Hoang mang trước nhiều bất cập từ việc bỏ chấm điểm bậc tiểu học

Thứ Sáu, 04/12/2015, 20:50
Sức học của nhiều học sinh sa sút vì thiếu động lực học tập, nhiều học sinh không còn thói quen làm bài tập về nhà, trong khi giáo viên thì như "bơi" trong núi công việc ...

Thói quen làm bài tập ở nhà đang... biến mất?

Hơn một năm thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT chuyển từ hình thức đánh giá bằng điểm số sang nhận xét ở bậc tiểu học hay còn gọi là bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học, đã có những tín hiệu tích cực như tình trạng dạy thêm, học thêm đã giảm nhiều; học sinh đỡ áp lực hơn vì không phải “chạy đua” theo điểm số …

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập như sức học của nhiều học sinh sa sút vì thiếu động lực học tập, nhiều học sinh không còn thói quen làm bài tập về nhà...  khiến cả phụ huynh lẫn giáo viên đều băn khoăn, lo lắng.

Trong khi giáo viên tiểu học đang phải căng mình thêm vì công việc...

Chị Lê Thu Hoài, phụ huynh có con học lớp 6 tại trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội) cho biết: Mới vào năm học mới được 2 tháng mà con gái chị liên tục nhận được điểm 5 môn Toán khiến cả nhà bị “choáng” bởi trước đây, khi học tiểu học cháu luôn được xếp vào danh sách học sinh có học lực khá trong lớp.

Không tin vào kết quả của con mình, chị Hoài đã đến gặp cô giáo dạy Toán của con thì được cô giáo cho biết, sở dĩ điểm số môn Toán của con thấp là vì thiếu kỹ năng giải quyết các dạng bài tập do một thời gian dài ở bậc tiểu học, con đã không duy trì thói quen làm thêm các bài tập ở nhà. Trong khi đó, lớp học thì quá đông nên cô giáo không đủ sức để kèm cặp riêng từng bạn.

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội): Chất lượng học sinh lớp 6 năm nay không bằng mọi năm do các em bị “hổng” cả kiến thức lẫn các kỹ năng làm bài tập. Để hỗ trợ học sinh, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phải tổ chức học ôn tập, rèn lại các kỹ năng cho học sinh vào nếp mất hơn 1 tháng.

Còn theo chia sẻ của cô giáo Hoàng Mai Anh, giáo viên dạy Toán tại trường THCS Lê Lợi (Hà Nội), bài kiểm tra môn Toán đầu năm của học sinh lớp 6 ở trường nhìn chung thấp hơn năm ngoái, có lớp đạt 60-70% trên điểm 5, có lớp không đạt tỷ lệ này. Số học sinh đạt điểm 8-9 rất ít, điểm 10 đếm trên đầu ngón tay.

Điều đáng nói là không chỉ giáo viên cấp 2 “đau đầu” vì phải giải quyết “hậu quả” của việc bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học mà ngay cả các phụ huynh có con học tiểu học cũng đang hoang mang, lo lắng khi thói quen học bài, làm bài tập ở nhà của trẻ đang có nguy cơ.. biến mất chỉ vì theo quy định mới, các bài tập phải được giải quyết hết trên lớp, giáo viên không được phép giao thêm bài tập về nhà.

Do sỹ số lớp học đông, không thể sao sát từng học sinh, đặc biệt là các bạn có học lực trung bình, yếu, nhiều giáo viên đã phải “lách luật” bằng cách “thưởng” thêm cho các học sinh này thêm một vài bài tập về nhà.

Tuy nhiên, do là “thưởng” nên giáo viên không thể dùng biện pháp này liên tục hàng ngày. Kết quả là việc học tập của các học sinh trung bình, kém trên thực tế không được cải thiện thêm là mấy

Thì học sinh lại đang mất thói quen làm bài tập ở nhà và động lực học tập.

Động lực học tập của học sinh đang sa sút

Chị Lê Ngọc Yến, phụ huynh có con đang học lớp 3 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết: Do các cháu đều đang ở cái tuổi mảng chơi, ý thức tự giác chưa tốt nên vợ chồng chị phải thuê gia sư đến nhà dạy tuần 3 buổi để bổ trợ thêm cho con và quan trọng hơn là để con không bị mất đi thói quen tự học ở nhà. “Tính ra, tiền thuê gia sư mỗi tháng cũng mất gần 2 triệu, còn đắt hơn nhiều so với việc học thêm ở trường trước đây”-chị Yến chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Quỳnh Trang, một giáo viên dạy tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) cũng thẳng thắn cho rằng: “Nói thẳng là sau hơn một năm thực hiện cách đánh giá mới, tôi thấy không ít học sinh lơ là hơn trong việc học, sức học sút trông thấy. Không có điểm, học sinh không biết mình học ở mức nào. Còn giáo viên thì cũng bạc mặt vì phải tìm lời nhận xét. Trước đây, khi học sinh làm bài toán với thang điểm 10, những câu sai thì ghi rõ là sai để học sinh biết và biết em được bao nhiêu điểm. Còn nay, học sinh làm bài được khoảng 4 điểm, nghĩa là học kém mà vẫn phải nhận xét những lời sáo rỗng như “em cần cố gắng hơn”, “bài em làm chưa được”...  

Nhiều học sinh lớp 6 bị điểm kém do hổng kiến thức và thiếu kỹ năng làm bài tập về nhà.

Cũng theo đánh giá của một số giáo viên tiểu học khác, thực tế cho thấy đối với những học sinh có sức học trung bình hoặc yếu khi áp dụng cách đánh giá mới này đã khiến học sinh càng lười học hơn, sức học sa sút. Đáng lo ngại hơn, học sinh quen với việc không phải làm bài, học bài ở nhà ở cấp tiểu học, khi lên cấp THCS, các em dễ bị sốc vì khối lượng kiến thức lớn, hằng tuần đều có bài kiểm tra lấy điểm..

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Cách làm của Bộ GD&DT khi triển khai Thông tư 30 là vội vàng và có phần chưa hợp lý. Lẽ ra, trước khi thay đổi cách đánh giá học sinh, Bộ GD&ĐT cần phải tổ chức tuyên truyền kỹ lưỡng đến phụ huynh và giáo viên. Đồng thời phải thực hiện thí điểm từng khối một để phụ huynh và giáo viên làm quen dần, bởi đây là một phương pháp khoa học chứ không phải phong trào. Bên cạnh đó, Thông tư 30 mang tinh thần đổi mới nhưng chương trình sách giáo khoa vẫn còn đang là "kiểu cũ", vì thế sẽ có nhiều sự so le trong quá trình thực hiện....


Huyền Thanh
.
.
.