Thí sinh điểm cao bắt đầu “tháo chạy” khỏi trường top trên

Thứ Sáu, 14/08/2015, 19:54
Ngày thứ 14 xét tuyển Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) chính quy năm 2015, tình trạng thí sinh (TS) điểm cao “tháo chạy” khỏi một số khoa “hot” của các trường top trên, “đầu quân” vào các trường top giữa dự kiến có điểm chuẩn thấp hơn. Cũng vào thời điểm “nước rút” này, nhiều TS ở Hà Nội mới bắt đầu đi nộp hồ sơ xét tuyển.

Điểm cao cũng “trượt” khi đăng ký vào khoa “hot”

Tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã có 3.592 TS nộp hồ sơ với trên 10.000 nguyện vọng. Trong số những TS đến rút hồ sơ vào sáng 14/8, có rất nhiều TS có điểm số cao. TS Bùi Thu Hiền đến từ TP Vinh (Nghệ An) cho biết: “Em thi Khối C được 24 điểm. Với điểm số này, em đã từng cảm thấy khá tự tin khi nộp hồ sơ vào khoa Ngữ Văn, ĐH Sư Phạm Hà Nội. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay, điểm số trên đã không còn nằm trong danh sách an toàn do mấy ngày qua có thêm nhiều bạn điểm cao nộp hồ sơ, trong đó có bạn được cộng điểm ưu tiên tới 2-3 điểm. Do vậy, em quyết định ra rút hồ sơ để nộp vào Khoa Ngữ văn ĐH Vinh”.

TS làm thủ tục đăng ký hồ sơ tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Tại ĐH Y Hà Nội, mới có hơn 1.000 TS nộp hồ sơ vào trường nên TS đến rút hồ sơ chưa nhiều. Tuy nhiên, trong số này đã có nhiều TS có phổ điểm từ 24-26 điểm. TS Bùi Viết Nam ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) cho biết: “Năm nay em thi được 26 điểm nên đã mạnh dạn nộp hồ sơ vào ĐH Y Hà Nội vì điểm chuẩn của ngành này năm 2014 là 25,5 điểm. Tuy nhiên, do có nhiều bạn điểm cao “đầu quân” vào nên điểm số của em đã không còn nằm trong khu vực an toàn. Nguyện vọng của em là trở thành Bác sỹ Đa khoa nên sau khi rút hồ sơ ở đây, em sẽ nộp vào ngành Bác sỹ Đa khoa của ĐH Y Thái Nguyên”. Theo một cán bộ của Phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội, tính đến chiều 14-8, đã có hơn 500 TS đạt 27,25 điểm ngành Bác sĩ Đa khoa, trong khi chỉ tiêu của trường là 500 đối với ngành này. Do vậy, một số TS 27 điểm nhiều khả năng cũng sẽ phải rút hồ sơ hoặc chuyển nguyện vọng sang ngành có điểm chuẩn thấp hơn trong những ngày sắp tới.

Ở một số trường ĐH “bội thu” về số lượng TS đăng ký, xu hướng TS “tháo chạy” để chuyển sang các trường có điểm chuẩn thấp hơn cũng đang tiếp diễn. Theo thống kê của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, lượng hồ sơ nộp vào trường tính đến thời điểm này là hơn 13.000 hồ sơ với trên 20.000 nguyện vọng. Trong đó, số TS rút hồ sơ trong 3 ngày gần đây là trên 1.300 hồ sơ. Nhà trường sẽ tiếp nhận và điều chỉnh hồ sơ cho đến ngày 20/8.

Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân đến chiều 14/8, đã có hơn 900 hồ sơ có thể sẽ phải rút tại trường. Các TS phải rút hồ sơ là do số điểm dự kiến vào trường ngày càng tăng. Điểm “trúng tuyển tạm thời” thay đổi liên tục đã khiến các TS nằm ngoài danh sách an toàn ồ ạt đến trường rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng. Tại trường ĐH Thương mại Hà Nội, số TS đến rút hồ sơ trong 3 ngày qua cũng xấp xỉ con số 1.000. Trong khi đó, tại một số trường ĐH có số lượng hồ sơ đăng ký vừa phải, số lượng TS đến rút hồ sơ còn rải rác. Tại trường Đại học Thủy lợi, hơn 2.000 TS nộp hồ sơ, số lượng rút hồ sơ không nhiều, chưa đến 100 bộ...

Thí sinh Hà Nội “găm” hồ sơ vì thời gian xét tuyển kéo dài?

Trong khi nhiều TS ngoại tỉnh rồng rắn kéo nhau lên Hà Nội để rút hồ sơ thì vào thời điểm này, nhiều TS ở Hà Nội mới bắt đầu đi nộp hồ sơ xét tuyển. Ông Nguyễn Đức Vũ, phụ huynh của TS Nguyễn Bích Thủy ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cùng con gái đi nộp hồ sơ vào trường ĐH Thương mại cho biết: Thay vì nộp hồ sơ sớm, gần 2 tuần nay, con gái ông chủ yếu vào website của trường để cập nhật dữ liệu về TS đăng ký. Sau khi nghiên cứu kỹ, hôm nay cháu mới quyết định nộp hồ sơ vào Khoa Thương mại điện tử của trường. “Với 24 điểm trong khi điểm chuẩn của ngành này năm 2014 là 19, TS điểm cao nhất đến thời điểm hiện tại là 24 nên có nhiều khả năng cháu sẽ nằm trong danh sách an toàn”- ông Vũ cho biết.

Lý giải về xu hướng nhiều TS điểm cao ở Hà Nội vẫn đang có tâm lý “găm” hồ sơ để “chốt hạ” vào những thời điểm cuối cùng, bà Nguyễn Thị Thìn, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngoại giao cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thời gian nộp hồ sơ xét tuyển quá dài. Việc TS có tới 20 ngày để lựa chọn khiến TS có tâm lý dè dặt, thăm dò. Đặc biệt, các TS ở Hà Nội lại thuận lợi hơn trong việc đi lại và cập nhật thông tin so các TS ngoại tỉnh nên cũng có thêm lý do để chờ đợi và nghe ngóng trước khi đưa ra quyết định. Dự đoán, vào giai đoạn từ 15-20, số lượng TS nộp hồ sơ sẽ rất đông sẽ tạo áp lực lớn cho các trường trong việc bố trí cán bộ nhận và rút hồ sơ. TS đã mệt mỏi sau những ngày thi, giờ lại chấp chới với thang điểm thay đổi từng giờ của các trường nên càng thêm bất an, mệt mỏi.

Đồng quan điểm này, TS. Hoàng Dũng Sỹ, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cũng cho biết: “Nếu trong năm tới, Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục giữ hình thức xét tuyển như năm nay thì nên rút ngắn thời gian để giúp các trường và TS thuận lợi hơn trong việc nhận hồ sơ xét tuyển.Thay vì 20 ngày, có thể rút xuống khoảng 1 tuần hoặc 10 ngày là thuận lợi, tiết kiệm được cả thời gian và công sức cho TS lẫn các trường. Việc rải rác thu hồ sơ như hiện nay không chỉ gây khó khăn cho các trường mà còn kéo dài nỗi lo lắng cho TS và gia đình. Đó là chưa kể, một số trường top dưới còn rơi vào tình trạng bị động, bất an vì phải dài cổ... đợi TS”.

Huyền Thanh
.
.
.