Tăng chuẩn đầu ra để tân cử nhân có thể “mặc cả” với nhà tuyển dụng

Thứ Bảy, 28/05/2016, 18:01
Nhằm nâng chuẩn chất lượng nhân lực đào tạo, tiếp cận với chuẩn trình độ khu vực và thế giới, rất nhiều trường đại học (ĐH) lớn đã và đang xây dựng chuẩn ngoại ngữ đầu ra cho sinh viên.


Là trường ĐH trọng điểm quốc gia, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên (SV) Khóa 32, tốt nghiệp năm 2016. Do là khóa học đầu tiên áp dụng chuẩn đầu ra nên không ít SV đang hoang mang, lo lắng về nguy cơ có thể chưa được tốt nghiệp vì không đạt chuẩn môn ngoại ngữ. Thực hư của câu chuyện này như thế nào? Việc áp dụng chuẩn đầu ra của Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực hiện theo đúng lộ trình hay đột ngột theo kiểu “đánh đố” sinh viên? 

PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Năm đầu tiên Học viện Báo chí và Tuyên truyền áp dụng chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ, tin học đối với SV tốt nghiệp ĐH chính quy K32, tốt nghiệp năm 2016 đang khiến không ít SV năm cuối lo lắng, sợ học không kịp để thi đạt theo yêu cầu của chuẩn mới, đặc biệt là môn ngoại ngữ. Việc áp dụng chuẩn đầu ra này là vì uy tín của nhà trường hay vì lợi ích của chính SV, thưa ông?

PGS.TS Lưu Văn An: Có một thực tế là nhiều SV Việt Nam yếu về trình độ ngoại ngữ và tin học. Điều này đã ảnh hưởng đến sự thành công của các SV sau khi tốt nghiệp. Không ít tân cử nhân sớm bị loại khỏi các cuộc tuyển dụng chỉ vì yếu các kĩ năng này. Vì vậy việc áp dụng chuẩn đầu ra là cần thiết và là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, từng bước hội nhập quốc tế và tăng cường cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường cho các tân cử nhân.

Tất nhiên, trước khi xây dựng chuẩn đầu ra, Nhà trường cũng đã tính đến khả năng cụ thể của SV cũng như yêu cầu của thị trường lao động để đưa ra chuẩn và chọn một lộ trình thực hiện hợp lý. Trong đó, ngoài các yêu cầu chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học, chuẩn đầu ra về chuyên môn nghiệp vụ cũng đã được Nhà trường chú trọng và xây dựng chương trình đào tạo theo hướng sát với nhu cầu xã hội.

PGS.TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đơn cử như đối với chuẩn đầu ra của SV Báo chí, dựa trên cơ sở thực tế các cơ quan báo chí hiện nay cần gì thì Nhà trường sẽ cố gắng giúp các em đáp ứng yêu cầu đó. Cụ thể, trong quá trình chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ, Nhà trường đã rà soát, đổi mới chương trình, tăng cường các môn thực hành, kỹ năng, trong các môn học lý thuyết cũng dành thời lượng nhiều hơn cho thực hành, SV học các môn cơ sở ngành, chuyên ngành từ năm thứ nhất, tạo điều kiện để SV có cơ hội làm quen và học nghề nhiều hơn. 

Mục tiêu đào tạo cũng đang có những điều chỉnh theo xu hướng báo chí đa phương tiện, tức là SV sau khi ra trường có thể tác nghiệp ở nhiều loại hình báo chí khác nhau từ báo hình, báo viết đến báo ảnh, báo mạng.

Như vậy, với việc đạt các điều kiện về chuẩn đầu ra, từ vững vàng về phẩm chất chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, cộng thêm với chuẩn ngoại ngữ, tin học, các tân cử nhân của Học viện Báo chí có thể tự tin “mặc cả” với nhà tuyển dụng.

PV: Thưa ông, mục tiêu nâng chuẩn đầu ra rõ ràng là vì lợi ích của SV. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay có không ít SV đang đứng trước nguy cơ khó có thể tốt nghiệp, ra trường đúng hạn vì không đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Điều này vô hình chung khiến chuẩn đầu ra ngoại ngữ trở thành một “món nợ”mới đối với SV. Vì sao lại có sự mâu thuẫn này?

PGS.TS Lưu Văn An: Năm nay là năm đầu tiên trường áp dụng chuẩn ngoại ngữ, tin học. Không chỉ SV, mà các thầy cô và lãnh đạo trường cũng lo lắng, nhất là trong điều kiện trình độ ngoại ngữ của SV các chuyên ngành (29 chuyên ngành) không đồng đều. Xuất phát điểm những SV thi đầu vào khối D có trình độ ngoại ngữ tốt hơn những SV thi đầu vào khối C. Do đó, Nhà trường rất chia sẻ với các em và luôn tạo mọi điều kiện để các em có thể đáp ứng được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ một cách tốt nhất.

