Tổ chức Cụm thi THPT Quốc gia tại khu vực TP HCM:

Trách nhiệm nặng nề khi được xã hội đặt niềm tin

Chủ Nhật, 21/12/2014, 13:54
“Cảm giác hồi hộp, lo lắng là có thật khi được giao trọng trách chủ trì cụm thi THPT quốc gia của kỳ tuyển sinh 2015. Kỳ thi quá mới với tất cả các trường vì mang tính đột phá. Tuy nhiên, khi được Bộ GD-ĐT “chọn mặt gửi vàng”, là đơn vị đứng ra tổ chức cụm thi thì chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm lên cao nhất” - Tiến sỹ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Nông lâm TP HCM bày tỏ.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 với nhiệm vụ vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ dự kiến tại khu vực TP HCM sẽ có khoảng 175.000 thí sinh dự thi. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Quy chế kỳ thi THPT quốc gia vào ngày 18/12 vừa qua, “hình hài” công tác tổ chức một kỳ thi có nhiều điểm mới, dần hé mở so với đặc thù của thi cử theo hình thức 3 chung trước đây.

Trước đó, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng đã có buổi làm việc với đại diện của 6 trường ĐH lớn tại TP. HCM được chủ trì làm cụm thi THPT quốc gia. Dựa  theo phân bố địa lý, năng lực của từng trường trong công tác tổ chức thi ĐH-CĐ nhiều năm qua mà ĐH Tôn Đức Thắng sẽ đảm trách cụm thi cho thí sinh quận 7 và các khu vực lân cận; ĐH Nông lâm TP HCM sẽ phụ trách ở khu vực Thủ Đức, quận 9 và một số tỉnh lân cận; ĐH Sư phạm TP HCM và ĐH Y dược lo cho thí sinh ở khu vực trung tâm; riêng nội bộ cụm thi ĐH Quốc gia TP HCM cũng sẽ có 2 cụm thi ở ĐH Khoa học tự nhiên và ĐH Bách khoa TP HCM.

Theo TS Trần Đình Lý, nếu nói về bề thế và kinh nghiệm tổ chức tuyển sinh ĐH-CĐ thì có rất nhiều trường ĐH có khả năng đáp ứng. Tuy nhiên, chủ trì cụm thi THPT quốc gia thì yếu tố để lựa chọn là việc phân bố địa lý giữa các trường học để có thể rải đều lượng thí sinh, không co cụm quá nhiều ở một chỗ.

Trường ĐH Nông lâm TP HCM đã có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tổ chức thi ĐH-CĐ cho số đông thí sinh: Trong năm 2013, tổ chức cho hơn 47.000 thí sinh và năm 2014 là hơn 37.000 thí sinh thi ĐH-CĐ. Số lượng phòng thi trường hiện có và huy động thêm từ các trường ĐH-CĐ, THPT trong khu vực quận Thủ Đức, quận 9, các tỉnh lân cận là tương đối lớn, có thể đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia.

Dư luận xã hội đang rất kỳ vọng những điều mới mẻ từ một kỳ thi duy nhất vào năm 2015.

Ngay trên địa bàn quận 9 và quận Thủ Đức đã tập trung 18 trường ĐH-CĐ có khoảng cách gần với ĐH Nông lâm như: ĐH An ninh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Ngân hàng, ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Kinh tế - Luật. Ngoài ra, ĐH Nông lâm nằm tại khu vực giáp ranh với một số tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bến Tre, Bình Thuận... tập trung 53 trường THPT có thể phối hợp về CSVC, phòng thi, trang thiết bị, giáo viên, cán bộ chấm thi.

Trường ĐH Nông lâm đáp ứng 5.776 chỗ thi cùng với 27.230 chỗ thi cho thí sinh (795 phòng thi) tại 18 trường THPT đóng trên địa bàn. Để bố trí chỗ trọ cho thí sinh, KTX của trường có 1.500 chỗ, phối hợp KTX của 6 trường bạn (ĐH Ngân hàng TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải,…) lo được gần 3.000 chỗ trọ cho thí sinh. Trên địa bàn theo khảo sát cũng có 5.000 chỗ trọ và 300 chỗ tại các khách sạn, nhà trọ xung quanh cụm thi.

