Thi trắc nghiệm phù hợp cho kỳ thi tuyển chọn số đông
Trước các ý kiến cho rằng, thi trắc nghiệm môn Toán và môn Lịch sử sẽ “phá nát” môn học, “làm hỏng” tư duy của học sinh và không tuyển chọn được nhân tài, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT, chuyên gia về đo lường, đánh giá cho rằng: Nghĩ như thế là đang nhầm mục tiêu vì kỳ thi THPT quốc gia không phải là kỳ thi tuyển chọn nhân tài mà chỉ là kỳ thi phân loại, đánh giá các kiến thức, kỹ năng cơ bản của học sinh. Nếu thi để tuyển dụng nhân tài như các kỳ thi học sinh giỏi Toán và Olimpic Toán học thì không nên chọn phương án thi trắc nghiệm.
Cũng theo GS Lâm Quang Thiệp, trên thế giới, các kỳ thi tiêu chuẩn hóa quy mô lớn đều dùng phương pháp trắc nghiệm. Thực tế cho thấy, đây là một trong những loại hình đánh giá nhanh, toàn diện, cụ thể, chứ không chung chung. Việc chấm thi khách quan và chính xác, ít sai sót nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Hạn chế của phương pháp này là không phát huy được tính sáng tạo khi câu trả lời chỉ có 1 phương án đúng trong các phương án đưa ra.
Tuy nhiên, thi trắc nghiệm phù hợp cho kỳ thi tuyển chọn số đông và yêu cầu kiến thức rất cơ bản và rất chắc chắn. Để đánh giá số đông tại một thời điểm ngắn thì phương thức trắc nghiệm là hợp lý nhất. Tất nhiên, nếu cần để phân loại cao hơn và để hỗ trợ cho phương pháp thi trắc nghiệm, thì có thể bổ sung thêm các hình thức thi vấn đáp, phỏng vấn sâu….
Hơn nữa, để trả lời được câu hỏi trắc nghiệm Toán đúng thì học sinh cũng phải tính toán, tuy tính toán và trả lời không diễn giải và không quá phức tạp. Tư duy của thí sinh sẽ được thể hiện khi đã lựa chọn được phương án đúng. Mức độ may rủi không đáng kể đối với những thí sinh có học lưc từ trung bình trở lên.
Các chuyên gia của Hiệp hội các trường ĐH-CĐ trao đổi với báo chí về phương án thi THPT quốc gia năm 2017. |
Về việc thi trắc nghiệm môn Lịch sử, GS. Lâm Quang Thiệp cho biết: Lâu nay các môn Khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa đều thi tự luận. Để chấm thi, phải triệu tập rất nhiều giáo viên, quy định barem chấm rất chi tiết và giáo viên phải đếm ý để chấm điểm. Và việc chấm theo ý này chính là đang sử dụng phương pháp trắc nghiệm, biến đề tự luận hay thành trắc nghiệm tồi.
“Trong đề xuất của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ gửi Bộ GD&ĐT 2 năm trước đây, các môn đều thi trắc nghiệm nhưng tất cả đều có thời lượng tự luận khoảng 30 phút, tức là cần có sự linh hoạt. Tuy nhiên, trong dự thảo của Bộ GD&ĐT chưa thể hiện rõ điều này. Hơn nữa, vấn đề đặt ra ở đây là Bộ GD&ĐT phải tổ chức như thế nào để có kỳ thi tốt, Bộ có huy động được đội ngũ chuyên gia giỏi vào công tác ra đề thi hay không vì đối với thi trắc nghiệm, đề thi ảnh hưởng rất lớn đến kết quả”-ông Thiệp cho hay.
Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục cũng cho rằng: Mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia là đánh giá các kiến thức, kỹ năng cơ bản của học sinh phổ thông. Việc các trường ĐH, CĐ có dùng kết quả này để xét tuyển hay không hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của các trường. Do mục tiêu của kỳ thi như thế nên đề thi trắc nghiệm với 40-60 câu hỏi, hoàn toàn có thể đánh giá đúng các kỹ năng cơ bản của học sinh. Bộ GD&ĐT công bố dự thảo ngay vào thời điểm đầu năm học mới nên giáo viên và học sinh hoàn toàn có thời gian để chuẩn bị vì các em đều mới bắt đầu vào chương trình học chính. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ngân hàng đề thi có đủ, có chuẩn hóa hay không.
“Nếu áp dụng luôn trong năm 2017, thì Bộ GD&ĐT cần phải sớm xây dựng ngân hàng câu hỏi bài thi tổ hợp rồi thử nghiệm ở học sinh lớp 12. Sau đó chỉnh sửa các câu hỏi cho chuẩn trong quá trình thử nghiệm rồi đưa vào ngân hàng. Đồng thời Bộ cũng cần sớm định dạng đề thi và đưa lên mạng cho các em học sinh lớp 12 làm thử. Các trường ĐH, CĐ cũng phải sớm công bố phương án tuyển sinh và chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 công khai, minh bạch để học sinh được biết”- bà Nga đề xuất.