Thi THPT quốc gia năm 2017: Sẽ tăng cường các cuộc thanh tra không báo trước

Thứ Tư, 21/06/2017, 10:11
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về công tác thanh tra thi, một khâu rất quan trọng,  trong bối cảnh kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 lần đầu tiên được giao cho các Sở GD&ĐT chủ trì.

 

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Nhằm đảm bảo công bằng và nghiêm túc cho tất cả các thí sinh diễn ra trong các điểm thi, theo quy chế và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều lực lượng chịu trách nhiệm trực tiếp. Đầu tiên là cán bộ giám sát từ phòng thi được quy định là tối đa 7 phòng thi có 1 giám sát.

Họ có quyền giám sát việc làm của giám thị và các lực lượng khác, có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu không thực hiện đúng quy định. Thanh tra Sở GD&ĐT sẽ thanh tra tất cả các điểm thi, từ điểm trưởng, giám thị đến giám sát. Tại kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT quyết định thành lập 10 đoàn thanh tra, chia theo các khu vực.

Ý nghĩa của việc thanh tra không có nghĩa là đến từng điểm một, mà sẽ tác động vào cả hệ thống, ở tất cả 63 tỉnh, thành. Thanh tra cấp Bộ không nhằm trực tiếp xử lý trường hợp cụ thể, mà tập trung chỉ đạo việc làm đúng, chấn chỉnh việc làm chưa đúng.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ rút ngắn hơn 1,5 ngày so với năm 2016. Ảnh minh họa

Đặc biệt, bắt đầu từ sáng 20-6, đường dây nóng của Thanh tra Bộ GD&ĐT bắt đầu hoạt động để tiếp nhận mọi phản ánh của người dân liên quan tới công tác thanh tra kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Theo đó, người dân phản ánh thông tin sai phạm, tiêu cực liên quan tới kỳ thi có thể liên lạc qua số điện thoại đường dây nóng: 04.36231285 hoặc 0923.006757. Fax: 04.38693145.

Thanh tra Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu thanh tra các Sở triển khai và duy trì đường dây nóng 24/24h trong suốt quá trình thi quốc gia. Thực hiện thanh tra thi quốc gia từ 20-6 cho đến hết ngày 6-7.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch, năm nay Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường các cuộc thanh tra đột xuất đến các điểm không báo trước. Đây là những cuộc thanh tra không nhiều người biết, không “đánh úp”, mà là làm việc khách quan, đúng người, đúng việc.

Bên cạnh việc thanh tra đột xuất còn có đoàn thanh tra lưu động, vừa tổng hợp tình hình từ tất cả các đoàn thanh tra khác, khi cần sẽ tỏa đi khắp nơi và báo cáo kịp thời ban chỉ đạo xử lý khi phát hiện xảy ra sai phạm.

“Năm nay, ngoài Cục A83, trong Ban chỉ đạo thi Trung ương còn có sự tham gia của thành viên Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công An) sẽ tham gia trực tiếp và họ sẽ có những biện pháp chỉ đạo theo ngành dọc để xử lý nếu có thí sinh vi phạm quy định sử dụng thiết bị công nghệ cao. Do đó, trong quá trình làm việc nếu phát hiện sai phạm thì phía thanh tra sẽ phối hợp với Công an để xử lý kịp thời” - ông Bằng nhấn mạnh.

Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng cũng cho rằng, kỳ thi năm nay, chỉ có một loại cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, vừa dùng xét tốt nghiệp, vừa dùng xét tuyển đại học, cao đẳng, vì vậy bản thân từng thí sinh phải đặc biệt chú ý đến quy chế.

Tuy nhiên, trong quá trình diễn ra kỳ thi, có hàng trăm nghìn thí sinh thi, vì lý do nào đó, do nhận thức và sự hiểu biết của các em là không giống nhau nên cũng có thể xảy ra những chuyện không mong muốn.

Nhận thức rõ điều này, Bộ GD&ĐT đã chú trọng tuyên truyền tập huấn làm sao cho thí sinh thấy rằng ở trong phòng thi cần tập trung cao độ. Các giám thị và lực lượng khác làm việc nghiêm túc, đúng chức trách nhưng không gây căng thẳng, tạo sự yên tâm, công bằng để thí sinh có thể làm bài thi tốt nhất.

Liên quan đến câu chuyện quy chế thi năm nay cho phép thí sinh cũng là người giám sát giám thị được mang các thiết bị ghi hình nhưng không có chức năng thu, phát, vậy làm sao để kiểm tra được việc thí sinh có lợi dụng việc này để gian lận hay không? Về vấn đề này, ông Bằng cho biết: Quy định này của Bộ GD&ĐT đã có cách đây hai năm và kỳ thi THPT quốc gia 2017 là năm thứ ba.

Năm nay, mỗi phòng thi có 24 thí sinh, hai giám thị sẽ quan sát từ trên xuống dưới và từ dưới lên khi thí sinh làm bài. Khi gọi thí sinh vào phòng thi thì một giám thị gọi thí sinh vào, một giám thị đối chiếu ảnh, kiểm tra các thiết bị mang vào. Nếu các giám thị tập trung làm tốt thì khó có thể có sự gian lận. Giả sử có thí sinh thực hiện quyền giám sát của mình theo đúng Quy chế mà giám thị làm tốt rồi thì cũng không có gì đáng ngại.

TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với 114 điểm thi

Ngày 20-6, Bộ GD&ĐT đã công bố thống kê số lượng điểm thi, phòng thi của từng địa phương trong cả nước. Theo đó, toàn quốc sẽ có 866.005 thí sinh dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng điểm thi nhiều nhất với 114 điểm thi.

Hà Nội và Thanh Hóa cùng đứng thứ hai với 112 điểm thi. Địa phương có lượng điểm thi ít nhất là tỉnh Kon Tum với 13 điểm thi. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 24-6.

Chiều 21-6, các thí sinh sẽ làm thủ tục thi và chỉnh sửa lại lần cuối các thông tin cá nhân. Ngày 22, 23 và sáng 24-6, các thí sinh sẽ tham dự kỳ thi chính thức. Với 2,5 ngày thi thực tế, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 rút ngắn hơn so với năm 2016 khoảng 1,5 ngày. (PV)

Huyền Thanh
.
.
.