Tăng thời gian thực nghiệm và mở rộng “kênh” thẩm định sách giáo khoa

Thứ Ba, 13/10/2020, 11:38
Sau những ồn ào, tranh cãi về sách giáo khoa (SGK) Tiếng việt lớp 1 những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo chất lượng SGK mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình thực nghiệm trước khi đưa các bộ sách vào nhà trường.

Bên cạnh đó, cũng cần mở rộng thêm các “kênh” thẩm định sách làm việc độc lập với các Hội đồng thẩm định quốc gia bởi nếu có nhiều người cùng “nhặt” thì chắc chắn “sạn” sẽ bớt đi.

Tranh cãi về cách thức sử dụng ngữ liệu

Theo dõi các cuộc tranh luận về SGK Tiếng Việt Cánh diều trong những ngày qua cho thấy, hai vấn đề nóng nhất được bàn luận xung quanh cuốn sách là cách thức tuyển chọn ngữ liệu và việc sử dụng ngôn từ trong các bài đọc như thế nào là hợp lý.

Khách quan mà nói, nếu xét về hiệu quả học vần để giúp trẻ nhanh biết đọc, biết viết SGK Tiếng Việt Cánh diều thể hiện khá tốt. Các bài học âm, vần được thiết kế theo trình tự, bài sau nối bài trước giúp trẻ nắm chắc những từ đã học.

Cần tăng thời gian thực nghiệm và đánh giá tác động của các bộ SGK trước khi đưa vào trường học.

Tuy nhiên, cũng vì quá chú trọng vào mục tiêu này nên ngữ liệu trong sách có những bài, những câu, những đoạn còn trúc trắc, chưa thực sự được trau chuốt, thiếu đi sự mượt mà, trong sáng. Đây cũng chính là nhược điểm của cuốn sách mà nhiều người đã chỉ ra và mong muốn các tác giả có những điều chỉnh phù hợp hơn.

GS. Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cho rằng: Đánh giá một quyển SGK có nhiều mức độ, từ phù hợp cao, phù hợp trung bình và không phù hợp (phải thay). Những "hạt sạn" trong SGK chắc chắn sẽ được chỉnh sửa nhưng phải dựa trên cơ sở khoa học.

Cũng theo GS Mai Ngọc Chừ, với những vấn đề mà gần đây phụ huynh bức xúc trong SGK Tiếng Việt Cánh diều như truyện Hai con ngựa; Cua cò và đàn cá; Lừa, thỏ và cọp hay việc dùng từ “nhá” thay “nhai”, Hội đồng thẩm định cũng đã từng khuyến cáo nên thay bằng những ngữ liệu phù hợp hơn nhưng do bảo lưu quan điểm nên nhóm biên soạn đã không điều chỉnh theo khuyến cáo của Hội đồng.

Theo lý giải của nhóm tác giả biên soạn, qua các câu chuyện tưởng như tiêu cực này, khi đứng lớp, giáo viên sẽ dạy trẻ những người lười biếng sẽ bị trả giá, giúp các em rút ra bài học phải sống chân thật, chăm chỉ. Đối với việc sử dụng một số từ được phụ huynh phản ánh là không phổ biến (trước đó Hội đồng cũng đã khuyến cáo), nhóm tác giả giải thích rằng, do trẻ chưa học tới vần "ai" nên không thể dùng từ "nhai", phải thay bằng từ "nhá".

“Chương trình Tiếng Việt lớp 1 ưu tiên cho việc dạy âm, vần nên khi nhóm tác giả bảo lưu quan điểm, ưu tiên dạy âm, vần thay vì chọn từ ngữ phổ biến, Hội đồng thẩm định phải tôn trọng vì điều đó không sai”- GS Mai Ngọc Chừ nói.

GS Nguyễn Minh Thuyết, chủ biên SGK Tiếng Việt Cánh diều cũng chia sẻ rằng, mỗi bài học trong cuốn sách đều chỉ có 2 chữ hoặc hai vần, sách cũng có nhiều hình đẹp minh họa, giúp việc học âm vần, hiệu quả. Còn với những điểm chưa phù hợp, qua quá trình triển khai thực tế, nhóm biên soạn sẽ điều chỉnh.

“Nhiều người cùng “nhặt”, chắc chắn “sạn” sẽ bớt đi”

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, trước khi được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thông qua, các bộ SGK đều đã có thực nghiệm để đánh giá tác động bằng nhiều hình thức như dạy thực nghiệm, lấy ý kiến giáo viên và chuyên gia.

Hồ sơ thực nghiệm cũng đã được trình Hội đồng thẩm định. Tuy nhiên, với những lùm xùm về SGK lớp 1 mới trong những ngày qua, nhiều người đặt câu hỏi, liệu quy trình thực nghiệm trong thực tế đã thực sự nghiêm ngặt, đủ thời gian và các bước như lý thuyết?

Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho rằng: SGK thể hiện quan điểm chủ quan của người viết nên trước khi sử dụng chính thức phải qua dạy thử nghiệm cả năm học chứ không phải dạy vài bài lấy lệ.

“Dạy thử nghiệm chính là cái “van an toàn” của sách. Nếu bỏ qua bước này,  tất yếu sẽ dẫn đến câu chuyện như sách tiếng Việt lớp 1 hiện nay. Mà nếu soi kỹ thì môn nào cũng vậy thôi, chứ không riêng gì SGK môn Tiếng Việt”-ông Đạt nêu ý kiến.

TS. Giáp Văn Dương cũng nêu quan điểm: Bài học quan trọng nhất đối với Bộ GD&ĐT  là thẩm định SGK cần phải làm bài bản, khoa học và minh bạch hơn. Cụ thể, bản thảo của các bộ SGK cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý, bên cạnh phần góp ý của Hội đồng thẩm định. Với các tác giả biên soạn SGK, quy trình tổ chức biên soạn SGK cần phải khoa học và nghiêm túc hơn nữa.

Nếu không, những sai sót đáng tiếc là không tránh khỏi. Một số ý kiến khác cũng đề xuất, đánh giá SGK mới nên chăng cần thực hiện ở cả 3 khâu gồm trước, trong và sau khi sử dụng. Trong đó, cần thiết có thêm một Hội đồng thẩm định SGK trong khi sử dụng với các thành viên độc lập.

Tại buổi làm việc với Bộ GD&ĐT về SGK lớp 1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Các ý kiến góp ý về SGK Tiếng Việt lớp 1, dù gay gắt nhưng đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Bộ GDT&ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học.

Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Mặt khác, Bộ GD&ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.

"Bằng công nghệ thông tin nên chăng chúng ta thay đổi cách làm đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, "nhặt sạn" ngay từ đầu sẽ tạo  thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng Thẩm định SGK quốc gia. Đông người "nhặt" thì chắc chắn "sạn" sẽ bớt đi”- Phó Thủ tướng gợi mở. 

Huyền Thanh
.
.
.