Bất thường "cuộc đua" lớp 10 ở Hà Nội: Một số trường dân lập tuyển sinh thiếu nhân văn

Thứ Bảy, 07/07/2018, 13:37
Từ điểm chuẩn thay đổi theo giờ như “sàn chứng khoán” của các trường ngoài công lập, phí giữ chỗ, đặt cọc được các trường đua nhau thổi lên cao cho đến việc điểm chuẩn vào lớp 10 một số trường công lập tốp đầu lại thấp hơn cả trường tốp giữa khiến kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay trở nên kịch tính, bất thường. 


Vì sao hoạt động tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội lại trở nên “lộn xộn” như vậy, đâu là giới hạn của việc các trường tư đặt ra những “luật chơi” riêng? Vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý cần được nhìn nhận như thế nào? Chuyên mục “Trò chuyện chủ nhật” tuần này sẽ là cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội xung quanh vấn đề này.

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm nay?

Ông Phạm Quốc Toản: Công tác tuyển sinh năm 2018-2019 được chúng tôi chuẩn bị khá kỹ do số lượng học sinh năm nay đều tăng ở mọi cấp học. Với quyết tâm của ngành giáo dục, chúng tôi đã bố trí đủ chỗ học cho mọi học sinh. 

Riêng tuyển sinh lớp 10, đâu đó vẫn còn một vài hiện tượng các trường ngoài công lập có cách thức tuyển sinh mà xét về mặt giáo dục, chưa được nhân văn cao, ảnh hưởng dư luận. 

Khi nhận thông tin phán ánh, Sở đã có những văn bản cá biệt yêu cầu các nhà trường có hiện tượng đó cần thực hiện đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật mà Sở hướng dẫn ngay từ đầu. Đồng thời thành lập các đoàn kiểm tra xuống các điểm tuyển sinh để nắm bắt tình hình và lắng nghe ý kiến phụ huynh.

Một em hs bật khóc sau khi làm bài thi. Ảnh Huyền Trần

PV: Theo ông, nguyên nhân dẫn đến những bất thường trong tuyển sinh lớp 10 tại các trường ngoài công lập năm nay là do đâu?

Ông Phạm Quốc Toản: Từ góc độ cá nhân, tôi thấy nguyên nhân có từ hai phía. Thứ nhất, về phía nhà trường, cách thức tuyển sinh của một số trường ngoài công lập đâu đó vẫn chưa được cẩn thận và đầy đủ. Do đó, một số trường đã đặt ra những giải pháp tuyển sinh còn thiếu nhân văn. 

Thứ hai, về phía cha mẹ học sinh, do quá lo lắng, sốt ruột nên chưa có sự tìm hiểu kỹ càng. Qua nội dung các trường báo cáo và thực tế các đoàn đi kiểm tra, các trường ngoài công lập đều xây dưng phương án tuyển sinh ba công khai, phiếu tuyển sinh phát cho cha mẹ học sinh cũng có các nội dung công khai. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu nhà trường phải thành lập bộ phận tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn và hỗ trợ cho cha mẹ học sinh kỹ càng hơn trong công tác tuyển sinh, đặc biệt là việc rút, nộp hồ sơ.

Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội

PV: Vậy còn trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu trong câu chuyện này, thưa ông?

Ông Phạm Quốc Toản: Để triển khai công tác tuyển sinh, chúng tôi đã có ban hành các văn bản hướng dẫn rất đầy đủ, cập nhật và ban hành rất sớm. Khi xuất hiện các hiện tượng chưa đúng mực trong tuyển sinh do các cơ quan truyền thông nêu và cha mẹ học sinh phản ánh, ngay lập tức Sở đã tăng cường công tác thanh kiểm tra và kịp thời có thêm các văn bản cá biệt gửi các trường nhằm chấn chỉnh.

PV: Việc một số trường ngoài công lập tự ý đặt ra những luật chơi riêng như thu phí ghi danh, phí giữ chỗ và không hoàn trả lại khoản tiền này khi phụ huynh có nguyện vọng rút hồ sơ lại chủ yếu xảy ra tại các trường top đầu, có thương hiệu. Điều này không thể nói là do họ thiếu kinh nghiệm. Ông nhìn nhận ra sao về những “luật lệ” khác thường này?

