Thuốc nào chữa "bệnh thành tích" trong giáo dục

Thứ Năm, 14/06/2018, 09:37
Tại phiên đăng đàn và trả lời chất vấn đại biểu quốc hội của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), vấn đề điểm số và bệnh thành tích được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. 

Nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, giấy khen hiện nay ở các nhà trường đang dần mất giá trị, bởi vì điểm số hiện nay cho quá dễ, kéo theo đó là số lượng học sinh khá, giỏi quá nhiều. 

Không chỉ ở các thành phố lớn, tỷ lệ học sinh giỏi gần chạm tới con số tối đa mà ngay cả các trường THPT miền núi, tỷ lệ học sinh giỏi năm học 2017 - 2018 cũng rơi vào khoảng 55-70%. Điều này cho thấy, bệnh thành tích trong giáo dục dường như đang ngày càng lan rộng.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, 2 năm học gần đây, số lượng học sinh tiểu học đạt điểm 10 môn toán ở mỗi khối đều trên 35.000; môn tiếng Việt đều trên 20.000; cấp trung học (gồm THCS và THPT) có tới hàng trăm nghìn học sinh giỏi. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tỷ lệ học sinh giỏi trong nhà trường quá cao cũng là biểu hiện của bệnh thành tích. Ảnh minh họa.

Trên bình diện cả nước, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong năm 2017, ở cấp tiểu học, mức độ hoàn thành và phát triển phẩm chất đạt 100%; mức độ hoàn thành và phát triển năng lực đạt 99,9%. 

Điểm kiểm tra cuối năm các môn học tỷ lệ học sinh có điểm trung bình trở xuống chỉ chiếm chưa đầy 1% ở tất cả các môn, còn lại đều trên trung bình. Ở bậc trung học, cả nước có tới vài triệu học sinh khá giỏi và tỷ lệ này tăng dần đều theo các năm...

Chia sẻ với PV Báo CAND, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Hiện nay chúng ta chủ yếu mới kiểm tra kiến thức, kỹ năng mà chưa đánh giá được năng lực thực sự của học sinh, vẫn coi đánh giá là khâu cuối cùng, trong khi lẽ ra phải diễn ra trong suốt quá trình giáo dục. 

Điều này dẫn tới việc chỉ coi trọng điểm số, coi trọng “phần ngọn” mà không đánh giá được những năng lực khác của người học... Các mối quan hệ trong nhiều trường hợp hầu như chủ yếu mới chỉ nhìn nhận, đánh giá nhau bằng điểm số, tỷ lệ học sinh giỏi... 

Do vậy rất khó tránh khỏi hiện tượng nhà trường, giáo viên vì thương học trò, vì thành tích của bản thân, vì “chiều lòng” phụ huynh... dẫn tới cho điểm, xếp loại học sinh chưa thực sự khách quan. 

Bên cạnh đó, chính sách thi đua khen thưởng đối với nhà trường và giáo viên hiện nay cũng chủ yếu dựa vào kết quả tuyệt đối khiến chính nhà trường và giáo viên đang phải chịu sức ép lớn.

Thành tích của giáo viên lẽ ra phải là kết quả gia tăng trong suốt quá trình dạy và học thì chúng ta lại đi đánh giá kết quả tuyệt đối. Trong khi đó, nếu chỉ dựa vào kết quả tuyệt đối sẽ là phản khoa học và lỗi thời. 

Cũng chính vì phải đối phó với cách đánh giá này mà tại rất nhiều trường, nhiều lớp, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh khá đang có xu hướng tăng lên.

Cũng theo GS Đào Trọng Thi, thi đua là tốt và luôn cần thiết, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đã thi đua thì phải đặt ra chỉ tiêu cụ thể, khoa học để mà phấn đấu. Còn nếu đặt tiêu chuẩn thi đua quá cứng nhắc và phản khoa học thì nhiều khi giáo viên, nhà trường vẫn phải lách quy định để đối phó, dễ dẫn đến tiêu cực. Và mỗi khi thành tích giả vẫn được dung túng thì rõ ràng chất lượng thật về giáo dục cũng như chất lượng về các công việc của đất nước nói chung rất kém... 

“Hiện vẫn còn những bất cập trong chính sách thi đua khen thưởng mà Nhà nước và các cơ quan hành chính sự nghiệp, ở đây là Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương, Luật Thi đua Khen thưởng nói chung, hệ thống thi đua khen thưởng của ngành Giáo dục nói riêng cần phải xem xét để điều chỉnh phù hợp hơn. Bởi chỉ khi nào tiêu chí thi đua khoa học, sát thực thì kết quả thi đua mới thực chất và chính xác, bệnh thành tích cũng nhờ đó mà sẽ được đẩy lùi” - GS Đào Trọng Thi đề xuất.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh: Thay đổi căn bản nhất cần làm là phải đánh giá được năng lực của người học bằng một bộ công cụ đạt chuẩn. Việc đánh giá này cần được tiến hành trong suốt quá trình chứ không phải chỉ là “đích đến”. 

Do vậy, bên cạnh việc các trường tự đánh giá thì cần phải có một đơn vị độc lập kiểm định, đánh giá chất lượng của các trường để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. 

Cơ quan kiểm định chất lượng này sẽ giám sát và có thể chọn mẫu đánh giá một cách ngẫu nhiên một số học sinh để xem kết quả đánh giá của trường có đúng thực tế hay không.

Huyền Thanh
.
.
.