Sẽ có quy định về chuẩn chính tả trong sách giáo khoa mới

Thứ Sáu, 09/03/2018, 08:20
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang xây dự thảo quy định mới về chính tả nhằm thống nhất lại các quy định cũ trên nguyên tắc điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới. 

Đặc biệt, dự thảo quy định về chính tả trong chương trình- sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới sẽ đặt ra những quy định cụ thể, được sử dụng thường xuyên như cách viết tên người, tên địa lý Việt Nam và nước ngoài. 

Việc thống nhất, có một quy định chung về chính tả trong chương trình, SGK mới là hết sức cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng “loạn” quy chuẩn khác nhau về chính tả, gây khó khăn, lúng túng cho các nhà trường, giáo viên và người học trong quá trình dạy và học, nhất là khi sắp tới sẽ thực hiện “một chương trình, nhiều bộ SGK”.

Thay đổi cách viết tên người, tên địa lý, thuật ngữ nước ngoài

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, dự thảo quy định về việc viết tên riêng Việt Nam và tên riêng nước ngoài. Quy định về cách viết tên người, tên địa lý Việt Nam về cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành. 

Về cách viết tên tổ chức, đơn vị, dự thảo lựa chọn quy định tại QĐ số 07/2003/QĐ của Bộ GD&ĐT ngày 13-3-2003: Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong SGK. 

Cụ thể là viết hoa chữ cái đầu của mỗi từ hoặc cụm từ có tác dụng phân biệt tên riêng đó với những tên riêng khác, ví dụ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội,... 

Việc thống nhất quy định về chính tả trong SGK mới sẽ thuận lợi hơn cho cả người dạy lẫn người học. (Ảnh minh họa)

Về tên người, tên địa lý nước ngoài, đối với những tên người, tên địa lý đã được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt mà quen dùng như Hắc Hải, Đại Tây Dương, Mỹ, Anh, Bắc Kinh, Đỗ Phủ, Lý Bạch,… thì viết như cách viết tên người, tên địa lý tiếng Việt. 

Đối với các trường hợp còn lại sẽ có 3 hình thức xử lý: Một là viết nguyên dạng, nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Thomas Edison, Paris, New York... Hai là, chuyển tự sang chữ Latin, nếu đó là tên viết bằng các chữ ghi âm không phải chữ Latin, ví dụ: Volga, Moskva, Sankt Peterburg,... Ba là, trong trường hợp không chuyển tự được thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Tokyo, Fuzhou, Zhejiang, Nile, Cleopatra,...

Theo GS Thuyết, việc áp dụng quy định này có lợi so với cách phiên âm có gạch nối, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài. Quy định này cũng phù hợp với một thực tế là theo chương trình giáo dục mới, học sinh sẽ được học ngoại ngữ từ lớp 3. 

Đối với tên các môn học, chuyên ngành khoa học, quy định chuẩn sẽ là viết hoa chữ cái đầu tiên, ví dụ: Địa lí, Hoá học, Ngữ văn, Di truyền học. Đối với tên các thiên thể (sử dụng với tư cách thuật ngữ thiên văn học, khoa học trái đất), tên các năm âm lịch, tên các dân tộc, tùy trường hợp, viết theo quy tắc áp dụng cho ngôn ngữ đơn tiết hoặc đa tiết. 

Ví dụ: Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng, Sao Kim; Ất Mùi, Quý Tỵ; (dân tộc) Hà Nhì, (dân tộc) Ba-na... Tên các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Giáo dục, Luật Hôn nhân và Gia đình...; tên các huân chương, huy chương, danh hiệu, giải thưởng: Huân chương Lao động, Huy chương Vàng, Anh hùng Lao động, Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Sáng tạo...

Dự thảo cũng nêu những trường hợp viết hoa những từ ngữ không phải tên riêng. Ngoài viết hoa chữ cái đầu câu, đầu dòng, còn viết hoa chữ cái đầu của tên chương, mục, bài… 

Viết hoa tu từ để tỏ thái độ quý trọng đối với người hoặc sự vật nhất định, có thể viết hoa chữ cái đứng đầu danh từ chung hoặc xưng hô chỉ người hoặc sự vật đó. Ví dụ: Tổ quốc, Chủ tịch, Tổng thống, Mẹ, Thầy, Người, Ông… 

Riêng đối với thuật ngữ chuyên ngành, khoa học, trong trường hợp tiếng Việt đã có sẵn thuật ngữ tương ứng với thuật ngữ nước ngoài hoặc việc dịch thuật ngữ sang tiếng Việt đảm bảo dễ hiểu thì sử dụng thuật ngữ tiếng Việt, ví dụ: tam giác, tam giác cân, hình bình hành, nhôm, đồng, chì, bạc, vàng. 

Tuy nhiên với những thuật ngữ có tính hệ thống, có khả năng tạo ra nhiều thuật ngữ cùng gốc hoặc các thuật ngữ dẫn chiếu đến các ký hiệu, công thức thông dụng thì cần viết nguyên dạng tiếng nước ngoài. Đối với các trường hợp tồn tại nhiều cách viết khác nhau như "dập dờn" và "rập rờn"; "sum suê" và "xum xuê" thì áp dụng theo Từ điển Ngôn ngữ học.

Sẽ chấm dứt tình trạng “loạn” quy định về chính tả trong SGK mới

Lý giải nguyên nhân cần phải thay đổi quy định về chuẩn chính tả trong chương trình, GSK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Cho đến nay, Bộ GD&ĐT đã có ba văn bản quy định về chính tả trong SGK là: văn bản do Bộ GD&ĐT ký với Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam năm 1980; văn bản do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Bình ký năm 1984; văn bản do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Đặng Huỳnh Mai ký năm 2003. 

Giữa các văn bản này có nhiều quy định thống nhất, nhưng cũng không ít quy định không thống nhất với nhau. Một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh mới. Vì thế, việc có một quy định có tính pháp lý để thống nhất chính tả trong SGK là cần thiết. 

Việc ban hành quy định mới để thống nhất chính tả trong SGK rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK. Nếu không có quy định thống nhất sẽ khó tránh khỏi tình trạng mỗi SGK viết một cách, gây khó khăn cho việc dạy, học và đánh giá kết quả giáo dục.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, theo quy định của pháp luật, nếu được lãnh đạo Bộ đồng ý, dự thảo sẽ được đưa lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và các phương tiện thông tin đại chúng 2 tháng để xin ý kiến nhân dân. Phạm vi áp dụng quy định này là chương trình, SGK mới. 

Việc sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục sẽ tạo ra một lớp người mới quen với cách viết này, dần dần những quy định mang tính hợp lý sẽ lan tỏa ra toàn xã hội. Theo tiến độ dự kiến, từ nay đến tháng 5-2018 sẽ phải ban hành Thông tư.

Huyền Thanh
.
.
.