Sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình trường học mới:

Thầy không áp đặt, trò mạnh dạn, tự tin

Thứ Bảy, 14/03/2015, 23:26
Ngày 14/3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN) tại Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, mặc dù VNEN mới được chính thức thí điểm từ tháng 1/2013 đến nay, song mô hình đã được đông đảo cơ sở giáo dục tại các địa phương đánh giá cao.

Năm học 2014 -2015 đã có 1.039 trường trên cả nước nằm ngoài dự án tự nguyện áp dụng mô hình VNEN, nâng tổng số trường tham gia là 2.508 trường. Thậm chí, từ cấp tiểu học, mô hình VNEN còn lan tỏa ra cả cấp trung học cơ sở (THCS).

Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT, Trưởng ban Quản lý dự án VNEN, mô hình trường học mới được triển khai từ năm học 2012-2013 ở 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là các trường ở vùng khó khăn. Sau hai năm thực hiện, kết quả đạt được khá khả quan. Hầu hết học sinh ở các lớp VNEN thể hiện sự mạnh dạn, tự tin và chủ động tham gia các hoạt động giáo dục thông qua việc học theo nhóm.

Mô hình trường học mới được kỳ vọng phát huy tính chủ động sáng tạo cho học sinh. Ảnh: An Khang.

Tình trạng dạy học áp đặt một chiều của giáo viên và lối học thụ động của học sinh cũng từng bước được khắc phục đáng kể. Cách thức tổ chức lớp học theo các nhóm đã tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, khám phá, tự chiếm lĩnh kiến thức. Mối quan hệ, tương tác giữa học sinh với giáo viên, và quan hệ giữa học sinh với nhau cũng được tăng cường. Thậm chí, phụ huynh cũng có thể đến trường, vào lớp tham gia học cùng con.

“Nếu so sánh giữa 2 trường áp dụng mô hình học cũ và mới sẽ thấy không khí khác hẳn nhau. Một bên tự nhiên, vui vẻ, chủ động. Một bên thì gò ép, nặng nề”- ông Phạm Ngọc Định chia sẻ.

Cũng theo ông Định, với những ưu điểm nổi trội đó, đến nay, trên cả nước có gần 2.500 trường tiểu học trên tổng số 15.000 trường thực hiện mô hình VNEN. Ngoài ra, từ năm học này, Bộ GD&ĐT cũng sẽ cho thí điểm mô hình VNEN ở cấp THCS tại 24 trường thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa.

Tại hội nghị, đại diện các Sở GD&ĐT đến từ nhiều địa phương đều đánh giá cao về những hiệu quả thực tế mà mô hình giáo dục VNEN mang lại.

Một trong những điểm nổi bật của mô hình trường học mới là học sinh được học và thảo luận theo nhóm. Ảnh: A.K.

Đại diện Phòng Giáo dục tiểu học Lào Cai - một trong những địa phương áp dụng khá thành công mô hình này cho biết: Cái được lớn nhất của mô hình này là đã tích hợp được đồng bộ nhiều phương pháp giáo dục hiện đại. Trong đó, học sinh giảm dần được sự phụ thuộc, chủ động trong việc tiếp thu tri thức, được tương tác nhiều hơn nên cũng tự chủ, tự tin hơn. Giáo viên cũng đỡ mệt mỏi hơn, tin tưởng và biết lắng nghe, chia sẻ với học sinh nhiều hơn. Đặc biệt hơn, tại Lào Cai, mô hình trường học mới đang được lan tỏa từ tiểu học sang các trường THCS khi ngày càng có nhiều trường tại địa phương chủ động đến các đơn vị được thí điểm tham khảo, học hỏi mô hình này.

Đại diện đến từ Phòng Giáo dục tiểu học TP Hải Phòng cũng chia sẻ: Thực tế cho thấy, với cách thức làm việc nhiều theo nhóm khá hiệu quả, các thầy cô đã có nhiều thời gian quan tâm hơn đến những học sinh yếu. Bên cạnh đó, đối với những giáo viên đã làm việc theo mô hình mới, khi được hỏi có ai muốn quay về với cách dạy theo mô hình cũ không thì hầu như ai cũng lắc đầu. Có lẽ đó chính là thành công lớn nhất mà mô hình trường học mới mang lại.

Đánh giá cao những mặt tích cực mà mô hình VNEN bước đầu đạt được, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Giáo dục tiểu học được xác định là bậc học nền tảng của quá trình hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Qua hai năm triển khai mô hình VNEN cho thấy, đây là giải pháp giáo dục khả thi, hiệu quả, đáp ứng được nhiều yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt trong việc nhân rộng mô hình này.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, thực tiễn qua 2 năm thí điểm cho thấy, sự thành bại của mô hình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên trực tiếp. Ngay một lúc đòi hỏi cả 300.000 giáo viên của 15.000 trường tiểu học chuyển từ cách dạy giảng giải, truyền thụ một chiều sang cách dạy phát huy tính chủ động và năng lực tự học của học trò không phải là điều đơn giản. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là Bộ GD&ĐT cần các địa phương lưu tâm khi triển khai mô hình VNEN là chất lượng, chứ không phải chạy theo số lượng. Vì thế, chủ trương của Bộ GD&ĐT là điều kiện đến đâu, triển khai đến đó, thận trọng và chắc chắn, tránh tình trạng “làm theo phong trào” vì nếu làm không đúng, làm lệch, sẽ rất khó sửa, chỉ có làm đúng mới có thể thành công.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất: Để nhân rộng thành công mô hình trường học mới, Bộ GD&ĐT cần tăng cường tập huấn cho giáo viên tại các địa phương và đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để phụ huynh có thể yên tâm, đồng thuận, đồng hành với nhà trường và giáo viên khi triển khai mô hình này. Ngoài ra, việc thí điểm cũng cần thực hiện ở các trường có điều kiện khó khăn trước, sau đó mới nhân rộng sang các trường có điều kiện tốt hơn.

Huyền Thanh
.
.
.