“Trầy trật” giữ danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia

Thứ Ba, 22/09/2020, 07:54
Một trong những nhiệm vụ ngành Giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh đặt ra trong năm học 2020-2021 là tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường chuẩn quốc gia. Đến nay, mục tiêu này đang đứng trước nhiều thử thách, trong đó khó nhất là tiêu chuẩn sĩ số lớp học.


“Tháo khoán” sĩ số, phụ huynh “rầu” lòng!

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, năm học 2020-2021, bậc học có tỷ lệ trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia cao nhất là bậc tiểu học (TH) với 71/500 trường (tỷ lệ 14,20%). Kế đến là bậc mầm non với 169/1.346 trường (12,56%), hai bậc THCS và THPT có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tương ứng là 28/280 trường (10%) và 4/199 trường (2,01%).

Áp lực sĩ số /lớp học là lý do chính khiến hầu hết các trường đã đạt chuẩn Quốc gia đành phá bỏ chuẩn, để ưu tiên chỗ học cho học sinh.

So với mục tiêu đặt ra của ngành Giáo dục là đến cuối năm 2020, thành phố phải có 25% trường mầm non và TH, 15% trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia, mỗi quận, huyện có ít nhất 2 trường học đạt chuẩn tiên tiến, hiện đại ở mỗi bậc học… thì mục tiêu còn rất nhiều thử thách.

Lý giải thực tế, một cán bộ Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, địa phương gặp khó trong việc duy trì sĩ số học sinh/lớp, đặc biệt nơi đông người dân nhập cư. Đầu năm học này, hàng loạt trường mầm non và TH phải duy trì sĩ số “khủng”, từ 48 - 50 học sinh/lớp, có nơi trên 50 học sinh/lớp để giải quyết chỗ học cho hơn 1.000 học sinh không có hộ khẩu thường trú.

Bà Phạm Thị Mười, Bí thư Chi bộ Khu phố 1, phường An Phú Đông, quận 12 cho biết, ở Trường TH Phạm Văn Chiêu đang duy trì sĩ số là 48 em, có một vài lớp trên 50 em/lớp. Năm nay TH Phạm Văn Chiêu cũng tăng thêm 2 lớp 1 thành 7 lớp 1.  Năm học 2020-2021, qua khảo sát toàn phường có tới 341 trường hợp trẻ không có hộ khẩu thường trú, theo cha mẹ từ tỉnh lên học tập, làm việc.

Để tạo điều kiện cho các bé đi học được thì không có cách nào khác là địa phương đã cùng bàn với ngành Giáo dục nhận hết số con em này vào học tại các trường. Chính vì vậy mà trong phường có TH Phạm Văn Chiêu và THCS An Phú Đông đều tăng sĩ số /lớp học. THCS An Phú Đông đã là trường chuẩn Quốc gia cũng đành “tháo khoán”, không thể giữ sĩ số học sinh/lớp như ý muốn của ngành Giáo dục được.

Bà Mười cho rằng, với trường TH mà từ 48 tới 50 em/lớp, 1 giáo viên chủ nhiệm duy nhất lo dạy dỗ và quản lý thì phải thừa nhận là quá vất vả và nặng nhọc cho các cô. Do đó một thực tế đang diễn ra tại địa phương này là nhiều PHHS tìm cách cho con sang các trường thuộc quận Gò Vấp, thậm chí đưa con lên tận khu vực quận 3, xin vào học các trường điểm với hy vọng con được chăm sóc tốt hơn. Nhìn vào thực tế cho thấy, nếu sĩ số tăng, đương nhiên chất lượng giảng dạy sẽ bị ảnh hưởng.

Với học sinh TH, còn là vấn đề nuôi dạy vì các em vừa mới rời ghế lớp Mầm non. “Việc giải quyết hết cho các cháu vào học nhưng cũng làm sĩ số mỗi lớp lên quá cao khiến chúng tôi cũng rất băn khoăn. Một cô chủ nhiệm nuôi dạy 40 đứa trẻ trong một lớp đã gay go, nay lên trên 50 em mỗi lớp thì không biết ra sao!”, bà Mười trăn trở.

