Tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với hàng trăm giáo viên ở Đắk Lắk
Liên quan đến việc hơn 500 giáo viên bất ngờ nghe tin sắp mất việc, ngày 11-3, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk và Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Krông Pắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với hàng trăm giáo viên.
- Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đề nghị bảo vệ quyền lợi cho giáo viên Đắk Lắk
- Hơn 500 giáo viên bất ngờ nghe tin sắp mất việc
Thông tin trên được một lãnh đạo huyện Krông Pắk cho biết vào chiều 11-3. Theo vị lãnh đạo này thì tại cuộc họp khẩn giữa các sở, ngành liên quan vào sáng cùng ngày, lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Krông Pắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với khoảng 200 giáo viên hệ THCS, Tiểu học và Mẫu giáo trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập để làm rõ vấn đề này thì vị lãnh đạo cho biết, vào ngày mai (12-3), huyện Krông Pắk sẽ có thông báo chính thức về vụ việc và sẽ cung cấp thông tin cho báo chí.
Nhiều giáo viên tỏ ra bức xúc trước việc bất ngờ chấm dứt hợp đồng |
Trưa 11-3, chúng tôi đã gặp gỡ một số giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện Krông Pắk để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ. Khi PV vừa đặt câu hỏi thì chị Hồ Thị Ngọc Dung (giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Ngô Mây, xã Vụ Bổn) đã bật khóc. “Mấy năm liền, sáng em phải dậy sớm nấu cháo đi bán, chiều lên lớp. Nhiều người nói đi dạy thì hơi đâu mà bon chen. Thế nhưng, họ đâu có biết cuộc sống của tụi em cực khổ cỡ nào. Đồng lương thì ba cọc ba đồng, chỉ đủ xăng xe và nuôi bản thân, em phải bán cháo, phải làm thêm mới có tiền nuôi con và nuôi cả nghề”, giọng chị Dung nghẹn lại.
Cũng theo chị Dung, mấy năm trước đường ở xã Vụ Bổn rất xấu. Trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì đường trơn, nhiều khi đến lớp, cô bị té quần áo lấm lem bùn đất…Thế nhưng, vì yêu nghề, yêu trẻ chị vẫn vượt qua tất cả khó khăn ấy để bám trụ với lớp với trường. “Ngày trước, con đường chính vào xã Vụ Bổn chưa có cầu. Người dân chỉ bắc 3 tấm ván để vượt qua sông Krông Pắk, em cũng theo con đường đó để đến trường. Mỗi lần đến lớp là mỗi lần đánh đổi mạng sống của mình với sông nước…Giờ đứng trước nguy cơ mất việc, nghĩ lại em thấy xót xa quá, mình chôn vùi cả tuổi trẻ nơi đây mà nhận được kết cục đắng chát. Không biết rồi bạn bè, người thân ở quê sẽ nói gì, nghĩ gì về mình nữa”, chị Dung thở dài.
Cùng chung nỗi niềm, một số giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Ngô Mây còn cho biết thêm, khi mới được nhận vào dạy, họ được nhận đầy đủ lương và chế độ. Thế nhưng, từ tháng 6-12-2015, họ bị cắt chế độ thu hút của vùng 3. Tiếp đó, từ tháng 1-6-2016, họ chỉ nhận được lương cơ bản là 2,3 triệu. Tháng 7-2016 là thời gian nghỉ hè, họ không được nhận lương; tháng 8 nhận 1 triệu, tháng 9 nợ lương và từ tháng 10-2016 bắt đầu nhận lương theo đợt 4 tháng 1 lần. “Từ tháng 10-2016, tụi em chỉ nhận được khoảng 2 triệu/tháng, có người còn thấp hơn do bậc lương khác nhau. Với số tiền ấy, tụi em phải chắt chiu dành dụm mới đủ nuôi bản thân chứ chẳng giúp gì được cho gia đình”, một giáo viên buồn bã nói.
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện tại đơn vị vẫn chưa nhận được công văn của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, phía Liên đoàn lao động tỉnh vẫn luôn theo dõi sát sao vụ việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc để bảo vệ quyền lợi người lao động. “Sau khi có kết xử lý cụ thể cho từng giáo viên của các cơ quan quản lý nhà nước, khi đó nếu trường hợp nhà giáo nào bị xâm hại tới quyền lao động thì chúng tôi sẽ có tiếng nói cụ thể để bảo vệ quyền lợi ích của các nhà giáo”, ông Tuấn Anh cho hay.
Hàng trăm giáo viên phản ứng trước việc bất ngờ thông báo chấm dứt hợp đồng vào chiều 9-3 |
Còn ông Phan Xuân Lĩnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk cho biết, liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng viên chức và hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Sỹ Kỷ (nguyên Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2011-2015, hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk). Riêng ông Y Suôn Byă - Chủ tịch huyện Krông Pắk, Tỉnh ủy Đắk Lắk đang tiến hành kiểm tra, làm rõ các sai phạm. “Sang tuần, chúng tôi sẽ triển khai quy trình tiếp theo sau khi kết luận sai phạm của lãnh đạo huyện Krông Pắk; xem xét, xử lý kỷ luật theo các mức độ... Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm sai phạm”, ông Lĩnh thông tin.
Như Báo CAND đã thông tin, ngày 9-3, UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp giải quyết những tồn tại, hạn chế trong công tác sử dụng biên chế, tuyển dụng hợp đồng lao động trong ngành giáo dục dẫn đến dư thừa hơn 500 giáo viên và thông báo chấm dứt hợp đồng 200 giáo viên không trong chỉ tiêu biên chế 2017. Trước đó, huyện Krông Pắk đã hợp đồng ngoài chỉ tiêu (chỉ tiêu được UBND tỉnh giao) tới 526 giáo viên và nhân viên trường học.
Báo CAND sẽ thông tin đến vụ việc khi có tình tiết mới.