Tăng học phí, chất lượng giáo dục có tăng?
Theo Dự thảo mức trần học phí mới tại các cơ sở đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn từ 2015- 2016 đến 2020-2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) soạn thảo, mức trần học phí trình độ đào tạo ĐH tại trường công lập đại trà (không tự chủ tài chính) vẫn tính theo 3 nhóm ngành nghề đào tạo như quy định trước đây gồm: Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông, Lâm, Thủy sản; Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục Thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch; Y dược. Mức tăng học phí giai đoạn mới của tất cả các nhóm ngành nghề đều ở mức 10%/năm tính từ mức trần học phí năm học 2014 - 2015.
Cần làm rõ cơ sở tăng học phí để tránh tình trạng mức tăng không tương xứng với chất lượng đào tạo. |
Cụ thể, học phí trình độ ĐH tại trường công lập năm học 2015-2016 sẽ dao động từ 605.000-880.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề. Trong khi chờ nghị định mới ban hành, các trường vẫn sẽ thu học phí học kỳ 1 năm theo mức trần năm học 2014-2015 với khoảng 550.000-800.000 đồng/tháng tùy nhóm ngành nghề đào tạo.
Đối với các trường ĐH tự chủ tài chính, mức trần học phí cũng được phân theo nhóm ngành nghề. Theo đó, mức học phí bình quân tối đa chương trình đại trà trình độ ĐH hệ chính quy mà các trường được phép thu dao động trong khoảng 11,5-16 triệu đồng (năm học 2015-2016). Mức trần tối đa nhóm ngành Kinh tế cho năm học 2015-2016 là 17,5 triệu đồng (năm học 10 tháng). Các nhóm ngành nghề khác cao hơn, trong đó riêng nhóm ngành Y dược tối đa được đề xuất lên tới 45 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, đến nay chưa trường ĐH thuộc khối ngành Y dược nào đề xuất chuyển qua loại hình tự chủ tài chính. Như vậy, so với mức học phí theo Dự thảo, hiện nay các trường đều đang thu học phí ở mức thấp hơn. Ngoài khung học phí ĐH như trong Dự thảo, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tiếp tục xây dựng khung phí đối với giáo dục mầm non, phổ thông cho giai đoạn 2016 - 2020 để báo cáo Chính phủ.
Bình luận về câu chuyện tăng học phí đại học, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Thực tế cho thấy, kinh phí đào tạo của các trường ĐH, CĐ hiện nay đều đang dựa vào nguồn thu từ học phí. Do đó, việc tăng học phí theo lộ trình mà Bộ GD&ĐT đang xây dựng trong Dự thảo mới là cần thiết. Bên cạnh đó, mức học phí và chi phí học tập ĐH ở Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực, việc điều chỉnh theo lộ trình cũng là phù hợp với xu thế, nhất là khi mà cộng đồng kinh tế ASEAN đang hình thành vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra khiến cả chuyên gia giáo dục lẫn người học băn khoăn là chất lượng đào tạo liệu có được cải thiện và theo kịp với lộ trình tăng học phí? Học sinh nghèo, học sinh nông thôn liệu có mất cơ hội học tập khi gánh nặng học phí ngày càng trở nên quá tải?
PGS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng: Thực tế không phải lúc nào cũng “tiền nào của nấy” - học phí nhiều thì chất lượng đào tạo sẽ tăng.
Vì thế, theo ông, điều đầu tiên khi tăng học phí là cần phải minh bạch, không được để xảy ra tình trạng trường ĐH lợi dụng “tự chủ” để lạm thu.“Nhà nước phải yêu cầu các trường làm rõ cơ sở của mức tăng học phí mới, đặc biệt là các trường tự chủ tài chính để tránh tình trạng mức tăng không tương xứng với chất lượng đào tạo, thậm chí có thể xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm”.
Bên cạnh việc tính học phí theo đúng chi phí đào tạo, nhà nước cũng cần đẩy mạnh chính sách cho vay vốn không lấy lãi dài hạn hay cấp học bổng để giúp sinh viên nghèo có cơ hội đi học bởi đối tượng này rất dễ mất đi cơ hội được học ở giảng đường ĐH nếu không có chính sách hỗ trợ”- PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất.