các thí sinh chọn thi môn Lịch sử đa phần đều là những em yêu thích hoặc có kiến thức nhất định về môn học này.

“Vậy mà vẫn có tới hơn 400 em đạt điểm 0 và hơn 1.000 em bị điểm liệt. Điều này thật khó chấp nhận. Cần có thêm nhiều phân tích, đánh giá kỹ hơn về môn học này, đặc biệt là cách dạy và học qua kết quả thi năm nay” - ThS Trần Trung Hiếu đề xuất.

Trở lại kết quả “thảm hại” của môn Ngoại ngữ, trao đổi với PV Báo CAND, thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội cho biết, thầy quá bất ngờ khi có đến hơn 74 ngàn thí sinh đạt 2,5 điểm môn Ngoại ngữ, gần 69 ngàn thí sinh bị điểm 3 môn học này, trong khi học sinh đạt điểm khá, giỏi không nhiều.

“Đây là một điều đáng buồn. Năm 2013, Bộ GD & ĐT đã chỉ đạo cho thí sinh đăng ký môn tự chọn thì cũng chỉ có hơn 16 ngàn thí sinh trong cả nước chọn ngoại ngữ. Như vậy, chất lượng giảng dạy môn Ngoại ngữ rất yếu, thực sự có vấn đề. Vấn đề ở đây chính là do giáo viên, học sinh và giáo trình” – thầy Hùng chia sẻ.

Về giáo viên, theo thầy Nguyễn Quốc Hùng thì chủ yếu do trình độ còn hạn chế, đặc biệt là trình độ tiếng Anh còn thấp, thêm nữa là phương pháp giảng dạy lạc hậu, học trò không tiếp thu được kiến thức. Về giáo trình, chưa bao giờ có một cuộc khảo sát nào để đánh giá giáo trình chúng ta đang sử dụng là khó hay dễ, do ai quản lý, có phù hợp với học sinh Việt Nam hay không?

“Chúng tôi đã khảo sát tại một trường học thì thấy, trường đó cho học sinh lớp 1 học một cuốn giáo trình có 444 từ, 48 mẫu câu và 270 bài tập, với học sinh lớp 1 là quá nặng, trong khi Bộ quy định, cả cấp tiểu học chỉ dạy từ 500 – 700 từ. Với một cuốn giáo trình nặng như vậy sẽ có 3 đối tượng phải chịu đựng là giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tôi đề nghị, từ phổ điểm Ngoại ngữ, Bộ nên tách ra phân tích phổ điểm ở từng cụm thi, từng địa phương, sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta có kế hoạch, điều chỉnh trong chiến lược dạy Ngoại ngữ ở Việt Nam” – thầy Nguyễn Quốc Hùng đề xuất.

Lỗi đồ họa phổ điểm, thêm hàng ngàn thí sinh bị điểm liệt môn Toán và Văn

Chiều 24/7, Bộ GD & ĐT đã điều chỉnh lại đồ họa phổ điểm môn Toán và Ngữ Văn do bị lỗi. Lỗi đồ họa phổ điểm môn Toán và Ngữ Văn do điểm xuất phát lệch một cột nên dẫn đến giá trị ở các mức điểm thí sinh đạt được bị xê dịch. Nhưng theo một lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ thì chỉ có lỗi một chút về đồ họa, còn về giá trị các điểm số công bố trước đó thì vẫn giữ nguyên. Kết quả điều chỉnh cho thấy có khoảng gần 40.000 thí sinh bị điểm liệt môn Toán và hàng nghìn thí sinh bị điểm liệt môn Ngữ Văn.

Theo bản đồ họa mới, đối với môn Toán thì có đến 5.410 thí sinh bị điểm 0; 6.671 thí sinh đạt 0,5 điểm, 8.586 thí sinh bị điểm 1. Ở phổ điểm này không thể hiện số thí sinh đạt mức 0,25 và 0,75. Ước tính số thí sinh bị điểm liệt ở môn Toán có thể lên đến khoảng gần 40.000 em. Tổng số thí sinh đạt điểm 10 chỉ là 86 em. Ngoài hàng ngàn bài thi bị điểm liệt, môn Văn có 11 bài thi đạt điểm 10, 375 bài thi đạt 9,5 điểm, 423 bài thi đạt 0,5 điểm, 192 bài thi đạt 1 điểm.

T.Phương – H.Thanh
.
.
.