Tuy nhiên, chúng ta đều biết, trước hiệu ứng cử nhân thất nghiệp hàng loạt, gây nhức nhối xã hội hiện nay, các trường ĐH đều phải đứng trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Và việc nâng chuẩn đầu ra, trong đó có ngoại ngữ là xu hướng tất yếu, đây cũng là một trong những hành trang giúp SV ra trường có thêm cơ hội tìm việc làm, đảm bảo có một công việc ổn định.

Do đó, SV cũng cần phải chấp nhận thực tế rằng, sẽ không còn tình trạng “vào bao nhiêu ra bấy nhiêu” để phấn đấu học tập ngay từ lúc bước chân vào ĐH, tránh tình trạng chủ quan, thiếu ý thức phấn đấu, “nước đến chân mới nhảy”, và hệ quả là không thể ra trường đúng hạn.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Tại buổi đối thoại với SV về việc áp dụng chuẩn đầu ra môn ngoại ngữ đầu năm 2016, tôi cũng đã từng khẳng định với các em rằng: Ra trường có thể dùng ngoại ngữ hoặc không dùng ngoại ngữ tùy điều kiện công tác, nhưng đã vào môi trường Học viện thì phải theo các quy định của Nhà trường, bởi chuẩn đầu ra với tất cả SV là như nhau, Nhà trường không thể hạ tiêu chuẩn hay chiếu cố bất cứ SV nào.

Hơn thế nữa, có thể một số em chưa hiểu rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ, tin học khi đi xin việc, kể cả ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cả nước đang chuyển mình để đáp ứng những yêu cầu mới của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng ta không thể đứng ngoài.

PV: Vậy Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có những biện pháp gì để giúp đỡ SV, nhất là những em có học lực trung bình và yếu về ngoại ngữ để giảm thiểu số lượng SV không thể tốt nghiệp đúng hạn vì không đạt chuẩn, thưa ông?

PGS.TS Lưu Văn An: Trước khi đưa quy định mới vào áp dụng, Học viện đã có tham khảo cách làm của các trường, như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại... Ngay từ đầu năm 2013, khi SV K32 chính thức nhập học, Nhà trường đã thông báo về việc áp dụng chuẩn đầu ra về Ngoại ngữ để các em có sự chuẩn bị về mặt tâm lý. Đồng thời, trên cơ sở khảo sát năng lực SV, phân luồng trình độ ngay từ năm thứ nhất để áp dụng chuẩn phù hợp cho từng ngành, chuyên ngành tùy thuộc vào yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn theo hướng các ngành báo chí truyền thông yêu cầu trình độ cao hơn so với các ngành lý luận chính trị.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Nhà trường chỉ đạo Khoa Ngoại ngữ đổi mới chương trình đào tạo gắn với chuẩn đầu ra từ A2 đến C1, tức là đi từng bước nhỏ, nâng chuẩn từ từ để không quá đột ngột theo kiểu đánh đố SV. Nhà trường còn phối hợp với các Trung tâm Ngoại ngữ uy tín bên ngoài mở các lớp dạy thêm cho SV có nhu cầu, trên tinh thần giảm học phí tối đa cho SV; tổ chức CLB SV tình nguyện quy tụ các SV khá, giỏi nhằm kèm cặp thêm cho các SV còn yếu.

Từ đầu năm 2016, Nhà trường tổ chức 5 kỳ thi ngoại ngữ cho các đối tượng khác nhau, trong đó không ít SV khóa 32 tham gia thử sức và đã nhận được chứng chỉ, tất nhiên số không đạt chuẩn cũng còn nhiều.

Ngày 20 và 21-5-2016, Nhà trường tổ chức kỳ thi thứ 5 đáp ứng chuẩn đầu ra ngoại ngữ, số sinh viên tham gia đông nhất, gần 1.000 em. Ngoài ra, nhà trường còn mở rộng cửa đổi với SV bằng cách cho phép các em được thi và lấy chứng chỉ tương ứng ở các cơ sở ngoại ngữ uy tín bên ngoài làm điều kiện để nộp cho trường. Tất nhiên, hiện nay nhà trường chỉ công nhận chứng chỉ của 3 cơ sở đào tạo có uy tín là ĐHQGHN, ĐHQGTPHCM và ĐH Ngoại ngữ Hà Nội và chúng tôi cũng sẽ tiến hành “hậu kiểm” đối với những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã áp dụng chuẩn đầu ra ngoại ngữ đối với sinh viên.

