Tăng cường thực nghiệm, lấy ý kiến rộng rãi nhằm nâng cao chất lượng sách giáo khoa

Thứ Bảy, 27/02/2021, 10:13
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, bản mẫu SGK định dạng PDF lớp 2, lớp 6 đã được đưa lên website của các nhà xuất bản (NXB) và giáo viên đã được cấp tài khoản để nghiên cứu tìm hiểu, từ đó đề xuất lựa chọn, chuẩn bị cho dạy học và tham gia tập huấn SGK.

Để các hoạt động này đạt hiệu quả, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị chức năng cần bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các NXB, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức. Đối với công tác tập huấn SGK, Bộ trưởng cũng lưu ý, cần có hướng dẫn cụ thể cho địa phương và NXB để làm hiệu quả, trong đó quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sách; kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn SGK cho giáo viên, tránh tình trạng thời gian gấp gáp, giáo viên phải di chuyển xa, tập huấn không đảm bảo chất lượng.  Đề nghị các đơn vị chuyên môn, các NXB xem xét, nghiên cứu có giải pháp phù hợp nhằm giảm giá thành SGK.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Cùng với quá trình chuẩn bị SGK lớp 2, lớp 6 và các SGK khác như sách Tiếng Anh hệ 10 năm, sách ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh, sách Quốc phòng, sách tiếng dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo tăng cường chất lượng thực nghiệm, lấy ý kiến góp ý bản mẫu SGK lớp 3, lớp 7, lớp 10. Theo Bộ trưởng, việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng các bản mẫu SGK, công tác thẩm định qua đó cũng sẽ được thực hiện tốt hơn. 

Đối với tài liệu giáo dục địa phương, đây là một phần quan trọng trong chương trình mới và sẽ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, theo quy định, việc biên soạn và thẩm định tài liệu này thuộc trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố. Vì vậy, UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng, nội dung tài liệu. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các địa phương trong quá trình thẩm định tài liệu giáo dục địa phương trước khi phê duyệt.

H.Thanh
.
.
.