Trường ĐH Đông Đô không được phép đào tạo văn bằng 2 bất cứ ngành nào

Thứ Bảy, 17/08/2019, 17:36
Ngày 17-8, Bộ GD & ĐT đã có thông tin chính thức, khẳng định đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép Trường này được đào tạo văn bằng 2.


 Sau vụ việc nguyên hiệu trưởng và một số cán bộ của Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác”, Báo CAND đã có bài phản ánh trách nhiệm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua vụ việc này. 

Ngày 17-8, trả lời báo chí, Bộ GD & ĐT khẳng định, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 (VB2) của Trường ĐH Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép Trường được đào tạo VB2.

*Không được phép vẫn ồ ạt tuyển sinh

Như vậy, không chỉ cử nhân ngôn ngữ Anh mà tất cả các ngành Trường Đại học Đông Đô đang đào tạo VB2 đều là trái pháp luật. Cũng theo Bộ GD & ĐT, theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22-6-2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 - VB2), việc đào tạo VB2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo VB2.

Đây là một trong những cơ sở của Trường Đại học Đông Đô, tọa lạc tại tầng 5 một chung cư trên đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân (Hà Nội).

Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục đại học của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2. 

“Do Trường ĐH Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo VB2, nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT)”, đại diện Bộ GD & ĐT cho biết.

Tuy nhiên, dù chưa được phép đào tạo VB2 đối với bất kỳ ngành đào tạo nào, nhưng Trường Đại học Đông Đô đã bất chấp pháp luật, thông báo tuyển sinh, chiêu sinh và thực hiện đào tạo khá rầm rộ. Chỉ riêng với ngành cử nhân ngôn ngữ Anh, số lượng học viên mà Trường này đào tạo đã lên đến gần 4.000. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù không được đào tạo VB2 nhưng năm 2017, Trường Đại học Đông Đô công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm: Công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước. Còn năm 2018, Trường Đại học Đông Đô đã ra thông báo về tuyển sinh VB2 ở ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung. 

*Vì sao không công khai danh sách cơ sở được đào tạo VB 2

Trước câu hỏi của PV, Bộ GD & ĐT có thường xuyên thanh tra, giám sát đào tạo VB2 không và việc công bố công khai các trường được cấp phép đào tạo VB2 được thực hiện như thế nào?

Đại diện Bộ GD & ĐT cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra VB2 được thực hiện trong chương trình kế hoạch chung về thanh tra, kiểm tra. Năm 2011, thực hiện Nghị quyết 50/2010/QH12 vềviệc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra tại Trường ĐH Đông Đô. Kết quả kiểm tra cho thấy, trường chưa có mặt bằng nên chưa xây dựng được cơ sở vật chất như cam kết; tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao. Do đó, Bộ đã có quyết định tạm dừng tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Đông Đô.

Triển khai kế hoạch thanh tra 2018, Bộ đã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thanh tra công tác tuyển sinh năm 2018 của Trường ĐH Đông Đô (Quyết định 80/QĐ-TTr ngày 19-9-2018). Tuy nhiên, Trường ĐH Đông Đô đã có văn bản đề nghị hoãn thanh tra, lý do trường đưa ra là thời điểm đó trường chuyển trụ sở, toàn bộ hồ sơ giấy tờ đều đã đóng gói niêm phong. 

Ngoài ra, trước khi cơ quan Công an ra quyết định khởi tố vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đông Đô, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức thanh tra công tác đào tạo VB2 tại 3 trường: Đại học Chu Văn An, Khoa Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) và Đại học Thành Đô.

Thực hiện quản lý nhà nước, ngoài hoạt động thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo Thanh tra và các đơn vị chức năng tập hợp, rà soát các vấn đề dư luận phản ánh về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, để tổ chức thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm nếu có.

Tuy nhiên, trước câu hỏi, việc công bố công khai các trường được cấp phép đào tạo VB2 được thực hiện như thế nào, thì Bộ GD & ĐT cho biết: Hiện nay, mọi văn bản của Bộ GD&ĐT cho phép các cơ sở giáo dục đại học được đào tạo VB2 đều được lưu trữ theo quy định về lưu trữ tại Văn phòng Bộ GD&ĐT (trừ các cơ sở giáo dục đại học là thành viên của 2 đại học Quốc gia, 3 đại học Vùng và 23 cơ sở giáo dục đại học được phép thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017). Như vậy, đến nay danh sách những cơ sở đào tạo được phép đào tạo VB2 vẫn còn bỏ ngỏ.

Bộ còn cho hay, theo quy định thực hiện công khai đối với cơ sở GD&ĐT thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, ban hành tại Thông tư số 09/2009/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐTvà thay thế tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm phải thực hiện công khai để người học, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội tham gia giám sát, đánh giá cơ sở GD&ĐT theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể: Công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng; và công khai thu chi tài chính. Đối với công khai hoạt động đào tạo theo nhiệm vụ được giao, trong đó có VB2 là quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo phải thực hiện (điểm h mục 1 Điều 7). 

Các quy định nêu trên, theo Bộ GD & ĐT nhằm tăng cường tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD&ĐT trong quản lý nguồn lực và đảm bảo chất lượng GD&ĐT. Nhưng về phía Bộ GD & ĐT, cả một thời gian dài buông lỏng quản lý mảng đào tạo văn bằng 2, thiếu kiểm tra, giám sát, tạo lỗ hổng để Trường ĐH Đông Đô vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến cán bộ bị khởi tố thì Bộ GD & ĐT không thể chối bỏ trách nhiệm trong quản lý VB2.

Hiện việc quản lý VB2 vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT Qui định về đào tạo để cấp bằng tốt nghiệp đại học thứ hai, ra đời từ năm 2001, gần 20 năm chưa có văn bản thay thế, trong khi Luật Giáo dục Đại học đã ra đời và đã được bổ sung, sửa đổi. 

Theo một chuyên gia giáo dục, sự lạc hậu về hành lang pháp lý quản lý VB2 đã cho thấy sự trì trệ trong quản lý mảng đào tạo này. Về phía Bộ GD & ĐT cho biết, năm 2018, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư số 10/2018/TT-BGDĐT quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học, trình độ cao đẳng nhưng mới chỉ cho nhóm ngành đào tạo giáo viên.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo thông tư quy định về đào tạo bằng tốt nghiệp thứ 2 trình độ đại học đối với tất cả các ngành. Ngày 28-5-2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 2297/BGDĐT-GDĐH,  gửi các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở đào tạo giáo viên; yêu cầu việc rà soát đào tạo liên thông, liên kết, VB2 của các cơ sở đào tạo đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

“Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (sinh viên, giảng viên, sinh viên trúng tuyển, sinh viên nhập học, sinh viên tốt nghiệp, chuyên ngành đào tạo…). Đây sẽ là công cụ để kiểm tra rà soát, quản lý về đào tạo đại học. Bên cạnh đó, Bộ đang dự thảo văn bản thay thế để tăng quyền tự chủ cho các trường, đồng thời, có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn với công tác đào tạo đại học nói chung và đào tạo VB2 nói riêng”, đại diện Bộ GD & ĐT thông tin.

Thu Phương
.
.
.