PV: Từ kết quả khảo sát chuẩn đầu ra đối với môn ngoại ngữ trong năm 2016, Nhà trường có thể ước lượng sẽ có khoảng bao nhiêu SV không thể tốt nghiệp năm nay vì còn nợ môn ngoại ngữ không, thưa ông?

PGS.TS Lưu Văn An: Khóa 32, tốt nghiệp năm 2016 có khoảng hơn 1.600 SV. Tâm lý các em lo lắng, thậm chí là hoang mang lo sợ của các em là hoàn toàn dễ hiểu vì đây là năm đầu tiên trường thực hiện chuẩn đầu ra, nên Nhà trường cũng rất chia sẻ và thông cảm với các em.

Tuy nhiên, bên cạnh những SV ý thức được sự cấp bách và tầm quan trọng của ngoại ngữ khi ra trường thì vẫn còn một bộ phận SV lơ là, không đầu tư học tập, chủ quan, thậm chí không tin là Nhà trường sẽ quyết tâm thực hiện chuẩn đầu ra. Tất nhiên, với việc áp chuẩn đầu ra ngoại ngữ, số lượng SV vì nợ điều kiện này mà chưa thể tốt nghiệp đúng hạn sẽ tăng lên, nhiều hơn con số 30-50 SV như các năm trước.

Quan điểm của Nhà trường là chừng nào chưa đạt chuẩn ngoại ngữ thì SV sẽ vẫn chưa được nhận bằng tốt nghiệp. Đây cũng là việc bình thường đối với phương thức đào tạo học tín chỉ, sẽ có SV học nhanh tốt nghiệp sớm, có SV tốt nghiệp đúng hạn, và cũng có SV tốt nghiệp muộn hơn.

PV: Thưa ông, năm 2017 Nhà trường có tiếp tục duy trì chuẩn đầu ra đối với môn ngoại ngữ không, nếu như có một số lượng quá lớn SV K32 tốt nghiệp năm 2016 không thể ra trường vì không đạt chuẩn ngoại ngữ?

PGS.TS Lưu Văn An: Như tôi đã nói, điều Nhà trường quan tâm nhất vẫn là chất lượng đào tạo, bằng mọi cách giúp SV ra trường nhanh chóng có việc làm, mà hiện nay ngoại ngữ là một yêu cầu cấp thiết. Đối với SV khóa 32 còn nợ ngoại ngữ, các em tiếp tục tập trung học tập, Nhà trường sẽ mở các lớp bồi dưỡng, trong đó có những lóp học miễn phí do thầy cô và sinh viên Nhà trường tổ chức.

Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các kỳ thi để các em tiếp tục dự thi để đạt chuẩn. Khi nào có chứng chỉ ngoại ngữ, các em sẽ được cấp bằng tốt nghiệp, không nhất thiết phải đợi đến năm học sau.

Để giúp SV các khóa sau chuẩn bị tốt hơn, Nhà trường tăng thêm 5 tín chỉ học ngoại ngữ, tiếp tục đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy hướng tới chuẩn đầu ra; mở thêm các lớp bồi dưỡng dành cho các trình độ khác nhau.

Ngày trong hè 2016 này và hè năm 2017, Nhà trường tổ chức dạy miễn phí cho SV khóa 34. Tuy nhiên mọi cổ gắng của Nhà trường cũng chỉ là điều kiện, vấn đề quyết định vẫn là SV, phụ thuộc vào nhận thức, ý chí quyết tâm của các em. Trong những năm tới, Nhà trường tiếp tục duy trì chuẩn đầu ra, trong đó có chuẩn ngoại ngữ theo khung tham chiếu Châu Âu và quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hướng từng bước nâng dần chuẩn năm sau cao hơn năm trước.

Trên cơ sở kết quả đầu ra năm 2016, Nhà trường sẽ rà soát lại tất cả các khâu, từ chương trình, phương pháp đến đến công tác truyền thông làm sao để những thay đổi này có thể ngấm vào các em ngay từ năm thứ nhất.

Đặc biệt, bên cạnh việc nâng chuẩn đầu ra, Nhà trường cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nâng chuẩn đầu vào, nhất là từ phía các giảng viên, như tăng cường thêm số lượng giảng viên ngoại ngữ, tuyển chọn và nâng dần tỷ lệ giảng viên có thể giảng dạy bằng tiếng Anh, tạo động lực cho phong trào học tiếng Anh cho cả thầy và trò trong Học viện.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.