Tốt nghiệp phổ thông là có thể giao tiếp bằng ngoại ngữ

Thứ Sáu, 21/08/2015, 17:14
Thay vì chú trọng nhiều vào ngữ pháp, sẽ tăng cường các kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói với mục đích sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh sẽ có thể giao tiếp được, kể cả với người nước ngoài.

Ngày 21/8, tại Hà Nội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bước đột phá của ngành giáo dục”.

Tại buổi tọa đàm, vẫn còn những ý kiến băn khoăn về lộ trình thực hiện chương trình, tổ chức đào tạo giáo viên, đặc biệt là các môn học tích hợp như khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và việc cho phép học sinh học theo hình thức tự chọn có “tiếp tay” cho việc học lệch của học sinh, nhất là các môn xã hội như Lịch sử?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển và các khách mời tham gia chương trình. Ảnh Nguyễn Khánh.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: Lịch sử là nội dung vừa bắt buộc vừa tự chọn trong giáo dục phổ thông. Trong thời gian sắp tới, sẽ có môn giáo dục công dân và Tổ quốc. Phần lịch sử cũng sẽ được tích hợp ở môn học này.

Ngoài ra, kiến thức về lịch sử còn được bổ sung trong phần tích hợp khoa học xã hội. Với cách phân bổ kiến thức như vậy, sẽ không có chuyện bỏ quên môn học này, khiến học sinh ngày càng “quay lưng lại với lịch sử” như nhiều người lo lắng.

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, với môn ngoại ngữ, một môn học quan trọng trong việc làm cầu nối ra thế giới, nhất là trong giai đoạn nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, tới đây chương trình sẽ có những điều chỉnh và thay đổi nhất định.

Thay vì chú trọng nhiều vào ngữ pháp, sẽ tăng cường các kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng nghe, nói với mục đích sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh sẽ có thể giao tiếp được, kể cả với người nước ngoài.

Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, trong thời gian tới sẽ triển khai thí điểm mô hình trường phổ thông du lịch, đón khách nước ngoài đến viếng thăm để các em có thêm cơ hội tăng cường các kỹ năng giao tiếp.

Liên quan đến việc đào tạo giáo viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy các môn tích hợp, PGS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đề xuất: Song song với việc đào tạo giáo viên mới, Bộ GD&ĐT cũng phải tiến hành bồi dưỡng giáo viên cũ và tăng cường năng lực giảng dạy của giáo viên sư phạm. Và một trong những việc cần làm ngay là bồi dưỡng giáo viên giảng dạy các môn tích hợp.

“Một giáo viên dạy Lý hoặc Hoá phải được đào tạo 4 năm mới có thể đứng lớp, nay phải dạy thêm cả Toán nữa thì liệu họ có đáp ứng được không? Đây cũng là vấn đề Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu kỹ bởi để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, đòi hỏi người dạy và người học phải có một nhận thức mới. Do vậy, việc đào tạo giáo viên, đặc biệt là tại các trường sư phạm trong tương lai gần sẽ phải tái cấu trúc lại các khoa, bộ môn cho phù hợp với yêu cầu mới” - ông Quang cho biết.

Huyền Thanh
.
.
.