Ông Phạm Quốc Toản: Các trường tư thục, ngoài hoạt động theo luật giáo dục còn hoạt động theo luật doanh nghiệp. Đối với giáo dục, việc giữ uy tín không phải bằng điều gì cao xa mà chủ yếu xuất phát từ cái tâm của người thầy. Đặc biệt, tính nhân văn của giáo dục không thể nói nằm trong văn bản nào. Và khi các trường tư thục coi trọng tính nhân văn, triển khai tốt điều này sẽ giữ thương hiệu, tăng uy tín của nhà trường và ngược lại.

Một ông bố ôm con an ủi sau khi làm bài thi. Ảnh kênh 14.vn

PV: Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, lỗ hổng dẫn đến những bất thường trong mùa tuyển sinh năm nay là do Sở GD&ĐT không công bố phổ điểm giúp học sinh có thêm kênh tham khảo?

Ông Phạm Quốc Toản: Phổ điểm để tham khảo và có thể đưa ra mức điểm chuẩn thì chúng tôi thấy chưa có một cơ sở khoa học nào nói lên điều đó. Bởi phổ điểm là chung trên toàn thành phố và với trên 95.000 thí sinh dự thi. Nhìn phổ điểm không thể biết được điểm chuẩn của hơn 100 trường công lập trên địa bàn.

Từ trước đến nay, Hà Nội cũng chưa bao giờ phân tích phổ điểm đó hay công bố. Ngay từ kế hoạch ban đầu cũng chưa có nội dung này. Tuy nhiên, nếu  phổ điểm có thể là một kênh để phụ huynh tham khảo được thì Sở sẽ nghiên cứu, tiếp thu. Và trong kế hoạch tuyển sinh những năm tới, chúng tôi sẽ triển khai tiếp thêm nội dung công bố phổ điểm thi của thí sinh.

PV: Mặc dù Sở GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các trường ngoài công lập trả lại tiền khi phụ huynh rút hồ sơ nhưng đến thời điểm này các trường vẫn không trả hoặc chỉ trả một phần rất nhỏ. Điều này đúng hay sai?Nếu sai họ sẽ bị xử lý thế nào?

Ông Phạm Quốc Toản: Trước hết với trách nhiệm quản lý ngành, chúng tôi có biện pháp  với các trường này. Tuy nhiên, bên cạnh biện pháp của các cấp quản lý là ban hành các văn bản chỉ đạo mang tính hành chính, chúng tôi cũng kêu gọi các nhà trường về tính nhân văn trong giáo dục. Bởi trong môi trường đặc thù như giáo dục, tính nhân văn chính là điều giúp nhà trường củng cố uy tín, giữ vững thương hiệu. 

Điều này không chỉ những nhà quản lý giáo dục nhìn thấy mà chính các bậc phụ huynh cũng hoàn toàn có thể cảm nhận được . Nếu các trường tư thục vi phạm điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của nhà trường trong những năm tiếp theo.

PV: Từ những bất cập trong tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, Sở GD&ĐT sẽ điều chỉnh, rút kinh nghiệm gì cho mùa tuyển sinh năm sau?

Ông Phạm Quốc Toản: Sau 1 đợt thi tuyển sinh, chúng tôi luôn có tổng kết rút kinh nghiệm. Đơn cử như năm 2014, khi có hiện tượng tuyển sinh đầu cấp rất nóng như phụ huynh xếp hàng ban đêm ngoài cổng trường để giành suất học cho con, phụ huynh chen chân nộp đơn đạp đổ cả cổng trường thì ngay sau năm học đó, chúng tôi đã mạnh dạn đưa vào tuyển sinh trực tuyến. 

Đầu tiên, hình thức tuyển sinh này mới chỉ được thử nghiệm ở 1 cấp học. Khi thấy có khả năng áp dụng đại trà, chúng tôi áp dụng đại trà và mở rộng cả 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS. 

Việc tuyển sinh trực tuyến trên thực tế đã giúp nhà trường và cha mẹ học sinh thuận lợi, nhẹ nhàng hơn.Với tuyển sinh lớp 10, thông qua ý kiến đóng góp của cha mẹ học sinh, các cơ quan truyền thông và đặc biệt là các nhà khoa học, chắc chắn trong năm tới chúng tôi sẽ có những điều chỉnh theo hướng hợp lý hơn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này !
Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.