Hiện, phường An Phú Đông, quận 12 cũng mới có 2 trường TH, đó là  TH Phạm Văn Chiêu và TH Võ Thị Thừa. Một phường vùng ven như An Phú Đông, nhưng nhiều năm nay chưa khi nào các trường TH trên địa bàn kéo được sĩ số lớp học xuống 35 em/lớp. Còn trường TH Võ Thị Thừa mới đi vào hoạt động 3 năm nay. Trong khi đó, cách đây hơn 10 năm, sĩ số lớp học của TH Phạm Văn Chiêu, quận 12 là chưa tới 35 em/lớp.

Không chỉ vấn đề sĩ số, chuyện chất lượng bán trú cũng lo bị ảnh hưởng. Tại TH Phạm Văn Chiêu, chiếc bàn của lớp bán trú được tận dụng công suất tối đa: sáng để ngồi học, trưa để làm bàn ăn và trưa, xếp lại làm giường để ngủ. Mỗi lớp 48 – 50 em, nếu hỏi cô chủ nhiệm giám sát được hết em nào ngủ em nào không thì không ai dám trả lời. Anh Đ.T (ngụ phường 15, Gò Vấp), có con đang theo học lớp 2- TH Lê Quý Đôn, kể năm nay con anh lên lớp 2, đột ngột sĩ số lớp tăng vọt từ 32 lên 47 bé, do sĩ số tăng đã làm việc học tập của con anh bị ảnh hưởng, vợ chồng anh thay nhau kèm con làm bài tập tới tận 20 giờ tối mới xong…

Vẫn là bài toán giữ đất cho ngành

Chia sẻ về xây dựng trường chuẩn quốc gia, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (quận Gò Vấp) Nguyễn Thị Mỹ Lệ, cho biết, sau hơn 40 năm nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ và hiện trường đã được công nhận chuẩn Quốc gia mức độ 1. Trường luôn chủ động tham mưu lãnh đạo địa phương nhắc nhở các hộ dân xung quanh trường kiểm tra, tháo các bạt treo, dẹp bỏ nhiều vật dụng trên mái nhà, kiểm tra mái tôn nhằm đảm bảo an toàn sân chơi cho trẻ.

Với cô Ngô Thị Ngọc Hân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Anh (quận Tân Phú) - đơn vị vừa được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, cho biết trường mạnh dạn giới thiệu cho cha mẹ học sinh có con trong độ tuổi lớp mầm (3 tuổi) và chồi (4 tuổi) đến học tại các lớp mẫu giáo độc lập, tư thục trên địa bàn phường, đồng thời kêu gọi nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ nhà trường một số hiện vật (như chậu hoa, cây xanh, tranh vẽ, sơn nước, thiết bị thang leo), tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường, giúp cha mẹ học sinh ngày càng tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, phong trào của trường nhằm tạo nên một môi trường học thân thiện.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD-ĐT, hiện thành phố có 64 trường TH đạt chuẩn Quốc gia, trong đó khối Mầm non đã có 9 trường, và TH có 13 trường đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá ngoài với công tác kiểm định chất lượng và công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia. Tuy nhiên, việc duy trì chuẩn của các trường đã đạt chuẩn chưa thật sự bền vững vì hầu hết các trường TH, đặc biệt những trường đã đạt chuẩn Quốc gia, không đảm bảo được sĩ số.

Lý do chính  là diện tích đất tại thành phố có giới hạn trong khi dân số thì ngày một tăng; đã vậy tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa đảm bảo theo quy định của trường dạy 2 buổi/ngày do khó khăn về biên chế. Trong khi đó, thời hạn công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia là 5 năm. Sau 5 năm, các trường phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình để các cấp để được kiểm tra, công nhận lại. Song vì sĩ số, CSVC, phòng ốc thiếu tiêu chuẩn, diện tích sân chơi…đều vướng quy định, vì vậy mà hằng năm, số trường tham gia đăng ký công nhận lại chuẩn Quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, chấp nhận phá chuẩn Quốc gia vì quyền lợi học sinh.

Huyền Nga
.
.
.