Việc điều động cán bộ coi thi, đáp ứng cho kỳ thi quốc gia, trường đã chuẩn bị sẵn sàng. Riêng số giáo viên của nhà trường và số sinh viên năm cuối đáp ứng là 1.703 người. Số giáo viên huy động từ 18 trường ĐH–CĐ đóng trên địa bàn là 795 người. Để chuẩn bị cho công tác chấm thi, ĐH Nông lâm đã liên hệ và đặt vấn đề với 53 trường THPT thuộc quận Thủ Đức, quận 9 và các tỉnh lân cận được 383 giáo viên, đều có kinh nghiệm trong chấm thi tốt nghiệp THPT hằng năm và tuyển sinh ĐH-CĐ.

TS Trần Đình Lý cho biết, đã uỷ quyền công tác sao, in, đóng gói đề thi cho cụm thi do ĐH Quốc gia TP HCM chủ trì. Trước ngày thi, Ban đề thi sẽ tổ chức tiếp nhận, bảo quản và bàn giao đề cho Ban coi thi đúng thời hạn, theo qui định của Bộ GD-ĐT. Đặc biệt là công tác thanh tra đảm bảo an toàn trong chấm thi, đảm bảo tính nghiêm túc luôn được coi trọng. ĐH Nông lâm sẽ dành hẳn một khu vực cách ly hoàn toàn với bên ngoài có bảo vệ nhà trường cùng Công an, cán bộ An ninh khu vực quận Thủ Đức trực 24/24h cho việc chấm thi… Hiện các công tác chuẩn bị về trang thiết bị, máy tính, phần mềm chấm thi trắc nghiệm, khả năng tương thích với phần mềm quản lý thi THPT quốc gia đã hoàn tất.

Cũng theo TS Trần Đình Lý, ĐH Nông lâm đóng trên địa bàn quận Thủ Đức và quận 9 là một quận ngoại thành, vì vậy trong quá trình tổ chức thi sẽ làm giảm áp lực thí sinh đổ dồn về trung tâm thành phố. Trong trường hợp phải huy động các trường THPT ở khá xa để tổ chức thi ĐH sẽ đề xuất Bộ cho sử dụng một số trường THCS gần trường, vừa giúp cho thí sinh không phải di chuyển xa, vừa tận dụng được phòng ốc, phân bố địa điểm thi được thuận tiện hơn.

Cũng cần tiên lượng được khó khăn, rủi ro khi tổ chức. Năm nay 4 môn thi bắt buộc thì thí sinh sẽ dồn về đông nhất trong mấy ngày đầu. Kỳ thi trong 4 ngày. Khi vào môn thứ 7, thứ 8 sẽ còn ít thí sinh. Sẽ có thể phát sinh chuyện phòng thi ở một số trường ấn định còn rất ít thí sinh đăng ký. Khi ấy có thể phải cân nhắc di chuyển qua địa điểm thi khác cho tập trung hơn. Hay hiện có trường THPT ra điều kiện kỳ thi tốt nghiệp họ chỉ sắp xếp 1 thí sinh/bàn, vậy với tình huống này cụm thi phải đặt ra.

Trong quá trình tổ chức, giữa các cụm thi phải có sự ngồi lại với nhau nhiều lần, phối hợp với các công tác thanh tra khi thấy phổ điểm khác lạ. Các thành phần tham gia trong hội đồng thi phải kết hợp nhuần nhuyễn... vì đây là một kỳ thi đổi mới với sự giám sát của toàn xã hội, các đơn vị được “đăng cai” cụm thi THPT quốc gia phải thấy đây là một trách nhiệm nặng nề và phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Huyền Nga
.
.
.